Trăn trở một chữ THẦY

Xã hội - Ngày đăng : 06:12, 14/04/2014

(HNM) - Những hành vi lệch chuẩn của cả thầy và trò thời gian gần đây khiến người ta lo ngại về sự xuống cấp của đạo đức tại một môi trường và trong một mối quan hệ vốn được coi là chuẩn mực. Cuối tuần qua, một hội thảo về đạo đức, lối sống của học sinh, sinh viên được tổ chức.



Cuộc "hội chẩn" quy mô quốc gia này đã chỉ ra rằng, tình trạng học sinh không thực hiện đúng khuôn phép của đạo làm trò ngày càng phổ biến có nguyên nhân từ giáo dục trong gia đình, trong việc dạy Người ở trường học, do những biến động của đời sống xã hội. Tại đây, những người trong ngành giáo dục cũng đã thừa nhận, trò không ra trò một phần là do thầy không ra thầy.

Trên thực tế, đa phần giáo viên đều đang rất nỗ lực để hoàn thành sứ mạng cao cả "trồng người". Tuy nhiên, bên cạnh những người thầy nêu tấm gương sáng rất đáng trân trọng vẫn có không ít thầy, cô giáo không coi nghề dạy học mình theo đuổi là một nghề cao quý, mà chỉ coi đó như một phương tiện để kiếm tiền. Bởi thế, họ không giống như người thầy khi xưa, trước trò không bao giờ lỡ miệng, lỡ tay; trước xã hội không bao giờ để cho người ta có thể nghĩ xấu về mình, về người thầy giáo. Bây giờ, tình trạng dạy thêm một cách tùy tiện, tràn lan; tệ mua - bán điểm; hiện tượng "chạy trường, chạy lớp"... không khó để có thể nhận thấy, là hình ảnh phản cảm, đáng xấu hổ của nền giáo dục nói chung và của người thầy nói riêng.

Ngày xưa, mỗi niềm vui hay mỗi nỗi buồn của học trò, thầy luôn là người chia sẻ đến nơi đến chốn, còn ngày nay, giáo viên ít quan tâm đến diễn biến tư tưởng của học sinh, không nhiều thầy cô là chỗ dựa đáng tin cậy để các em bày tỏ tâm tư, suy nghĩ của mình mỗi khi gặp khó khăn. Cũng không ít thầy cô có thái độ nóng nảy, thiếu kiềm chế, thiếu phương pháp sư phạm trong xử lý tình huống dẫn tới những phản ứng, hành động tiêu cực, bột phát ở học sinh; cá biệt có giáo viên còn hành xử không tốt như xâm phạm thân thể, danh dự của trò. Nhiều thầy cô không còn là tấm gương sáng cho học sinh noi theo. Thậm chí, có cả những việc trái đạo đức vốn là tối kỵ đối với nghề dạy học, đối với người thầy giáo, vẫn xảy ra. Bảo mẫu đánh trẻ mầm non, thầy xâm hại trò, gạ tình nâng điểm, rút ruột khẩu phần ăn của trẻ ở lớp bán trú, thầy trò hỗn chiến trên bục giảng, thầy tát trò đến thủng màng nhĩ… là những sự việc khiến người làm nghề buồn giận và xấu hổ, người ngoài ngành thì giận dữ, lên án. Trong khi đó, hiện tượng trò vô lễ, thiếu tôn trọng thầy cô bây giờ không phải là cá biệt. Theo Bộ GD-ĐT, mỗi năm đều có một vài nghìn vụ học sinh, sinh viên vô lễ, xúc phạm cán bộ, giáo viên đến mức phải xử lý kỷ luật được thống kê. Cũng đã xuất hiện ngày càng nhiều những hiện tượng xuống cấp của đạo làm trò như học viên cao học khẩu chiến với giảng viên, học sinh xông vào lớp hành hung cô giáo, trò đánh trả thầy… Tất cả, tuy chỉ là những chấm đen, nhưng đã làm xấu thêm bức tranh giáo dục vốn đang ít màu sáng.

Tại Hội nghị quán triệt Nghị quyết 29-NQ/TƯ của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về đổi mới căn bản và toàn diện GD-ĐT do Bộ GD-ĐT tổ chức mới đây, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã nói rằng, có những thứ không cần dự án triệu đô, không cần đến tiền mà vẫn có thể làm ngay, đó là dạy cho học sinh, giáo viên đạo đức làm người. Tác động đến người thầy để làm thay đổi trò là hướng đi ngắn và hiệu quả nhất, bởi đạo đức người thầy sẽ quyết định đến đạo đức của trò, của thế hệ sau. Sự khác biệt nhất của nghề giáo so với những nghề khác chính là ở đối tượng tác động và phương tiện tác động. Đối tượng tác động của giáo dục là con người có ý thức, có nhận thức và xúc cảm. Trong giáo dục có một đặc trưng là sự noi gương. Sự kính trọng ngưỡng mộ của học trò với tài năng, nhân cách của thầy là xuất phát điểm cho niềm tin vào cái đẹp, cái thiện trong cuộc đời, là sự khởi đầu cho sự hình thành nhân cách. Đặc trưng nghề nghiệp đòi hỏi người thầy không chỉ cần có kiến thức và năng lực sư phạm, phương tiện giáo dục quan trọng nhất chính là nhân cách người thầy. Nhà giáo dục nổi tiếng người Nga K.D.Usinxki từng nói: "Nhân cách của người thầy là sức mạnh có ảnh hưởng to lớn đối với học sinh, sức mạnh đó không thể thay thế bằng bất kỳ cuốn sách giáo khoa nào, bất kỳ câu chuyện châm ngôn đạo đức, bất kỳ một hệ thống khen thưởng hay trách phạt nào khác". Bởi thế không thể tính đếm hết hậu quả nặng nề từ những ứng xử phi sư phạm của người thầy trong môi trường giáo dục. Cũng bởi thế, người thầy luôn phải chuẩn mực về đạo đức.

