Hé lộ nhiều dấu hiệu bất thường

Giới trẻ - Ngày đăng : 06:08, 11/04/2014

(HNM) - Từ Tết ra, cán bộ, công nhân viên của Công ty cổ phần Thuốc thú y trung ương (Vetvaco), bàn tán xôn xao về việc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có những quyết định không phù hợp với Luật Doanh nghiệp.

Từ cổ phần hóa thành công...

Xí nghiệp Thuốc thú y trung ương (Vetvaco) được thành lập từ năm 1956, chuyên sản xuất, kinh doanh thuốc thú y phục vụ cho phát triển ngành chăn nuôi của cả nước, có trụ sở chính tại xã Đức Thượng, huyện Hoài Đức, Hà Nội. Xí nghiệp là doanh nghiệp (DN) nhà nước trực thuộc Viện Thú y, Bộ NN&PTNT. Trước khi tiến hành cổ phần hóa (CPH), Ban lãnh đạo Vetvaco gồm: Bà Nguyễn Thị Minh Ước - Giám đốc và hai phó giám đốc là ông Nguyễn Hồng Minh và ông Nguyễn Tuấn Hùng.

Trụ sở Công ty cổ phần Thuốc thú y trung ương (Vetvaco).


Từ đầu năm 2012, Chính phủ và Bộ NN&PTNT đã chỉ đạo Vetvaco tiến hành CPH. Bộ NN&PTNT đã có nhiều văn bản chỉ đạo Vetvaco. Theo đó, vốn điều lệ Vetvaco là 36 tỷ đồng, trong đó Nhà nước giữ 65% giao cho 3 người đại diện nắm giữ, cổ đông chiến lược 10%, người lao động và tổ chức công đoàn 14,81%, bán đấu giá 10,19%. Ngày 19-12-2013, Bộ có Quyết định số 3000/QĐ-BNN-TCCB cử người đại diện phần vốn nhà nước nắm giữ 2.340.000 cổ phần, chiếm 65% vốn điều lệ tại Vetvaco. Cụ thể là ông Nguyễn Hồng Minh chịu trách nhiệm quản lý 50% phần vốn nhà nước (tương ứng 1.170.000 cổ phần), ông Nguyễn Tuấn Hùng quản lý 30% (tương ứng 702.000 cổ phần) và ông Phạm Thanh Long - hiện là Trưởng phòng Cung tiêu giữ 20% (tương ứng 468.000 cổ phần).

Sau quá trình chuẩn bị kỹ lưỡng theo đúng quy trình CPH được luật pháp quy định, ngày 6-1-2014, Vetvaco đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) lần thứ nhất với sự tham gia đầy đủ của người lao động, công nhân viên chức, đại diện của Viện Thú y và Bộ NN&PTNT. Mọi cổ đông tham gia ĐHĐCĐ đều biểu quyết tán thành các nội dung, chương trình, nghị quyết của đại hội với tỷ lệ biểu quyết tán thành: 100%; ý kiến không tán thành: Không; ý kiến khác: Không. Với sự chứng kiến của đại diện Viện Thú y, Bộ NN&PTNT, những cán bộ viên chức tin rằng việc CPH Vetvaco đã thành công tốt đẹp.

Trên cơ sở đó, ngày 25-1-2014, Vetvaco được Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Hà Nội cấp giấy phép đăng ký kinh doanh. Từ ngày đó, Vetvaco chính thức có đầy đủ tư cách pháp nhân một công ty cổ phần hoạt động đầy đủ theo Luật Doanh nghiệp năm 2005.

