Phiền lòng vì những lời trách mắng

Xã hội - Ngày đăng : 06:31, 13/04/2014

Trước những việc làm sai của học sinh (HS), nhiều thầy cô, cha mẹ thường dùng cách mắng, phê bình để trẻ hiểu ra vấn đề và tránh tái phạm.

Tuy nhiên, nhiều lời mắng đi quá giới hạn, dễ trở thành xúc phạm khiến các em trở nên tự ti, ảnh hưởng đến tâm lý. Chúng ta hãy lắng nghe ý kiến của các em và phụ huynh nhé.

Em Nguyễn Thu Trang (HS lớp 8H, Trường THCS Lê Quý Đôn):

- Mỗi lần làm sai việc gì hay bị điểm kém, em sợ nhất là bị thầy cô giáo phê bình, bố mẹ mắng. Khi bị mắng, em đều cảm thấy nhớ lỗi lầm của mình hơn để lần sau không tái phạm nữa. Nhưng bố mẹ em thường khuyên bảo nhẹ nhàng, nhắc nhở chứ ít khi quát mắng nặng nề. Do đó, em luôn hứa với bố mẹ sẽ cố gắng sửa đổi để bố mẹ không phải phiền lòng. Em từng thấy nhiều bạn đến lớp khóc thút thít vì bị bố mẹ đánh, mắng. Thậm chí có bạn sợ hãi và buồn đến nỗi không dám đến lớp, sợ phải nói chuyện với bố mẹ và bị trầm cảm. Em mong mỗi bậc phụ huynh đừng nên mắng chúng em nặng nề hay dùng đòn roi. Mắng hay đánh đều khiến chúng em sợ hãi, tủi thân, xấu hổ và cảm thấy bố mẹ không thương mình.

Em Nguyễn Thu Hà (HS lớp 9G, Trường THCS Thái Thịnh):

- Mỗi lần em không vâng lời thầy cô, cha mẹ và bị phê bình, em nghĩ thầy cô, cha mẹ cũng sẽ rất buồn và cảm thấy mệt mỏi. Do đó, nếu trót nặng lời trong lúc cáu giận thì mọi người cũng sẽ suy nghĩ và hối tiếc. Nếu bị mắng nặng nề, em cũng buồn nhưng sau đó, em sẽ nói chuyện lại với bố mẹ, giải thích vì sao em lại làm như vậy và hứa không tái phạm. Mỗi lần như thế bố mẹ đều hiểu và lắng nghe lời em nói. Từ đó, bố mẹ cũng không đòi hỏi, áp lực với em quá cao mà luôn khuyến khích, động viên mỗi khi em được điểm cao, vâng lời cha mẹ.

Cô Phạm Thu Giang (117 Lĩnh Nam, Hà Nội, phụ huynh HS):

- La mắng khiến con cái mình sửa đổi những việc làm sai trái nhưng nếu quát mắng quá nhiều và xúc phạm nặng nề thì con càng khó tiếp thu. Thậm chí trẻ còn sợ hãi đến nỗi cố tình giấu giếm nếu làm sai vì sợ bị mắng, e dè khi nói chuyện trao đổi với bố mẹ. Vì vậy cha mẹ cần tìm một giải pháp trung hòa sao cho vừa khiến con hiểu ra việc nào đúng, việc nào sai vừa giúp trẻ thoải mái. Con cái luôn có mặt mạnh, mặt yếu và hãy đặt các mục tiêu cụ thể cho trẻ. Nếu trẻ làm đúng nên khuyến khích, tán thưởng, nếu trẻ làm sai thì lần đầu tiên nên nhẹ nhàng nhắc nhở. Nếu lần sau trẻ vẫn tái phạm bố mẹ mới đưa ra cách xử phạt.

Ở trường cũng vậy, tôi từng nghe nói một số thầy cô giáo phạt HS rất nặng, thậm chí đánh HS ngay trước lớp. Đó là những việc làm không nên và càng khiến HS bị ảnh hưởng tâm lý trở nên tự ti, nhút nhát, sợ phải đến trường. Do đó, nhà trường và phụ huynh cần trao đổi cách giáo dục con trẻ, phù hợp với tâm lý phát triển từng lứa tuổi của HS, không nên quá nuông chiều, cũng không nên thường xuyên quát mắng, dùng bạo lực để dạy dỗ trẻ.

Thanh Phong