Những “sợi dây” thắm tình hữu nghị
Giới trẻ - Ngày đăng : 06:10, 18/04/2014
Rất tình cờ, tôi được dự ngày Tết Chôl Chnăm Thmây tại khu ký túc xá Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội với nhiều sinh viên Việt Nam, Lào và Campuchia. Là ngày lễ trọng trong năm nên các bạn nữ người Campuchia và Lào xúng xính trong những bộ trang phục truyền thống Sampot rực rỡ sắc màu. Sampot là trang phục truyền thống của đất nước Campuchia nhưng tương tự như trang phục truyền thống của đất nước Lào và Thái Lan. Một bộ Sampot theo lối truyền thống, được các bạn sinh viên miêu tả đó là một miếng vải dài khoảng 3m, rộng 1m, quấn xung quanh thắt lưng, kéo dài ra và kết lại bằng một nút thắt, sau đó được kéo lên giữa hai chân rồi cố định bởi một thắt lưng bằng kim loại. Khi vận lên người, trông Sampot có nét giống với một chiếc quần hơn là váy, rất riêng và đặc biệt.
Các giáo viên từng giảng dạy ở Lào ôn lại những kỷ niệm. |
Lần đầu tiên được tham dự lễ Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây, chúng tôi thực sự ấn tượng với những tình cảm, tấm chân tình mà giáo viên và các sinh viên Việt Nam, Campuchia và Lào dành cho nhau. Trong không khí ấm cúng, thân tình, Yon Channry, sinh viên lớp 11X2 Khoa Xây dựng, Đoàn trưởng Đoàn lưu học sinh Campuchia kể cho chúng tôi về Tết Chôl Chnăm Thmây của người Campuchia. "Dù ở đất nước Việt Nam nhưng những dịp thế này, chúng tôi rất háo hức vì được nhà trường, nhất là Ban quản lý ký túc xá tạo điều kiện tổ chức nhiều hoạt động vui chơi, giao lưu văn nghệ. Vui nhất là chúng tôi được làm những món ăn truyền thống như món Lạp với xôi nóng của Lào; món Kary, bánh Onson, cá rán... của Campuchia. Những việc làm ý nghĩa như thế này đã giúp chúng tôi vơi đi nỗi nhớ nhà da diết mỗi dịp Tết đến" - Channry vui vẻ cho biết.
Buổi lễ vui nhất là đến nghi lễ té nước và buộc chỉ tay. Theo tục lệ này, ai càng được buộc nhiều chỉ vào cổ tay càng gặp nhiều may mắn. Anh Bounyong Sichanthala, đang là nghiên cứu sinh Khoa Quản lý đô thị (hiện công tác tại Khoa Quản lý xây dựng, Đại học Quốc gia Lào), chia sẻ: "Lễ buộc chỉ cổ tay là mừng tuổi mới, chúc cho bạn hạnh phúc bền chặt, may mắn, thực hiện được điều ước trong năm mới. Nếu bạn sang đất nước chúng tôi vào đúng dịp Tết thì thấy người dân Lào rất thân thiện. Nếu bạn đang lái xe hoặc đi bộ trên phố, họ sẽ thực hiện tục lệ té nước vào người bạn. Đừng giận nhé, họ làm vậy chỉ là để mong ước cho bạn và cho chính họ được mạnh khỏe suốt đời". Và hôm nay, trên đất nước Việt Nam, những sinh viên, nghiên cứu sinh Lào và Campuchia đã được chia sẻ cùng những người bạn Việt Nam tổ chức một cái Tết đầm ấm và thú vị theo đúng phong tục.
Trong nhóm bạn Lào ở Trường Đại học Kiến trúc, anh Patsaya Thirasack, là người "sõi" tiếng Việt nhất. Khi trò chuyện với các sinh viên khác, anh luôn đóng vai trò phiên dịch cho chúng tôi. Thirasack đã có nhiều năm học tập, nghiên cứu ở Việt Nam và hiện đang làm nghiên cứu sinh tại Khoa Xây dựng, Đại học Kiến trúc. Thirasack cho biết: "Tôi có tên Việt Nam là Kim Đồng. Đây là một kỷ niệm của bố tôi khi sang Việt Nam công tác, được nghe câu chuyện về người anh hùng trẻ tuổi Kim Đồng. Tôi hiểu trong tâm ý của bố đặt tên cho tôi Kim Đồng là muốn mình học hỏi, noi gương người anh hùng trong chiến đấu của dân tộc Việt Nam, luôn biết vượt qua khó khăn để thực hiện mục tiêu, lý tưởng". Thirasack sinh năm 1981, hiện đang là giảng viên của Trường Đại học Quốc gia Lào.
