Bài 4: Môi trường ô nhiễm: Chuyện chưa có điểm dừng!

Giới trẻ - Ngày đăng : 06:38, 15/04/2014

(HNM) - Lâu nay, mặc cho báo chí và các cơ quan chức năng cảnh báo mức độ ô nhiễm môi trường đang gia tăng, mặc cho người dân nhiều nơi than vãn, mặc cho chính quyền các cấp đã nỗ lực cố gắng...


Sông hồ đang “chết dần”

Hồ không chỉ góp phần điều hòa môi trường sống của nhân dân mà còn trở thành một trong những thành tố quan trọng trong đời sống của đô thị. Thế nhưng, thời gian qua, rất nhiều ao hồ ở Hà Nội đã bị lấn chiếm và đang chết dần. Hồ Xã Đàn thuộc khu vực các phố Đặng Văn Ngữ, Hồ Đắc Di, Trần Hữu Tước (phường Nam Đồng, quận Đống Đa, Hà Nội), có nguồn nước bị ô nhiễm nghiêm trọng. Có thời điểm, xác cá chết nổi lềnh phềnh trên mặt nước và dạt vào quanh bờ, hoặc các góc hồ, sau một thời gian thì thối rữa. Khi thời tiết nóng lên, mùi tanh hôi dưới hồ bốc lên nồng nặc, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của người dân quanh hồ.

Cơ sở ngâm da trâu, bò gây ô nhiễm tại làng nghề Thụy Ứng, xã Hòa Bình, huyện Thường Tín.



Không riêng hồ Xã Đàn, nhiều hồ khác trong nội thành bị ô nhiễm nặng, trong đó có hồ Linh Quang (phường Văn Chương, quận Đống Đa). Kết quả quan trắc chất lượng các hồ trong nội thành của Công ty TNHH NN MTV Thoát nước Hà Nội những năm qua cho thấy, các hồ chưa cải tạo tách nước thải sinh hoạt của hộ dân sống liền kề chảy vào hồ đang ở tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng thuộc mức 4, hàm lượng COD dao động từ 100mg/l đến 150mg/l, các chỉ tiêu như ni tơ, phốt pho đều vượt tiêu chuẩn cho phép khoảng từ 2 đến 3 lần, nồng độ ô xy hòa tan trong nước hồ ở mức thấp, dao động từ 1mg/l đến 3mg/l. Lưu lượng nước thải chảy vào đã vượt quá khả năng tự làm sạch của hầu hết các hồ dẫn đến sự suy thoái chất lượng nước, thiếu hụt ô xy và làm tăng trầm tích bồi lắng trong hồ.

Với chiều dài 20km chạy qua địa phận Hà Nội, điểm đầu thuộc phường Thượng Cát, quận Bắc Từ Liêm, cho tới điểm cuối là huyện Phú Xuyên, dòng nước sông Nhuệ đã mang màu đen kịt, bốc mùi xú uế nồng nặc. Dấu hiệu rõ nhất về sự ô nhiễm dòng nước của con sông này phải kể đến khu vực cầu Tây, thuộc phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm. Tại đây, dòng nước gần như ngừng chảy, đến nỗi trước đây, nước sông được bà con sử dụng để tưới hoa màu, nhưng những năm trở lại đây nước đen kịt, tưới rau thì rau héo úa. Cá tôm dưới sông vốn là nguồn thức ăn chính của các hộ dân hai bờ nhưng bây giờ không còn con nào sống sót. Nước sông dính vào chân tay lập tức mẩn ngứa, mùi hôi thối thì khỏi phải nói.

Càng xuôi xuống hạ lưu, mức độ ô nhiễm của sông Nhuệ càng nặng. Như đoạn chảy qua địa phận quận Hà Đông, khắp mặt sông chỉ là những rác và nổi váng đen ngòm. Bà Liên, một người dân sinh sống bên bờ sông Nhuệ đoạn chảy qua cầu Trắng cho biết: "Chỉ khi mưa to, nước sông được rửa trôi thì đỡ nặng mùi, nhưng cũng chẳng được lâu. Còn vào dịp cuối năm hanh khô, dòng sông thực sự là nỗi kinh hoàng của bà con nơi đây".

Không riêng gì sông Nhuệ, các con sông còn lại chảy qua địa bàn Thủ đô như sông Tô Lịch, sông Lừ, sông Sét, sông Kim Ngưu cũng đang "chết dần", không còn loài sinh vật nào có thể sống được dưới dòng sông. Sông Tô Lịch chính là con sông lớn nhất trong số những con sông kể trên và mức độ ô nhiễm cũng đứng đầu. Trung bình mỗi ngày đêm có gần 250.000m3 nước thải xả thẳng xuống sông mà không được xử lý. Ô nhiễm nặng nề nhất là khúc sông chảy từ điểm giao cắt với đường Hoàng Quốc Việt cho tới Ngã Tư Sở.