Sau 2 năm vừa phấn đấu sản xuất kinh doanh đạt kết quả tốt, vừa phấn đấu hoàn thành công tác CPH, lãnh đạo và cán bộ Vetvaco những tưởng từ nay sẽ được yên tâm tập trung sản xuất, kinh doanh và phát triển. Nhưng không ngờ, từ sau kết quả ĐHĐCĐ lần đầu thành công ấy, Vetvaco liên tiếp chịu những tác động, chỉ đạo không đúng quy định của Luật Doanh nghiệp từ phía Bộ NN&PTNT. Thực tế này khiến người lao động tại Vetvaco luôn trong trạng thái bất an, băn khoăn đúng - sai, nên đã gây ảnh hưởng xấu đến tình hình sản xuất kinh doanh của công ty. Hậu quả này ai sẽ chịu trách nhiệm?

... đến những văn bản vội vã

Lần giở những tài liệu mà chúng tôi thu thập được trong quá trình tác nghiệp, thấy rõ một thực tế là Bộ NN&PTNT đã liên tiếp ra những văn bản có phần vội vã, không đúng với quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2005.

Sau Quyết định số 3000/QĐ-BNN-TCCB đã nêu ở phần trên, ngày 20-12-2013, Bộ NN&PTNT đã ra văn bản số 4521/BNN-TCCB giới thiệu ông Nguyễn Hồng Minh làm Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT), ông Nguyễn Tuấn Hùng làm Tổng Giám đốc. Tuy nhiên, tại ĐHĐCĐ, kết quả bầu nhân sự lại không đúng theo sự giới thiệu của Bộ NN&PTNT. Tại ĐHĐCĐ, nhóm cổ đông đã tín nhiệm giới thiệu bà Nguyễn Thị Minh Ước và bà Ước đã trúng vào HĐQT. Tiếp đó, tại phiên họp đầu tiên HĐQT, bà Ước đã trúng cử chức Tổng Giám đốc, trong đó có phiếu của ông Minh bầu cho bà Ước.

Có lẽ vì kết quả bầu cử này không vừa lòng một số người có thẩm quyền nên chỉ sau 7 ngày đại hội, chỉ trong một ngày (13-1-2014), Bộ NN&PTNT đã ra 2 quyết định. Cụ thể là Quyết định số 77/QĐ-BNN-TCCB miễn nhiệm người đại diện quản lý phần vốn nhà nước đối với ông Nguyễn Hồng Minh, và Quyết định số 78/QĐ-BNN-TCCB cử ông Lại Hữu Ước, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp nắm giữ phần vốn mà trước đó Bộ đã có quyết định giao cho ông Minh.

Trước tình thế này, ông Minh đã giải trình với Bộ NN&PTNT rằng do thực tế thấy bà Ước làm Tổng Giám đốc chắc chắn sẽ tốt hơn ông Hùng nên mới bầu cho bà Ước. Những năm trước CPH, Nhà nước đã giao bà Ước làm Giám đốc Xí nghiệp (tức giữ 100% vốn nhà nước) và bà Ước đã làm rất tốt. Thực tế, mấy năm vừa qua, khi bà Ước làm giám đốc, Vetvaco phát triển tốt, bảo toàn và phát triển vốn nhà nước giao, người lao động có thu nhập cao, hoàn thành tốt mọi nghĩa vụ đối với Nhà nước. Nay sắp nghỉ hưu ở cơ quan nhà nước mà chuyển sang làm tổng giám đốc công ty cổ phần thì cũng là phù hợp luật pháp. Vì thấy tiền lệ nhiều người ở Bộ NN&PTNT đã nghỉ hưu nhưng vẫn là lãnh đạo công ty cổ phần, vì vậy ông Minh cho rằng quyết định của mình là đúng đắn. Với trách nhiệm của người đại diện giữ một phần vốn nhà nước, việc ông Minh tín nhiệm và bầu bà Ước làm Tổng Giám đốc cũng là điều hợp lý.

