Sự ra đời trí khôn & sự hình thành biểu trưng ở trẻ
Giáo dục - Ngày đăng : 13:29, 11/04/2014
Xuất phát từ quan sát tỉ mỉ ba con của mình (Laurent, Lucienne và Jacqueline) từng ngày trong suốt hai năm đầu đời của chúng, Jean Piaget khám phá thấy trẻ nhỏ xây dựng những "kiến thức" thông qua chính hành động của chúng (tìm vú, mút ngón trỏ, nhặt đồ vật hoặc buồng đồ vật...).
Ông nhận ra mối quan hệ giữa trí khôn với hai quá trình cơ bản đồng hóa và điều tiết: trẻ nhỏ đồng hóa các dữ liệu của thế giới xung quanh và điều tiết chúng thành «hiểu biết» thông qua những cấu trúc tư duy. Những tiến trình trí khôn mô tả trong sách này bắt đầu trong hai năm đời đầu tiên mang tính thực hành, tiến trình "cảm giác-vận động".
Những tiến trình đó càng ngày càng được "tái tạo" theo cùng mô thức mỗi lúc một thêm trừu tượng – vì lẽ đó mà tác phẩm "Sự hình thành trí khôn ở trẻ em" trở thành công trình cơ bản của ông. Piaget nêu rõ các giai đoạn phát triển mà bất kỳ con người nào cũng phải đi qua. Trí khôn ban đầu mang tính cảm giác-vận động (táy máy đồ vật) dần dần được "chuyển vào bên trong tâm lý" và chuyển dần thành tư duy ban đầu thì cụ thể, sau càng lúc càng trừu tượng cho tới khi hoàn toàn trừu tượng…
Nhân dịp ra mắt 2 tác phẩm của Jean Piaget "Sự hình thành trí khôn ở trẻ em" và "Sự hình thành biểu trưng ở trẻ em", Nhà xuất bản Tri thức và trung tâm Văn hóa Pháp tổ chức hội thảo giới thiệu sách vào hồi 14h – 16h, thứ Tư, ngày 23/04/2014 tại Hội trường L’espace, 24 Tràng Tiền, Hà Nội.