Không thể lừng khừng thêm nữa!
Góc nhìn - Ngày đăng : 06:11, 14/04/2014
Cú sốc thứ hai diễn ra từ ít ngày qua, liên quan đến gần một nửa quân số của CLB Ninh Bình mà trong đó có những người đang nằm trong danh sách các đội tuyển bóng đá thuộc nhiều cấp độ - tức cũng là niềm hy vọng của bóng đá Việt Nam.
Cả hai cú sốc nói trên đều liên quan trực tiếp đến giải đấu - trận đấu diễn ra ở nước ngoài, hình thức chỉ có một: Dàn xếp tỷ số trận đấu để hưởng lợi nhờ cá cược trực tiếp, hoặc nhận tiền từ phía tổ chức cá cược - những điều bị pháp luật Việt Nam nghiêm cấm.
Duy có bối cảnh phạm pháp của các cầu thủ ở hai trường hợp nói trên là có sự khác. Cách nay chục năm, bối cảnh khi ấy là sự tù mù về quản lý, ở cả cấp câu lạc bộ và cơ quan quản lý bóng đá Việt Nam nói chung. Số trận đấu "bốc mùi" khá nhiều, thường xuyên khiến dư luận phải đặt câu hỏi nhưng câu trả lời được đưa ra trước công luận thường là "không có chứng cứ cụ thể". Sự tù mù diễn ra trong khoảng thời gian dài, chỉ đến khi nhóm cầu thủ dính tiêu cực vào tù thì mới tạm chấm dứt. Bây giờ, bối cảnh phạm pháp đã khác, cầu thủ được cảnh báo thường xuyên, họ cũng biết cơ quan quản lý đề cao quan điểm chống tiêu cực trong bóng đá bằng nhiều cách, thực hiện điều đó bằng nhiều giải pháp như phối hợp chặt chẽ với cơ quan bảo vệ pháp luật, quản chặt đội ngũ trọng tài… Tuy thế, khi nền kinh tế đang gặp khó khăn, số ông "bầu" bóng đá tỏ thái độ vô trách nhiệm với câu lạc bộ thuộc quyền ngày càng nhiều - đồng nghĩa với khoản tiền đầu tư xây dựng câu lạc bộ, lương, thưởng, "lót tay" giảm sút thì nhiều cầu thủ, thậm chí là nhiều tuyển thủ lâm cảnh "viêm màng túi". Quen sống ở tâm điểm của sự chú ý, tiêu xài thoải mái giờ phải bóp mồm bóp miệng. Có lẽ, đó là nguyên nhân quan trọng khiến cầu thủ phản bội niềm tin mà các cổ động viên đặt vào họ.
Hai vụ dàn xếp tỷ số nghiêm trọng, hai bối cảnh phạm tội cụ thể cho ta thấy điều gì?
Thứ nhất, nhiều câu lạc bộ đã không làm tốt việc quản lý cầu thủ. Sự hạn chế không chỉ có trong công tác giáo dục đạo đức, tư tưởng, lối sống đối với cầu thủ, mà còn ở việc tạo dựng môi trường sống và làm việc lành mạnh, chuyên nghiệp thực sự. Thứ hai, cơ chế vận hành hiện nay của nhiều câu lạc bộ bóng đá và cách thức quản lý của các ban tổ chức giải đấu, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam cho thấy điều gì đó gần với sự tạm bợ, không thể nói là chuyên nghiệp được. Trước sự tùy hứng của các ông "bầu" mà nhiều trường hợp gần với sự vô trách nhiệm, cơ quan quản lý bóng đá có thể làm gì? Thường thấy là chấp nhận, sự chấp nhận có phần cam chịu. Cái sự tạm bợ ấy có thể chi phối hành động của cầu thủ, những người không ý thức được trách nhiệm của mình rất dễ sa ngã, tâm lý dễ hiểu sẽ là "tranh thủ tự cứu mình".
Một nền bóng đá mạnh và sạch sẽ chỉ có khi chân đế vững vàng. Chân đế ấy chính là các câu lạc bộ, hệ thống đào tạo trẻ, là giải vô địch quốc gia… Làm cho chân đế vững vàng là nhiệm vụ của cơ quan điều hành bóng đá Việt Nam, thông qua hệ giải pháp nhằm duy trì sự sạch sẽ ở các câu lạc bộ, giữ cho nó hoạt động trong môi trường ổn định, lành mạnh thay vì hễ câu lạc bộ "hắt hơi" đòi bỏ giải là lại phải "ngọt nhạt" để mong họ "nghĩ lại".
Liên đoàn mới có đội ngũ nhân sự chủ chốt mới, đã tuyên bố nhiều điều. Sự vụ đau xót mới đây là thử thách thật sự đối với họ, là dịp để Liên đoàn thể hiện "nói được, làm cũng được". Muốn vậy thì không thể lừng khừng như trước nữa.