Anh Mạnh Kiên, một cư dân sinh sống trên đường Quan Hoa, quận Cầu Giấy, cho biết: "Trước đây khi mới lớn, nước sông còn sạch, chúng tôi vẫn xuống gánh nước về tưới cho cây cối". Bây giờ, khúc sông chạy qua địa bàn đã dần trở thành ao tù. Ngày lặng gió còn đỡ, hễ trời nổi gió hoặc nắng nóng, đặc biệt sau mỗi trận mưa, hơi độc từ sông bốc lên khiến người dân sinh sống, làm ăn dọc hai bên bờ sông, ai nấy mắt mũi cay xè. Nhiều hộ gia đình có nhà mặt đường nhìn thẳng ra sông Tô Lịch nhưng không thể ở nổi vì mùi nước hôi thối nên đành phải cho thuê hoặc bán, chuyển đi nơi khác.

Ô nhiễm từ làng ra phố

Theo thống kê, hiện Hà Nội có 1.350 làng nghề và làng có nghề, trong đó 244 làng có nghề truyền thống. Số làng có nghề phân bố không đều, tập trung chủ yếu ở các huyện Phú Xuyên (124 làng), Thường Tín (125 làng), Chương Mỹ (174 làng), Ứng Hòa (113 làng), Thanh Oai (101 làng), Ba Vì (91 làng)... Một số huyện có số lượng làng có nghề ít như Thanh Trì (24 làng), Gia Lâm (22 làng), Hoài Đức (11 làng)... Kết quả khảo sát sơ bộ cho thấy, mức độ ô nhiễm do nước thải và rác thải các làng nghề trên địa bàn Hà Nội tăng qua từng năm. Hiện tại, hầu hết các làng nghề đã ô nhiễm ở mức báo động, ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân như: Các bệnh tiêu hóa và mắt chiếm 37%, bệnh hô hấp 20%, bệnh ngoài da 31% và các bệnh khác như tai - mũi - họng, thần kinh…

Đến làng nghề Thụy Ứng, xã Hòa Bình, huyện Thường Tín, ngay từ đầu làng nhiều thửa ruộng bỏ hoang, cỏ mọc um tùm. Người dân cho biết, mới đây các hộ gia đình trong làng kinh doanh thêm nghề sơ chế da trâu, bò. Để xử lý, họ phải ngâm nước muối. Từ đó, nước thải được xả thẳng ra môi trường xung quanh khiến nguồn nước bị nhiễm mặn, cây lúa không sống nổi. Trước đó, khu vực vườn ươm còn tổ chức hầm xương để làm thức ăn gia súc mà theo người dân phản ánh, không khí ngột ngạt gây ảnh hưởng đến sức khỏe của nhiều học sinh Trường THCS Hòa Bình. Do đấu tranh kiên quyết của người dân, chủ cơ sở phải di dời đi nơi khác. Tuy nhiên, vẫn còn một cơ sở hoạt động. Trả lời về hiện tượng ô nhiễm tại địa bàn, ông Nguyễn Tuấn Anh, Trưởng thôn Thụy Ứng cho biết: "Khu vực nào nước mặn ngấm đến trực tiếp thì cây lúa chết luôn, những khu còn lại cây lúa còn sống cũng không ra nổi hạt". Bên cạnh đó, các cơ sở này còn sơ chế mỡ bò, làm cho bầu không khí đã ô nhiễm lại còn ô nhiễm hơn. Nhiều người già và trẻ em bị mắc các bệnh về hô hấp. Trước vấn nạn nước mặn xâm lấn này, ông Nguyễn Tuấn Anh cho biết, người dân đã nhiều lần gửi đơn thư phản ánh lên UBND xã Hòa Bình, huyện Thường Tín. Chính quyền các cấp cũng đã gọi các gia đình làm nghề chế biến lên, nhưng rồi đâu lại hoàn đấy. Đáng buồn là thực trạng ô nhiễm ở thôn Thụy Ứng cũng là đáp án chung cho tất cả các làng nghề truyền thống khác trên địa bàn Thủ đô.

Ô nhiễm ở vùng nông thôn đã vậy, người ở phố cũng khổ vì ô nhiễm khói bụi mà chẳng biết kêu vào đâu. Người dân ở khu vực Ngã Tư Sở vừa phải chịu mùi hôi thối từ sông Tô Lịch, vừa phải chịu khói, bụi do các phương tiện giao thông gây ra. Thiếu không gian trong lành, họ đành phải xuống hầm bộ hành để tập thể dục mỗi chiều. Tình trạng ô nhiễm khói bụi cũng xảy ra ở các đầu mối giao thông lớn dẫn vào thành phố. Từ nhiều năm nay, người dân ở các khu vực bến xe phía Nam (đường Giải Phóng), Cầu Giấy, cầu Chương Dương, cầu Vĩnh Tuy, Ô Chợ Dừa, Ô Cầu Dền… cũng phải chịu đựng ô nhiễm khói bụi.

Ngoài khói bụi, người Hà Nội còn phải chịu đựng sự ô nhiễm từ rác thải sinh hoạt do chính họ xả ra. Chúng ta dễ dàng bắt gặp cảnh những người thiếu ý thức vứt túi đựng rác ra vỉa hè, lòng đường bất kể giờ nào trong ngày. Những người này chỉ biết sạch trong nhà của họ mà không hề quan tâm đến việc giữ gìn vệ sinh công cộng. Và có lẽ câu chuyện phải "sống chung" với ô nhiễm của người dân Thủ đô đến đây vẫn chưa có điểm dừng!

Nhóm Phóng viên PSĐT