Hànộimới - Những mốc son trên con đường phát triển
Chính trị - Ngày đăng : 06:25, 12/04/2014
Ngày 27-5-1965 cùng với sự hợp nhất hai tỉnh Hà Đông và Sơn Tây, hai tờ báo Hà Đông và Sơn Tây được hợp nhất thành Báo Hà Tây; đồng chí Nguyễn Kỳ Nam - Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Tuyên huấn Tỉnh ủy, được phân công nhiệm vụ kiêm Chủ nhiệm Báo Hà Tây. Báo Hà Tây in 4 trang, khổ 27x39cm, xuất bản 2 kỳ/tuần. Tiếp đó, đồng chí Nguyễn Văn Trung (Văn Trung) - Tổng Biên tập Báo Sơn Tây, được bổ nhiệm làm Tổng Biên tập Báo Hà Tây. Trụ sở báo tại gác 3 ngôi nhà lớn 4 tầng của UBND tỉnh.
Ngày 2-6-1965, Báo Hà Tây ra số đầu tiên, in hai màu.
Sau Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 2 (từ ngày 11 đến ngày 20-3-1969), Phó Tổng Biên tập Lê Chúc được Thường vụ Tỉnh ủy giao làm Quyền Tổng Biên tập Báo Hà Tây.
Ngày 3-2-1975, Báo Hà Tây tròn 1.000 kỳ xuất bản.
Khi hợp nhất tỉnh Hà Tây và tỉnh Hòa Bình thành tỉnh Hà Sơn Bình, ngày 1-3-1976 Tỉnh ủy Hà Sơn Bình có Quyết định số 1906 hợp nhất Báo Hà Tây và Báo Hòa Bình thành Báo Hà Sơn Bình; và bổ nhiệm đồng chí Lê Chúc - Tổng Biên tập Báo Hà Tây, giữ chức Tổng Biên tập Báo Hà Sơn Bình.
Ngày 3-3-1976, Báo Hà Sơn Bình số 1 ra mắt, in 2 màu, 8 trang.
Tháng 5-1979, đồng chí Lê Chúc - Tổng Biên tập, chuyển công tác. Ngày 12-12-1980, Tỉnh ủy điều động và bổ nhiệm đồng chí Bùi Xuân Hòa - Phó Văn phòng Tỉnh ủy, làm Tổng Biên tập Báo Hà Sơn Bình.
Tháng 5-1984, Thường vụ Tỉnh ủy Hà Sơn Bình bổ nhiệm đồng chí Nguyễn Đắc Hữu - Quyền Tổng Biên tập, làm Tổng Biên tập Báo Hà Sơn Bình.
Tháng 10-1991, tỉnh Hà Tây được tái lập, Tỉnh ủy Hà Tây ban hành quyết định thành lập Báo Hà Tây. Báo Hà Tây xuất bản số đầu vào ngày 2-10-1991. Đồng chí Nguyễn Đắc Hữu - Tổng Biên tập Báo Hà Sơn Bình, được bổ nhiệm làm Tổng Biên tập Báo Hà Tây.
Tháng 3-2001, Tổng Biên tập Nguyễn Đắc Hữu nghỉ hưu, Thường vụ Tỉnh ủy phân công đồng chí Nguyễn Trường Tiền - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hà Tây, phụ trách báo (từ tháng 3 đến tháng 5-2001). Sau đó Thường vụ Tỉnh ủy bổ nhiệm đồng chí Nguyễn Xuân Hưng - Phó Tổng Biên tập phụ trách, làm Quyền Tổng Biên tập (6-2001) và Tổng Biên tập (12-2001).
Tháng 5-2002, Tổng Biên tập Nguyễn Xuân Hưng nghỉ hưu. Tháng 7-2002, Thường vụ Tỉnh ủy bổ nhiệm đồng chí Kiều Ngọc Kim - Phó Tổng Biên tập, làm Tổng Biên tập.
Ngày 22-12-2003, Tỉnh ủy Hà Tây ra Thông báo số 384 - TB/TU về việc cho phép Báo Hà Tây xuất bản hằng ngày, xuất bản Báo Hà Tây Điện tử, thành lập xưởng in, thực hiện chương trình kết nghĩa với Thiểm Tây Nhật báo (Trung Quốc) và mở rộng khổ báo.
Năm 2004, Báo Hà Tây xuất bản hằng ngày và ra báo Cuối tuần. Năm 2005, Báo Hà Tây đã có 4 loại ấn phẩm: Hà Tây hằng ngày, Hà Tây Cuối tuần, Hà Tây hằng tháng và Hà Tây Điện tử. Ban Biên tập Báo Hà Tây trước khi hợp nhất với Báo Hànộimới, gồm các đồng chí: Kiều Ngọc Kim - Tổng Biên tập; các Phó Tổng Biên tập: Lê Tiến Dũng, Nguyễn Long.
Qua 43 năm xây dựng và phát triển, Báo Hà Tây đã không ngừng trưởng thành, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao. Các hoạt động xã hội ngày càng khởi sắc như: Giải Việt dã, Giải Bóng đá thanh niên, Quỹ Tài năng trẻ Hà Tây, Quỹ Từ thiện - xã hội; Chương trình trao, tặng quà cho học sinh nghèo vượt khó, các nạn nhân chất độc da cam; xây dựng nhà cho cựu TNXP nghèo, thương binh nặng, bố mẹ liệt sĩ; tặng xe đạp cho các học sinh có hoàn cảnh đặc biệt.
Trung tướng Lê Minh Cược, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh TP Hà Nội:Tích cực động viên cổ vũ những người lính Cụ Hồ năm xưa Thay mặt hơn 23 vạn hội viên cựu chiến binh toàn thành phố xin chúc mừng thành tích mà Báo Hànộimới đạt được hôm nay. Cựu chiến binh là những người lính đã từng trải qua các cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc nên luôn quan tâm đến mọi vấn đề của cuộc sống đang diễn ra hiện nay. Báo Hànộimới chính là cầu nối đáp ứng được những nhu cầu này của đa số cựu chiến binh. Là tiếng nói của Đảng bộ và nhân dân Thủ đô, Báo Hànộimới không chỉ phản ánh các hoạt động của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hà Nội mà còn đáp ứng đầy đủ, kịp thời những thông tin về các vấn đề kinh tế, chính trị, xã hội trong nước và thế giới. Cùng với đó, các mặt hoạt động của cựu chiến binh cũng đã được Báo Hànộimới phản ánh đầy đủ, kịp thời, như: Cựu chiến binh tham gia xây dựng, bảo vệ Đảng, chính quyền, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa và khối đại đoàn kết toàn dân; đi đầu trong "cuộc chiến" giảm nghèo bền vững, xóa nhà dột nát; tích cực phổ biến, tuyên truyền chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước; tham gia giữ gìn an ninh trật tự, hiến đất xây dựng nông thôn mới… Những bài viết về phong trào chung cũng như viết về những tấm gương cựu chiến binh tiêu biểu tại các quận, huyện của thành phố đã có tính khích lệ to lớn góp phần đưa hoạt động của Hội Cựu chiến binh thành phố có bước phát triển. Mong Báo Hànộimới sẽ tiếp tục đồng hành và tuyên truyền các hoạt động của Hội Cựu chiến binh thành phố để cổ vũ những người lính Cụ Hồ năm xưa đang gương mẫu đi đầu, nêu gương sáng trong mọi hoạt động góp phần xây dựng Thủ đô và đất nước ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn. |