Xử lý thông tin sai lạc ngay từ cơ sở

Chính trị - Ngày đăng : 06:35, 14/04/2014

(HNM) - Với tốc độ đô thị hóa diễn ra nhanh chóng, Hà Nội thường xuyên phải giải quyết những vấn đề phát sinh có nguy cơ hình thành

Mặc dù vậy, không ít cấp ủy địa phương lại rất lúng túng, thụ động khi phản ứng trước những vấn đề như vậy. Điều này cho thấy sự cần thiết phải nâng cao trách nhiệm thực hiện Chỉ thị 25-CT/TU ngày 21-1-2014 của Thành ủy Hà Nội về việc cung cấp thông tin và trả lời báo chí.

Việc cung cấp thông tin kịp thời cho báo chí sẽ góp phần định hướng dư luận một cách đúng đắn. Ảnh: Viết Thành


Chưa chủ động cung cấp thông tin

Vụ việc xảy ra tại thôn Vân Lôi, xã Bình Yên, huyện Thạch Thất đầu năm nay là một ví dụ điển hình cho thấy vai trò quan trọng của cấp ủy địa phương và ngành tuyên giáo trong xử lý "điểm nóng" về dư luận xã hội. Cụ thể, việc cưỡng chế vi phạm trật tự xây dựng tại thôn Vân Lôi được địa phương thực hiện đúng trình tự, đúng pháp luật nhưng cấp ủy không kịp thời chỉ đạo cung cấp thông tin cho báo chí. Tuy nhiên, do chưa nắm hết bản chất sự việc, nhiều bài báo cho rằng địa phương đã thực hiện không đúng quy định, khiến người dân băn khoăn, bức xúc. Thực tế chỉ được làm rõ khi ngày 14-3, tại huyện Thạch Thất, Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội phối hợp với UBND huyện tổ chức họp báo thông tin công khai toàn bộ về vụ việc.

Nhìn nhận lại "sự cố thông tin" này, tại Hội nghị giao ban trực tuyến công tác tuyên giáo thành phố quý I, triển khai nhiệm vụ quý II diễn ra cuối tuần qua, có ý kiến cho rằng: Nếu cấp ủy, chính quyền địa phương chủ động tổ chức họp báo về vụ việc sớm hơn thì đã không xảy ra tình trạng nhiễu loạn thông tin như vừa qua.

Đây không phải dẫn chứng duy nhất cho thấy sự thiếu sát sao của một số cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc lãnh đạo, chỉ đạo cung cấp thông tin cho báo chí, xử lý "điểm nóng" về dư luận xã hội trên địa bàn. Đại diện Báo Hànộimới còn dẫn chứng, có những vụ việc báo gửi công văn đến 3 lần nhưng địa phương vẫn không phản hồi. Đặc biệt, theo Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Hồ Quang Lợi, hai năm trước khi Thành ủy ban hành Chỉ thị 25, Ban Tuyên giáo Thành ủy đã ban hành văn bản hướng dẫn các cấp ủy địa phương chủ động, kịp thời cung cấp thông tin cho báo chí nhưng kết quả thực hiện rất hạn chế. Nhiều vấn đề nóng, vụ việc bức xúc, cơ quan báo chí tìm gặp lãnh đạo địa phương để "hỏi cho ra nhẽ" nhưng không thể gặp được. Tình trạng né tránh, ngại tiếp xúc với báo chí có lúc phổ biến. Trong khi đó, Ban Tuyên giáo Thành ủy hằng tuần đã có báo cáo tổng hợp các vấn đề bức xúc, nổi cộm do báo chí nêu cung cấp cho các cấp ủy, chính quyền địa phương. Trong báo cáo đều in đậm nội dung đề nghị phản hồi kịp thời các thông tin báo nêu nhưng qua theo dõi, số địa phương chủ động phản hồi chiếm tỷ lệ rất thấp.

Nâng cao nhận thức, trách nhiệm

Mặc dù phản ứng của cấp ủy còn chậm, nhưng vụ việc xảy ra tại xã Bình Yên, huyện Thạch Thất vẫn cho thấy rất rõ giá trị của việc cung cấp thông tin cho báo chí trong giải quyết "điểm nóng". Sau khi thông tin từ cuộc họp báo được đăng tải "đậm đặc" trên các phương tiện thông tin đại chúng, dư luận đã được định hướng, người dân đã hiểu rõ bản chất vụ việc. Đây là một trong những ví dụ rõ ràng nhất về hiệu quả thực tiễn của Chỉ thị 25 của Thành ủy Hà Nội. Việc thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 25 sẽ góp phần giúp các cấp ủy, chính quyền địa phương khắc phục được những hạn chế, yếu kém trong giải quyết "điểm nóng" về dư luận xã hội.

Theo Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hồ Quang Lợi, Hà Nội là địa bàn trọng điểm, mỗi thông tin từ Thủ đô, dù tích cực hay chưa đều có sức lan tỏa rộng lớn. Thực tế cho thấy có những việc xảy ra ở địa phương khác, phạm vi ảnh hưởng còn hạn chế nhưng xảy ra tại Hà Nội thì được cả nước quan tâm, thậm chí báo chí quốc tế cũng đưa tin. Đó là vì ngoài hàng chục cơ quan báo chí của thành phố, còn có trên 700 cơ quan báo chí đặt trụ sở hoặc có đại diện, cộng tác viên tại Hà Nội. Vì vậy, trước mỗi vấn đề phát sinh có nguy cơ hình thành "điểm nóng" về dư luận, cấp ủy địa phương cần chỉ đạo cung cấp thông tin cho báo chí càng sớm càng tốt. Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy đề nghị: "Đừng chờ khi vụ việc đã xảy ra rồi mới đi cải chính. Nếu cấp ủy địa phương không chủ động cung cấp thông tin cho báo chí thì việc giải quyết "điểm nóng" sẽ rất khó khăn".

Nhằm tăng cường trách nhiệm của cấp ủy trong giải quyết "điểm nóng", Ban Tuyên giáo Thành ủy vừa bổ sung một phần trong báo cáo tình hình dư luận báo chí trong tuần là đánh giá kết quả phản hồi của các địa phương liên quan. Những địa phương chậm phản hồi, không phản hồi sẽ được báo cáo Thành ủy. Đây là việc làm nhằm tăng tính chủ động, nêu cao tinh thần trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền địa phương.

Võ Lâm