Thắt chặt tình bằng hữu
Trong buổi gặp gỡ hôm ấy, chúng tôi được thấy nhiều thế hệ ở Trường Đại học Kiến trúc, đó là những nhà giáo già như thầy Hiện, cô Lập và những sinh viên Việt Nam, sinh viên Lào, Campuchia. Hai thế hệ một già, một trẻ trong tâm tưởng đều có một điểm chung là họ coi đất nước mình đã, đang giảng dạy, học tập, nghiên cứu là "quê hương thứ hai". Bạn Channry kể: "Mấy ngày nay, sinh viên Campuchia, sinh viên Lào và các bạn Việt Nam tổ chức giải bóng đá, vui văn nghệ để đón Tết Chôl Chnăm Thmây theo người Campuchia gọi hay Tết Bunpimay - theo cách gọi của người Lào. Dịp như thế này, chúng em được gặp các thầy cô giáo, anh chị sinh viên để giao lưu và có cơ hội tìm hiểu truyền thống văn hóa của mỗi dân tộc". Kể về Tết của người Lào với các bạn sinh viên, thầy Nguyễn Đình Hiện, người đã trải qua hai cái Tết Bunpimay ở nước bạn Lào, cho biết: "Rất khác so với Tết ở Việt Nam, phong tục cột chỉ rất thân thiện. Sợi chỉ rất mỏng manh nhưng bền chặt như mối quan hệ giữa con người với con người. Đó là điều rất thiêng liêng và riêng biệt của dân tộc Lào và dân tộc Campuchia". Trong những câu chuyện của những nhà giáo già, chúng tôi liên tưởng tới hình ảnh một đất nước Lào thanh bình với những con người sống vui vẻ và bình dị.
Năm nay sang tuổi 78, nhưng cứ mỗi dịp đến Tết Bunpimay, trong lòng thầy Nguyễn Đình Hiện lại thấy xốn xang nhớ về đất nước Vạn Tượng trọng tình, mến khách. Thầy bồi hồi nhớ lại: Năm 1992, thầy được Trường Đại học Kiến trúc cử sang Trường Cao đẳng Kiến trúc xây dựng Viêng Chăn giảng dạy. Những ngày đầu vì chưa biết tiếng, những bài giảng phải qua cán bộ phiên dịch là thầy giáo Khăm Liên ở Trường Cao đẳng. Khăm Liên cũng như những người dân Lào luôn trọng tình và hết lòng vì công việc. Với cô Đỗ Thị Lập mỗi khi Tết Bunpimay đến, cô lại lật giở tập Album ảnh mà người sinh viên ưu tú, được cô hết mực yêu thương, giúp đỡ là Boualine Rounsavang gửi tặng. Cuốn Album được cô Lập lưu giữ cẩn thận dù bìa đã ố vàng với những nét chữ tiếng Việt nguệch ngoạc, sai chính tả của một sinh viên người Lào. Cô Lập kể rằng, "Rounsavang hiện nay là giảng viên Trường Cao đẳng Kiến trúc xây dựng Lào và mỗi khi sang chơi hoặc đi công tác, học tập ở Việt Nam, em đều ghé qua gia đình tôi".
Ông Vũ Vương Việt, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Hữu nghị Việt Nam -Campuchia cho rằng, những sinh viên Việt Nam, Lào và Campuchia là những "mầm xanh" ươm tình hữu nghị sâu sắc nhất, bền vững nhất và cho nhiều thế hệ mai sau. Ông Việt kể, Hội Hữu nghị nơi ông làm việc hiện đang đỡ đầu cho hơn 40 bạn lưu học sinh ở các trường đại học trên cả nước, trong đó riêng ông Việt đỡ đầu 4 sinh viên người Campuchia tại Trường Đại học Kiến trúc. "Chúng tôi không có nhiều vật chất nhưng chúng tôi có tấm lòng sâu nặng và mến khách. Những dịp Tết cổ truyền của Việt Nam hay tổ chức lễ cưới... chúng tôi mời các em về dự chung vui cùng gia đình. Chúng tôi cũng hướng dẫn các em nấu các món ăn dân tộc Việt Nam, giao lưu văn hóa, ngôn ngữ... Những việc làm bình dị ấy sẽ góp phần xây đắp tình hữu nghị ngày càng bền chặt". - Ông Việt khẳng định.