Đạo đức nhà giáo không bao giờ là vấn đề xưa cũ, đặc biệt trong giai đoạn hiện nay, nó càng mang tính thời sự. Với mỗi nghề, bên cạnh những tiêu chuẩn chung cho mọi lĩnh vực thì đều có những tiêu chuẩn đạo đức riêng phù hợp với tính đặc thù của ngành đó. Đối với nghề thầy giáo - nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý, sáng tạo nhất trong những nghề sáng tạo, thì từ lâu trong xã hội đã hình thành những quy tắc, chuẩn mực của nhà sư phạm, đến nay đã thành truyền thống. Tuy nhiên, ngày nay, sự biến đổi của điều kiện kinh tế - xã hội đã tác động không nhỏ tới đời sống xã hội nói chung, đời sống đạo đức nói riêng, trong đó có cả sự biến đổi của đạo đức người thầy theo nhiều chiều hướng khác nhau. Vì vậy, cần phải có sự nhìn nhận thật đầy đủ về đạo đức nghề nghiệp, phải thực sự coi đó như là yếu tố nội lực của sự phát triển. Tuy nhiên, đạo đức người thầy không thể tự có mà phải được hình thành từ khi là sinh viên sư phạm và tích cực rèn luyện, phấn đấu tích cực mới có được. Vì vậy, giáo dục đạo đức nghề nghiệp cho các thế hệ sinh viên sư phạm là một trong những biện pháp then chốt để thầy ra thầy, từ đó góp phần giáo dục đạo đức, rèn luyện lối sống cho trò. Bộ GD-ĐT đã có quy định về đạo đức nhà giáo, nhưng số lượng sinh viên các trường sư phạm biết đến văn bản này qua khảo sát hồi tháng 1 vừa qua chiếm tỷ lệ thấp. Kết quả điều tra cũng cho thấy các hoạt động rèn luyện đạo đức, lối sống cho sinh viên sư phạm chưa phong phú, chưa đủ hấp dẫn để lôi cuốn sinh viên, chưa thường xuyên. Đạo đức nghề nghiệp cũng là chủ đề được bàn luận nhiều nhất tại hội nghị của Hội đồng hiệu trưởng các trường sư phạm, cho thấy bên cạnh những mối lo về chất lượng sinh viên sư phạm, vấn đề giáo dục đạo đức nghề nghiệp và tình yêu nghề của giáo sinh thực sự đã trở nên cấp thiết. Thậm chí có ý kiến bày tỏ sự lo ngại trước một thực tế, ở các trường đại học, giảng viên là người gắn bó với các chức danh, học vị bên cạnh tên môn, còn sinh viên chỉ là hàng trăm cái tên gắn với khoa, khóa, lớp học rộng lớn với hàng trăm con người cùng ngồi, cùng chép, cùng chờ chuông reo. Không có những sự trao đổi, hỏi han về tâm tư nguyện vọng nên sinh viên học được sự thờ ơ và học được bài học "Không chia sẻ, không quan tâm".

Một thực tế đáng quan tâm nữa là hiện nay sinh viên sư phạm đang yếu kỹ năng sư phạm. Có vẻ như, trường sư phạm chỉ chú trọng rèn cho sinh viên về chuyên môn mà ít quan tâm đến việc rèn luyện kỹ năng ứng xử, kỹ năng tổ chức sinh hoạt cộng đồng, kỹ năng lắng nghe và thuyết phục học sinh - những kỹ năng đặc thù của nghề dạy học. Bên cạnh đó, môn giáo dục học, tâm lý học trong trường sư phạm cũng không được các thầy cô tương lai coi trọng. Đa phần giáo sinh chỉ học để đủ điểm vượt qua môn này, sau đó quên tất cả để tập trung vào chuyên môn. Và vì thế, khi gặp phải những tình huống sư phạm đòi hỏi kỹ năng xử lý linh hoạt, họ lúng túng, thậm chí không kiềm chế cảm xúc bản thân và có những hành động, những cử chỉ thể hiện sự không tôn trọng học sinh, thậm chí có khi vô tình còn sỉ nhục học sinh của mình. Chính những điều như vậy đã tạo ra sự căng thẳng ngấm ngầm giữa thầy và trò, trò thì không thấy được điều gì để phục thầy, thầy thì tìm mọi cách để thể hiện uy quyền của mình, kể cả bằng những cách không hợp lý. Đã đến lúc cần xem xét lại quy trình đào tạo của các trường sư phạm, đưa vào đó những tiết học phân tích đánh giá và giải quyết những tình huống sư phạm mà sinh viên có thể gặp trong công tác sau này, do chính các giáo viên giỏi của các trường phổ thông có kinh nghiệm lâu năm về giáo dục giảng dạy, bởi họ có những bài học thực tế mà giảng viên sư phạm khó mà có được.

Mục tiêu đổi mới công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên là dạy học sinh những giá trị đạo đức cơ bản của con người, hình thành những thói quen đạo đức và kỹ năng sống đúng đắn. Điều này chỉ có thể có được khi người thầy có đạo đức và có kỹ năng chuẩn mực.

Vũ Vân