Tác phẩm đầu tay

Chính trị - Ngày đăng : 06:53, 16/04/2014

Đảng ủy, Ban Biên tập Báo Hànộimới trân trọng kính mời đồng chí dự cuộc giao lưu các thế hệ làm báo nhân dịp Báo Hànộimới được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động… Nhận được giấy mời của Báo Hànộimới, có chữ ký của Tổng Biên tập Tô Quang Phán, trong tôi bỗng trào dâng cảm xúc thật khó

Là người có thời gian công tác không lâu, tuy nhiên từ năm 1992 đến nay, ký ức tôi luôn đầy ắp kỷ niệm về những ngày tháng được gắn bó cùng các bác, các anh, các chị và các bạn đồng nghiệp tại Báo Hànộimới. Xin ghi lại một kỷ niệm về những ngày chập chững vào nghề.

Đầu tháng 2 năm 1992, sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Tuyên giáo (nay là Học viện Báo chí và tuyên truyền), tôi được Tổng Biên tập Hồ Xuân Sơn tiếp nhận, phân công công tác tại Tổ ảnh Báo Hànộimới. Ngày đó, Tổ ảnh do ông Trần Châu, hội viên Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam phụ trách, anh Nguyễn Quốc Cường và tôi là phóng viên. Ngày đầu "ra quân", được giao việc: chụp ảnh lễ hội đền Sóc, chiều nộp ảnh sớm để đăng cùng tin tường thuật của phóng viên Ban Văn xã…

Nhận lệnh của thầy (ngày đó tôi quen gọi ông Trần Châu là thầy), tôi nghĩ bụng "chuyện nhỏ" vì được trang bị hai chiếc máy Nikon, một FM2, một 801 (loại máy khá hiện đại), 4-5 cuộn phim, lễ hội nhiều hoạt động, thoải mái chụp… Quả nhiên, lễ hội vô cùng sinh động, nhưng chụp cái gì là điều không dễ lựa chọn, chụp cảnh lễ dâng hương, biểu diễn nghệ thuật, chơi đu, thi đấu các môn thể thao… thì lễ hội năm nào chẳng thế! Lễ hội đền Sóc năm đó có một cảnh mà hầu hết tay máy đều quan tâm, đó là đoàn rước đuốc do các em học sinh thực hiện. Cho rằng đây là ảnh "đinh" có thể đăng báo, tôi chọn sẵn vị trí, khi đoàn rước đuốc cách xa hơn 100m, tôi đã bấm máy, 90m, 80m, 70m, 60m… đều lên phim, để chế độ ra - phan (chụp liên tục), ngốn hơn nửa cuộn cho riêng cảnh này. Hơn ba giờ chiều, nộp ảnh, thầy Trần Châu bảo: "Tôi bận chút việc, cậu đưa xuống Tòa soạn…". Xuống Tòa soạn - ngày đó, Ban Thư ký Tòa soạn làm việc tại tầng 1, tòa nhà 44 Lê Thái Tổ (nơi Phòng Quảng cáo làm việc hiện nay), gặp anh Công Hoàn (Công Nghĩa Hoàn), Phó Tổng Biên tập, kiêm phụ trách công tác tòa soạn, tôi trịnh trọng: "Báo cáo sếp, em nộp ảnh khai mạc lễ hội đền Sóc sáng nay…". Nộp ảnh xong, tôi vội xin phép ra ngoài. Khoảng 30 phút sau, quay lại Tòa soạn "xem tình hình thế nào…" - tôi nghĩ vậy. Vừa thấy tôi, anh Công Hoàn đã "phủ đầu":

- Cậu bảo chụp cảnh học sinh rước đuốc mà chẳng thấy đuốc đâu cả!

Vừa nói, anh Công Hoàn vừa đưa lại cho tôi mấy bức ảnh. Nhìn lướt qua, tôi "cự lại":

- Đuốc rõ ràng thế này mà bác bảo không thấy…

- Đuốc sao không thấy ngọn lửa? Ảnh này mà in ra, người đọc sẽ nghĩ là rước "gỗ"- anh Công Hoàn nói.
Nhìn kỹ, đúng là vào thời khắc tôi bấm máy, hầu hết những ngọn đuốc đã bị gió thổi tắt, có vài ngọn ở xa (hậu cảnh) còn lửa cháy nhưng không rõ lắm. Thấy tôi bị "tra tấn", anh Lê Văn Hiệp, họa sĩ trình bày ma-két ngồi bàn bên quay sang cười:

- Chú muốn đuốc có ngọn lửa không?

- Muốn quá đi chứ, nhưng bác làm cách nào? - tôi vội cầu cứu.

- Không cần biết làm cách nào, chú cứ đi kiếm cho anh bao thuốc lá Bông Sen và ấm trà về đây là đuốc cháy rừng rực…

Chưa đầy 10 phút sau, trở lại Tòa soạn, cả anh Công Hoàn và anh Lê Văn Hiệp đều cười rất tươi: Đuốc cháy lại rồi, pha trà đi…

Vừa nhâm nhi chén trà, anh Lê Văn Hiệp vừa giảng giải: Báo của mình in đen trắng nên tớ chỉ phẩy vài nét lên đầu mỗi cây đuốc, thế là…
- Bái phục sư huynh! - Tôi thốt lên.

Và đúng như lời anh Lê Văn Hiệp, ngày hôm sau, ảnh rước đuốc được đăng trang trọng trên trang
nhất Báo Hànộimới cùng bản tin về lễ hội đền Sóc. Trong "tác phẩm đầu tay" của tôi ngày ấy có phần chế bản đầy sáng tạo của họa sĩ Lê Văn Hiệp…

Đào Duy Mười