Sứ mệnh vẻ vang

Chính trị - Ngày đăng : 06:59, 15/04/2014

(HNM) - Sau khi Quốc hội thông qua Hiến pháp sửa đổi năm 2013, ngày 12-12-2013, Bộ Chính trị (khóa XI) đã ban hành Quyết định số 217-QĐ/TƯ về Quy chế giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị xã hội; Quyết định 218-QĐ/TƯ quy định về việc MTTQ Việt Nam và các đoàn thể


Tham gia xây dựng Đảng, chính quyền vững mạnh

Từ nhiều năm trước, MTTQ Việt Nam đã thực hiện chức năng giám sát, phản biện. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, công tác này thời gian qua chưa đạt được kết quả như mong muốn, chỉ có 30% kiến nghị của MTTQ được trả lời chính thức. MTTQ thường giám sát cùng với đoàn đại biểu Quốc hội, HĐND; chưa thực hiện giám sát độc lập, chưa có cơ chế phản hồi rõ ràng. Sáu tháng một lần, vào kỳ họp HĐND các cấp và Quốc hội, MTTQ tổng hợp, báo cáo ý kiến của cử tri về tình hình phát triển đất nước, những bức xúc, kiến nghị sửa đổi chính sách... Sau khi MTTQ trình bày, HĐND và Quốc hội tiếp thu, trả lời tới đâu thì chưa có quy định chính thức.

Việc Hiến pháp sửa đổi năm 2013 hiến định và quy chế của Bộ Chính trị tái khẳng định vai trò giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam, các tổ chức thành viên là chủ trương hết sức đúng đắn, kịp thời và phù hợp trong tình hình mới. Theo đó, quy chế của Bộ Chính trị quy định, đối với những kiến nghị của nhân dân và cử tri, HĐND các cấp và Quốc hội phải có văn bản trả lời. Quy chế xác định rõ, tại hai kỳ họp HĐND và Quốc hội hằng năm, sau khi MTTQ gửi báo cáo giám sát, các cấp ủy, HĐND và Quốc hội có trách nhiệm chỉ đạo xem xét giải quyết và trả lời cơ quan giám sát. Sau đó, MTTQ tiếp tục giám sát kết quả thực hiện, có thể kiến nghị lên cấp trên để rà soát lại cho tới khi các kiến nghị được giải quyết. Khi các cơ quan chức năng đã tiếp thu, sửa chữa thì MTTQ báo cáo nhân dân và cử tri. Đây là cơ chế bảo đảm việc giám sát thực sự có hiệu quả.

Trên thực tế, một số ý kiến lo ngại về việc hiện nay có quá nhiều cơ quan được giao nhiệm vụ giám sát dẫn đến gây phiền hà, làm ảnh hưởng đến các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp được giám sát. Về vấn đề này, Chủ tịch Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, tất cả các cơ quan thực hiện chức năng giám sát đều phải tuân theo nguyên tắc: Hiệu quả, giám sát đến cùng, không gây phiền hà, làm ảnh hưởng tới công việc của cơ quan được giám sát.

Chủ tịch Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân: Việc Hiến pháp quy định MTTQ có trách nhiệm giám sát, phản biện xã hội và được hiện thực hóa bằng Quyết định của Bộ Chính trị đã khẳng định sự đổi mới lãnh đạo của Đảng. Điều 4 của Hiến pháp khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng và bổ sung trách nhiệm, nghĩa vụ của Đảng trước nhân dân, Đảng chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước quyết định của mình. Bên cạnh đó, Điều 9 của Hiến pháp quy định MTTQ có vai trò giám sát. Như vậy, Điều 9 của Hiến pháp đã thực hiện ngay nội dung Điều 4, nhân dân có thể giám sát Đảng qua MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội.

Quyết vượt khó,hoàn thành sứ mệnh

Theo kế hoạch, năm 2014, MTTQ Việt Nam triển khai quy chế giám sát và phản biện trong một số lĩnh vực: Chính sách ưu đãi đối với người có công; chất lượng thức ăn gia súc, vật tư phân bón; giám sát BHXH trong các doanh nghiệp; giám sát hệ thống nhà thuốc, phòng khám bệnh trên toàn quốc… Đây là những lĩnh vực khó khăn, đòi hỏi tập trung nhiều nhân lực, nghiệp vụ cao, tiến hành đồng thời trên phạm vi rộng lớn. Đặc biệt là từ trước tới nay, các lĩnh vực này chưa hề được giám sát toàn diện. Theo Chủ tịch Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân, MTTQ thông qua các tổ chức thành viên có tới hàng triệu hội viên, đoàn viên. Với lực lượng hùng hậu này, hoạt động giám sát sẽ sát sao, hiệu quả hơn.

Dù vậy, nhiều người cho rằng, công tác giám sát, phản biện của MTTQ sẽ gặp khó khi triển khai đến các cơ quan, nhất là các cơ quan ngoài Đảng, dễ bị thoái thác vì chưa có luật, pháp lệnh, chưa có hướng dẫn thực hiện. Để giải quyết vấn đề này, quy định của Bộ Chính trị nêu rõ, các cơ quan định kỳ phải báo cáo TƯ và các cấp thông qua hệ thống Ban Dân vận. Thủ tướng Chính phủ cũng ban hành văn bản yêu cầu bộ trưởng, chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố phải căn cứ 2 quyết định của Bộ Chính trị để triển khai, hàng năm báo cáo Thủ tướng. Hiện tại, MTTQ Việt Nam đang kiến nghị sửa đổi Luật Mặt trận, bổ sung nội dung giám sát và phản biện. Cùng với đó, MTTQ các cấp đã quán triệt đến hội viên, đoàn viên tinh thần phấn đấu vượt qua những trở ngại để hoàn thành tốt sứ mệnh mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.

Linh Chi