Bài 3 - “Nút thắt” hạ tầng và ý thức

Giới trẻ - Ngày đăng : 07:00, 14/04/2014

(HNM) - Nâng cao ý thức người tham gia giao thông là vấn đề được đặc biệt quan tâm. Nhiều tờ rơi, băng rôn khẩu hiệu, cả những đợt ra quân rầm rộ để phổ biến pháp luật đến người dân, nhưng chừng ấy thôi chưa đủ.

Một bộ phận người dân vẫn có thói quen lên xe là phóng bạt mạng, vượt đèn đỏ, lấn làn, đè vạch sơn và không đội mũ bảo hiểm... Trong khi đó, hạ tầng không theo kịp tốc độ phát triển, giao thông luôn trong trình trạng "gồng mình" để "gánh" áp lực từ việc tăng dân số và phương tiện cơ học.. .

"Nhờn" luật khi tham gia giao thông

Sơ kết 3 tháng thực hiện "Năm trật tự và văn minh đô thị 2014", cơ quan chức năng đã đưa ra thống kê khiến dư luận... "giật mình". Trong 3 tháng đầu năm, lực lượng Cảnh sát giao thông (CSGT) đường bộ đã kiểm tra, xử lý hơn 91.000 trường hợp vi phạm, phạt tiền 25 tỷ đồng, tạm giữ gần 3.000 phương tiện. Các tổ 141/CATP Hà Nội đã phát hiện, xử lý 4.562 trường hợp; phát hiện 173 vụ, bắt giữ 238 đối tượng, thu trên 200 tang vật, bàn giao cho các đơn vị chức năng. Trong 10 ngày đầu tháng 4 này, Hà Nội đã xử lý hơn 1.200 trường hợp, trong đó có 332 người vi phạm lỗi không đội mũ bảo hiểm, hơn 50 trường hợp vượt đèn đỏ, hơn 300 trường hợp dừng đỗ sai quy định. Các tổ công tác 141 xử lý 179 trường hợp, tạm giữ 82 phương tiện và 65 bộ giấy tờ...

Nỗ lực của lực lượng chức năng cũng chỉ giải quyết được “phần ngọn” nếu người tham gia giao thông thiếu ý thức chấp hành pháp luật.



Nhìn vào những con số này, so sánh với cùng kỳ những năm trước, các vụ vi phạm không giảm là bao, trong khi năm 2014 được thành phố chọn là "Năm trật tự, văn minh đô thị". Nguyên nhân có nhiều, nhưng có một thực tế đáng phê phán là ý thức của một bộ phận tham gia giao thông còn kém. Hễ thấy bóng dáng của lực lượng chức năng hay công an thì không ít người đi đường mới vội vàng đội mũ bảo hiểm, hoặc quay đầu xe đi lối khác do chở hàng cồng kềnh, quá tải. Tại các điểm cửa ngõ Thủ đô như Bến xe phía Nam, Mỹ Đình, Gia Lâm... tình trạng xe khách đi chậm dưới mức cho phép để bắt khách còn diễn ra phổ biến.

Có một nghịch lý đáng buồn là, cứ vào dịp Tết, khi đường thông, hè thoáng, mật độ người và phương tiện tham gia giao thông giảm đáng kể thì số vụ tai nạn giao thông lại gia tăng, thậm chí còn tăng với tốc độ chóng mặt. Theo đánh giá của Bộ Giao thông vận tải, nguyên nhân chính là ý thức của người tham gia giao thông. Số vụ TNGT gây chết người liên quan đến xe môtô chủ yếu là do không đội mũ bảo hiểm, đèo 3-4 người; bên cạnh đó là tình trạng uống rượu bia quá mức rồi điều khiển phương tiện có chiều hướng gia tăng.

Trao đổi với chúng tôi, chị Kim Hoa, nhà ở đường Nguyễn Phong Sắc kéo dài (quận Cầu Giấy) bày tỏ bức xúc: "Cảnh sát giao thông Hà Nội, các tổ công tác 141 có cố gắng đến đâu thì cũng rất khó kiểm soát khi ý thức của một số người tham gia giao thông xuống cấp nghiêm trọng. Việc lạng lách đánh võng, chạy quá tốc độ cho phép, vượt đèn đỏ, uống rượu bia khi điều khiển phương tiện giao thông còn phổ biến trong giới trẻ. Đáng nói là khi tham gia giao thông trên đường, nhiều người không có thói quen bật đèn xi nhan khi muốn rẽ và phần lớn đều không có thói quen quan sát, giảm tốc độ khi rẽ".

