Về Hát Môn nghe chuyện bánh trôi

Xã hội - Ngày đăng : 06:30, 13/04/2014

(HNM) - Từ xưa tới nay, nhân dân xã Hát Môn từ già tới trẻ, khi làng chưa dâng bánh trôi tế Hai Bà thì không ai được ăn...

Đặc biệt từ sau ngày 4-9 năm trước cho đến ngày 6-3 (âm lịch) năm sau, toàn dân dù sinh sống ở làng hay đi làm ăn xa cũng đều không được ăn bánh trôi".

Cụ Kim Văn Hậu, Trưởng ban Quản lý di tích Đền Hai Bà Trưng mở đầu câu chuyện về những phong tục đặc sắc riêng có của quê mình với đầy vẻ tự hào, tôn kính về Hai Bà Trưng.

Dâng bánh trôi trong ngày hội làng.


Chúng tôi về Hát Môn, huyện Phúc Thọ đúng vào dịp địa phương đang tất bật chuẩn bị cho lễ hội Đền Hai Bà Trưng (diễn ra từ mùng 4 đến mùng 6, tháng 3 âm lịch), từ xa đã lộng lẫy cờ hoa, những băng rôn, khẩu hiệu đỏ rực ven đường vào làng. Năm nào cũng vậy, lễ hội Đền Hai Bà Trưng trở thành hoạt động sinh hoạt văn hóa tinh thần lớn không chỉ đối với người dân trong xã mà cả các xã lân cận của huyện Phúc Thọ, Đan Phượng, Mê Linh... Vẫn như thông lệ, hội làng Hát Môn lưu giữ những nét văn hóa độc đáo mà ít làng quê nào có được. Đền được dựng ở phía bắc làng trên một khu đất linh có thế long chầu hổ phục, phía trước là gò con rùa và sông Hát chảy từ bên hữu sang bên tả mang nghĩa đem dòng sinh lực từ dương về âm để muôn loài, muôn vật trong không gian này phát sinh, phát triển.

Trong ngôi đền thiêng, cụ Kim Văn Hậu, Trưởng ban Quản lý di tích Đền Hai Bà Trưng kể sử sách ở làng còn ghi, cách đây khoảng 2.000 năm, khi Hai Bà dấy cờ khởi nghĩa đã dừng chân tại đây ăn tạm một đĩa bánh trôi và một đĩa quả muỗm. Những hạt muỗm sau đó nở thành hai cây muỗm cao, to, cổ thụ sống ngót hai nghìn năm. Khi hai cây muỗm chết, dân làng xây hai bệ, có bát nhang để thờ. Và cũng từ đó đến nay, gần 2.000 năm làng Hát Môn có tục làm bánh trôi trong ngày hội để dâng cúng Hai Bà. Tục đó đã trở thành mỹ tục: "Từ đầu năm âm lịch đến trưa ngày mùng 6 tháng 3, người dân Hát Môn dù đi đâu, ở đâu, con gái lấy chồng nơi khác đều không được ăn bánh trôi vì cho rằng ăn trước sẽ bị Hai Bà quở. Thậm chí nồi nấu bánh của các nhà cũng được để riêng, không đem đun nấu các món khác" - ông Hậu cho biết. Sau khi dâng bánh trôi ở đền, các gia đình mới được dâng bánh lên ban thờ tổ tiên và thụ lộc.

Ngày nay, lễ hội Hai Bà Trưng mỗi năm đều được tổ chức trang trọng. Từ những ngày đầu tháng, dân làng đã chuẩn bị làm bánh trôi kịp trưa ngày 6 tháng 3 âm lịch đem dâng cúng. Nguyên liệu để làm bánh là gạo nếp loại thơm ngon nhất mà địa phương có, vo nhiều lần đến lượt nước trong cho gạo sạch, trắng. Trước kia, chưa có máy nghiền, dân làng giã bằng cối đá, chày tay. Tiếng chày thì thụp từ mùng 4 đến mùng 5 tháng 3 hằng năm.

Hiện Khu di tích Đền thờ Hai Bà Trưng đã được Nhà nước đầu tư tôn tạo đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân. Năm 2013, đền đã được Bộ VH-TT&DL xếp hạng từ Di tích quốc gia thành Di tích quốc gia đặc biệt.

Cụ Kim Văn Hậu cho biết: "Xã Hát Môn, từ xưa đã lưu giữ nhiều tài liệu, sổ sách về Hai Bà Trưng và các nghi thức tế, lễ cổ truyền. Nhưng trải qua biến cố thời gian, nhiều sổ sách đã bị thất lạc. Vì vậy, cần ghi chép lại các thủ tục, nghi lễ quý của ông cha để lại bởi các cụ cao niên hiểu biết về truyền thống của làng còn rất ít. Nếu không tập trung làm sẽ thất lạc dần những vốn văn hóa cổ cha ông để lại". Cũng theo cụ Hậu, trong đền gồm 6 bia đá, 22 đạo sắc phong của các triều đại phong kiến và rất nhiều câu đối, hoành phi, đại tự cổ do các quan chức, nhân sĩ trong vùng tỏ lòng bái ngưỡng Hai Bà từ các huyện Thạch Thất, Quốc Oai, Sơn Tây…

Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Hát Môn Trần Nho Minh, những nét đẹp trong văn hóa ở Hát Môn đã thúc đẩy người dân gắn kết thực hiện phong trào xây dựng nông thôn mới. Còn đối với khách thập phương về làng dịp lễ hội Hai Bà Trưng vừa được xem hội lễ, rước Hai Bà; được dự nhiều trò chơi dân gian, vừa được thưởng thức đĩa bánh trôi có vị dẻo thơm của thứ nếp ngon, ngọt của nhân bánh, bùi bùi béo ngậy của vài hạt vừng thơm, vừa ngon, vừa mát.

Nguyễn Mai