Xứng tầm quốc gia, rõ đặc trưng Hà Nội
Giáo dục - Ngày đăng : 07:17, 15/04/2014
Tại đây, bên cạnh việc bàn thảo về cơ sở lý luận và thực tiễn để thiết kế mô hình trường, các chuyên gia quản lý, giáo dục nhấn mạnh, việc xây dựng Trường ĐH Thủ đô Hà Nội cần theo hướng chất lượng cao, xuất phát từ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của thành phố, xứng tầm quốc gia nhưng vẫn rõ đặc trưng tiêu biểu của Hà Nội.
Trường Đại học Thủ đô Hà Nội sẽ được xây dựng trên cơ sở nâng cấp từ Trường Cao đẳng Sư phạm Hà Nội. |
Đa ngành, định hướng nghiên cứu khoa học
Chia sẻ quan điểm nói trên, 20 báo cáo tham luận và 10 đề cương tham luận đã được gửi về hội thảo, qua đó góp ý kiến về mô hình trường. Nhiều chuyên gia đã giới thiệu những mô hình ĐH khác nhau, trên cơ sở đó phác thảo về mô hình Trường ĐH Thủ đô Hà Nội.
PGS.TS Bùi Văn Quân, Trường CĐ Sư phạm Hà Nội, đã đưa ra hai hướng tiếp cận. Theo hướng tiếp cận lấy chức năng đào tạo làm trung tâm, về cơ bản Trường ĐH Thủ đô Hà Nội nên lựa chọn mô hình "ĐH đào tạo theo định hướng nghề nghiệp" và từng bước chuẩn bị cho ĐH nghiên cứu. Việc lựa chọn định hướng nghề nghiệp thay vì ĐH nghiên cứu tại thời điểm hiện nay là nhằm đáp ứng nhu cầu nhân lực cho thị trường lao động, gắn với đào tạo theo nhu cầu tuyển dụng, sử dụng lao động của Thủ đô. Nếu thực hiện thành công thì đó sẽ là một thành tựu đáng vinh danh vì cho tới nay, ở Việt Nam chưa có nhiều trường áp dụng thành công mô hình này theo chuẩn mực quốc tế. Theo hướng tiếp cận lấy chất lượng đào tạo làm đầu, PGS.TS Bùi Văn Quân đề xuất mô hình "ĐH hoa tiêu". Dựa trên mô hình hình này, theo ông, hoàn toàn có thể thiết kế mô hình lý thuyết về Trường ĐH Thủ đô Hà Nội theo tinh thần chung đã đề ra.
GS.TS Đặng Văn Soa, Trường CĐ Sư phạm Hà Nội, đã giới thiệu mô hình Trường ĐH Thủ đô Tokyo. Ở đây, ngoài các ngành đào tạo quốc tế và các viện nghiên cứu rất nổi tiếng, trường còn đào tạo nhân lực chất lượng cao thuộc nhiều ngành nghề nhằm phục vụ riêng cho Thủ đô Tokyo (Nhật Bản), như sư phạm, hành chính công, môi trường đô thị, kiến trúc đô thị, kinh tế đô thị, biến đổi khí hậu, mỹ thuật, âm nhạc... GS.TS Đặng Văn Soa cho rằng, đó là mô hình tốt để học tập và đề xuất trường được thành lập nên lấy tên quốc tế là Hanoi Metropolitan University (HMU).
Nhiều chuyên gia khác như PGS.TS Đặng Thành Hưng (Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2), TS Hans Lambrecht (Cơ quan Phát triển Bỉ tại Việt Nam) đã giới thiệu một số mô hình trường khác, chỉ rõ những ưu thế, hạn chế của chúng và đưa ra lời khuyến cáo về khó khăn tất yếu khi tiến hành lựa chọn mô hình ĐH nghiên cứu. Phần đông các chuyên gia đều thể hiện quan điểm định hướng thành lập trường theo mô hình đa ngành, đa lĩnh vực, đào tạo nguồn nhân lực giỏi nghề, có tư duy và định hướng nghiên cứu khoa học.
Có nhà giáo giỏi mới có trường tiên tiến
Các chuyên gia và nhà quản lý giáo dục cũng tập trung góp ý về chương trình đào tạo, cơ cấu giảng viên, hoạt động giảng dạy và nghiên cứu khoa học. Nhiều ý kiến đồng quan điểm với TS Phạm Văn Đại (Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội), phác họa thiết kế các ngành đào tạo theo phương châm lấy đào tạo sư phạm làm trọng, đào tạo các ngành khác mà Hà Nội cần nhưng các trường ĐH khác chưa đào tạo hoặc mới đào tạo với quy mô nhỏ. Theo GS Phan Huy Lê (Hội Khoa học lịch sử Việt Nam), cần tập trung nâng cao chức năng của một trường sư phạm, việc xây dựng Trường ĐH Thủ đô Hà Nội cần theo hướng phục vụ có hiệu quả nhất cho sự phát triển của Hà Nội, nghiên cứu mở rộng thêm một số ngành mới mang đặc trưng của Thủ đô như ngành Hà Nội học, đô thị học, kinh doanh công nghệ, môi trường…
Bên cạnh việc tập trung phân tích các cơ sở khoa học để xây dựng trường theo mô hình ĐH đào tạo chất lượng cao, đa ngành, các chuyên gia cũng cho rằng cần xác định mũi nhọn trong đào tạo. Theo TS Nguyễn Công Mỹ (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng: Công tác phát triển nhân lực của TP Hà Nội vẫn còn nhiều bất cập, một số ngành nghề có nhu cầu cao nhưng Thủ đô chưa có cơ sở đào tạo hoặc chưa có chương trình đào tạo. Đối với Trường ĐH Thủ đô Hà Nội, mũi nhọn nên là đào tạo doanh nhân, có nghĩa là đào tạo ra những con người biết sử dụng kiến thức khoa học vào hoạt động kinh doanh.
Về giải pháp thực hiện mô hình trường, các đại biểu nêu nhiều ý kiến liên quan tới việc xây dựng, phát triển đội ngũ giảng viên, coi trọng việc trang bị kiến thức. TS Nguyễn Hải Thập (Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục) cho rằng, để đề án thành lập trường đáp ứng những yêu cầu đề ra thì nhiệm vụ xây dựng đội ngũ giảng viên rất nặng nề bởi sẽ cần nhiều nhà giáo giỏi nhằm phục vụ cho quy mô đào tạo dự kiến lên tới 30 ngành với khoảng 4.000-5.000 sinh viên.
Theo TS Trần Anh Tuấn (Bộ Nội vụ), đội ngũ giảng viên hiện tại của Trường CĐ Sư phạm Hà Nội có thể đáp ứng yêu cầu đào tạo bậc ĐH đối với các ngành sư phạm chất lượng cao và một số ngành khác theo yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô, song để thực hiện định hướng xây dựng trường ĐH tiên tiến, chất lượng cao thì thời gian tới nhà trường cần có kế hoạch xây dựng đội ngũ giảng viên mạnh theo một số chỉ tiêu nhất định. Có như vậy, Trường ĐH Thủ đô Hà Nội mới khẳng định vị trí xứng đáng trong hệ thống các trường ĐH của Thủ đô và cả nước.