Đối với người nước ngoài sinh sống ở Hà Nội khi tham gia giao thông, tình hình cũng không khả quan là mấy. Người viết bài này đã nhiều lần chứng kiến người nước ngoài "hồn nhiên" phóng xe máy trên phố mà không đội mũ bảo hiểm, thậm chí, họ còn dừng ở ngã tư đèn xanh đèn đỏ, ngay trước mặt CSGT mà không thấy bị phạt hay nhắc nhở. Anh Nguyễn Văn Tiến, Việt kiều định cư lâu năm ở CH Séc, thắc mắc: "Tại sao người nước ngoài lại được "ưu tiên" đến vậy? Cùng là không đội mũ bảo hiểm mà người bị phạt người thì không. Người Việt có truyền thống hiếu khách nhưng với những người vi phạm pháp luật thì cũng phải nhắc nhở, xử phạt để yêu cầu họ tôn trọng và tuân thủ luật pháp của nước ta".

Trao đổi về vấn đề này, Thượng tá Nguyễn Văn Tòng (Phó trưởng phòng CSGT - CA Hà Nội) cho biết: Thực ra không hề có chỉ đạo về việc "ưu tiên" với người nước ngoài, cũng đã từng có rất nhiều người nước ngoài bị phạt. Tuy nhiên nhiều CSGT có tâm lý "ngại" phạt người nước ngoài. Trước hết, theo quy định, xử lý người nước ngoài vi phạm luật phải thuộc đơn vị cấp phòng trong khi đó những người tiếp xúc trực tiếp với họ lại là lực lượng cơ sở. Bên cạnh đó khả năng ngoại ngữ của CSGT cũng hạn chế. Hoặc có trường hợp các chiến sĩ CSGT nói bằng tiếng Anh thì họ cố tình không hiểu. Có nhiều người nước ngoài ở Việt Nam lâu, hiểu được tiếng Việt nhưng khi giao tiếp với công an họ cũng vờ như không hiểu gì.

Hạ tầng chưa theo kịp sự phát triển

Những năm qua, Hà Nội đã cố gắng đầu tư, xây dựng và nâng cấp giao thông đô thị nhưng hiệu quả chưa đạt như mong muốn. Tốc độ đô thị hóa, sự tăng trưởng cơ học và phương tiện giao thông khiến cho việc mở rộng hạ tầng đô thị không theo kịp thực tế. Ùn tắc giao thông và tai nạn vì thế vẫn tiếp diễn. Theo thống kê, quỹ đất dành cho giao thông ở thành phố hiện chỉ chiếm 6-7% diện tích đất đô thị. PGS.TS Lưu Đức Hải, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho biết, đây là mức quá thấp so với tiêu chuẩn 20-25% tại các đô thị tiên tiến…

Chính vì sự phát triển nóng của đô thị mà không có một chiến lược, một quy hoạch phát triển giao thông phù hợp, khoa học đi cùng hoặc đi trước một bước đã và đang dẫn đến những bất cập hiện nay. Trong quy hoạch phát triển giao thông, người ta lại chỉ chú ý đến giao thông động, xem nhẹ giao thông tĩnh dẫn tới sự bị động, quá tải, hỗn loạn bất khả kháng của trật tự ATGT. Minh chứng cho điều đó là nhiều công trình giao thông động vừa được hoàn thành đã nảy sinh bất cập, thậm chí trở nên lạc hậu. Hay như các giải pháp gỡ rối ùn tắc giao thông được cơ quan chức năng triển khai trong thời gian qua chỉ là giải pháp tình thế đối phó, không những không thể vãn hồi được trật tự an toàn giao thông mà còn làm rối loạn thêm, gỡ được ùn tắc ở nơi này lại gây ra ùn tắc ở nơi khác. Trong khi đó, thời gian qua, việc quản lý lòng đường, hè đường giao cho quận, phường còn lỏng lẻo. Cơ quan chức năng tổ chức các điểm giữ xe, kẻ vạch vôi tùy tiện ở nhiều tuyến phố... đã thu hẹp diện tích tham gia giao thông, là một trong những nguyên nhân sinh ra ùn tắc, TNGT.

Để giải bài toán này không đơn giản. Các cơ quan chức năng đã loay hoay tìm giải pháp tình thế như điều chỉnh giờ làm, tách làn, phân luồng… nhưng đó mới chỉ là phần "ngọn". Vấn đề cốt lõi phải có quy hoạch đô thị, bố trí dân cư lấy giao thông vận tải làm định hướng. Phải gắn quy hoạch giao thông với quy hoạch chung phát triển đô thị. Đặc biệt là phải có các biện pháp cụ thể, hiệu quả nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân.

Nhóm Phóng viên PSĐT