Tình hình kinh tế quý I: Chuyển biến tích cực

Kinh tế - Ngày đăng : 06:51, 11/04/2014

(HNM) - Trong quý I, kinh tế đã có những chuyển biến tích cực, nổi bật ở các chỉ số như: Xuất khẩu, sản xuất công nghiệp tăng cao so với cùng năm trước; hàng tồn kho giảm; CPI tăng thấp; vốn ODA và FDI vẫn tiếp tục tăng so với cùng kỳ.

Thủy sản là một trong những mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu cao trong quý I-2014. Ảnh: Trường Sơn


Theo Tổng cục Thống kê, tốc độ tăng trưởng GDP quý I đạt 4,96% so với cùng kỳ năm 2013. Trong đó, khu vực nông - lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,37%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 4,69%; còn dịch vụ tăng 5,95%. Xuất nhập khẩu là một trong những điểm sáng, trong đó tổng kim ngạch xuất khẩu quý I đạt 33,35 tỷ USD, tăng 14,1% so với cùng kỳ năm 2013. Kim ngạch nhập khẩu đạt 32,34 tỷ USD, tăng 12,4%. Như vậy, quý I xuất siêu khoảng 1 tỷ USD. Nổi bật, chỉ số sản xuất công nghiệp quý I-2014 tăng khoảng 5,2% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số tồn kho của các doanh nghiệp (DN) cũng giảm nhẹ. Lao động đang làm việc trong các DN công nghiệp tăng 4,1%. CPI tháng 3 giảm 0,44% so với tháng trước, là mức thấp nhất trong vòng 8 năm qua. So với tháng 12-2013, CPI tháng 3-2014 tăng 0,8%, cũng là mức tăng thấp nhất trong vòng 13 năm qua.

Theo nhận định của Tổng cục Thống kê, khi CPI tăng thấp sẽ tạo điều kiện để các ngân hàng thương mại giảm lãi suất huy động, cải thiện thanh khoản, tạo điều kiện để hạ lãi suất cho vay, góp phần để các DN tiếp cận vốn ngân hàng, tạo điều kiện cho chính sách tiền tệ kết hợp với chính sách tài khóa. Đây cũng là tín hiệu vui của người tiêu dùng, nhất là những người nghèo, người có thu nhập thấp… Phát triển DN cũng có những dấu hiệu tích cực, tăng cả số vốn đăng ký và số DN thành lập mới. Cả nước có 18.400 DN đăng ký thành lập mới trong quý I, với số vốn đăng ký 97.980 tỷ đồng, tăng 16,9% về số DN và tăng 23,4% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2013. Quý I-2014 cũng ghi nhận hơn 4.600 DN khó khăn rơi vào tình trạng ngừng hoạt động nay quay trở lại hoạt động, tăng 48,9% so với quý liền kề. Một chỉ số quan trọng khác cũng nhận được sự đánh giá tốt là vốn đầu tư phát triển. Cụ thể, tổng vốn đầu tư xã hội quý I đạt 214.800 tỷ đồng, bằng 28,4% GDP và tăng 3,8% so với cùng kỳ năm 2013. Giải ngân vốn phát triển chính thức (ODA) trong quý I tăng 5% so với cùng kỳ, đạt 364 triệu USD. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện trong quý I đạt 2,85 tỷ USD, tăng 5,5% so với cùng kỳ; tổng vốn đăng ký đạt 3,34 tỷ USD. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng trong quý I cũng tăng nhẹ. Chi tiêu công thấp hơn cùng kỳ năm 2013, tiêu dùng dân cư nhích lên. Đây cũng được coi là dấu hiệu tốt của nền kinh tế. Bên cạnh những kết quả đạt được, nền kinh tế vẫn tồn tại những khó khăn, như sản xuất - kinh doanh trong nước tiếp tục đối mặt với những khó khăn; nợ xấu vẫn còn là gánh nặng tại các ngân hàng. Lạm phát tuy đã được kiểm soát nhưng còn tiềm ẩn nguy cơ tăng cao nếu thiếu tính đồng bộ trong thực hiện các giải pháp.

Năm nay, để đạt được mục tiêu GDP tăng trưởng 5,8%, một trong những giải pháp trước mắt đặt ra là bảo đảm phối hợp nhịp nhàng giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ để thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định vĩ mô. Bên cạnh đó, cần tạo dựng cơ chế, chính sách khuyến khích các DN ngoài nhà nước phát triển theo hướng hiện đại, mở rộng quy mô thâm nhập thị trường thế giới; đồng thời, phát triển sản xuất nông nghiệp sạch theo hướng tạo ra nhiều giá trị tăng thêm với chuỗi sản phẩm chất lượng cao, phục vụ thị trường trong nước. Cần đẩy mạnh quá trình cổ phần hóa DN nhà nước theo hướng công khai, minh bạch. Sau khi cổ phần hóa, DN cần phát huy tính chủ động, sáng tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh trong quản trị DN và thị phần sản phẩm tiêu thụ; đồng thời độc lập, tự tin lựa chọn ngành nghề kinh doanh để đầu tư phát triển sản xuất mang tính bền vững cao theo cơ chế thị trường bằng nguồn vốn tự có trong môi trường pháp lý minh bạch với các cơ chế, chính sách tốt. Bộ Công thương lại cho rằng, các DN cần phát huy tính chủ động, sáng tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh về chất lượng sản phẩm và thị trường tiêu thụ; chủ động chuẩn bị mọi điều kiện cần thiết để đón nhận cơ hội về việc làm và thu nhập khi một loạt hiệp định thương mại được ký kết giữa Việt Nam và các tổ chức, đối tác quốc tế. Hỗ trợ cho DN phát triển sản xuất, về phía các ngân hàng cũng cần có các giải pháp tạo thuận lợi cho tín dụng nhằm thúc đẩy các giao dịch kinh doanh bất động sản. Giải ngân trái phiếu chính phủ là một yếu tố quan trọng, tạo ra vòng quay tiền tệ, để các DN có dòng tiền đầu tư. Do đó, cần đẩy nhanh giải ngân nguồn vốn trái phiếu nhằm hỗ trợ tích cực cho nền kinh tế vĩ mô. 

Thanh Mai