Tuy nhiên, việc giải trình của ông Minh không được một số người có quyền ở Bộ NN&PTNT ưng thuận. Họ kiên quyết và cấp tập ra nhiều văn bản tìm cách phế truất ông Minh. Bộ NN&PTNT bất chấp một thực tế không thể chối cãi là ông Minh là tiến sĩ duy nhất ở Vetvaco có kinh nghiệm và tâm huyết với nghề sản xuất vắc xin, một phó giám đốc hoàn thành tốt nhiệm vụ quản lý và điều hành doanh nghiệp. Nhiều người ở khu tập thể Vetvaco đánh giá, ông Minh là người có uy tín với cán bộ công nhân viên và là một cán bộ tận tâm với công việc chung cũng như với việc nghiên cứu khoa học kỹ thuật.

Không phù hợp với Luật Doanh nghiệp

Bất chấp dư luận phản ứng, Bộ NN&PTNT đã liên tiếp ra nhiều văn bản "có vấn đề". Ngày 16-1-2014, Bộ NN&PTNT có văn bản số 273/BNN-QLDN chỉ đạo Vetvaco phải tổ chức ĐHĐCĐ bất thường vào 9h ngày 22-1-2014 để miễn nhiệm thành viên HĐQT đối với ông Nguyễn Hồng Minh. Xét thấy việc này không đủ cơ sở pháp lý nên Xí nghiệp Thuốc thú y đã có văn bản số 11/XNTTYTW (ngày 19-1-2014) đề nghị Bộ nghiên cứu và hướng dẫn xí nghiệp thực hiện cho phù hợp với quy định của pháp luật.

Liền đó, ngày 22-1-2014, Bộ NN& PTNT lại có Văn bản số 210/BNN-QLDN yêu cầu Vetvaco phải thực hiện công văn 273/BNN-QLDN ngày 16-1-2014 của Bộ. Nghĩa là ép Vetvaco phải tổ chức ĐHĐCĐ bất thường nhưng thời gian đại hội lui lại là 9h ngày 25-1-2014. Ngày 25-1-2014, Vetvaco lại buộc phải có văn bản số 14/XNTTYTW báo cáo rằng việc làm này là trái với quy định của luật pháp và đề nghị Bộ xem xét.

Rõ ràng, hai văn bản trên của Bộ NN&PTNT đã không thực hiện đúng việc triệu tập ĐHĐCĐ bất thường được quy định tại Luật Doanh nghiệp hiện hành và Nghị định 59/2011/NĐ-CP của Chính phủ về việc chuyển doanh nghiệp 100% vốn của nhà nước thành công ty cổ phần và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Song không dừng lại ở đó, ngày 19-3-2014, một số người đại diện phần vốn nhà nước là thành viên HĐQT có văn bản yêu cầu họp HĐQT bất thường để "Thảo luận tổ chức ĐHĐCĐ bất thường" nhằm bãi nhiệm vị trí thành viên HĐQT rồi đến chức Chủ tịch HĐQT của ông Minh - vừa được ĐHĐCĐ bầu ngày 6-1-2014. Những người này nói rằng đó là thực hiện chỉ đạo của Bộ. Một lần nữa việc làm này đã vi phạm khoản 3 Điều 97 Luật Doanh nghiệp hiện hành và khoản 3 Điều 22 Điều lệ Công ty cổ phần Thuốc thú y trung ương - Vetvaco.

Thiết nghĩ, một cơ quan quản lý nhà nước cấp bộ không nên có cách hành xử cửa quyền, bất chấp thực tế và luật pháp như vậy. Cán bộ, công nhân viên Vetvaco và công luận có quyền đặt ra nhiều câu hỏi xung quanh những văn bản và cách hành xử khó hiểu của Bộ NN&PTNT. Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc về vấn đề này.

Khoản 3, Điều 97, Luật Doanh nghiệp năm 2005 quy định HĐQT phải triệu tập ĐHĐCĐ bất thường trong các trường hợp sau:

- HĐQT xét thấy cần thiết vì lợi ích của công ty;
- Số thành viên HĐQT còn lại ít hơn số thành viên theo quy định của pháp luật;
- Theo yêu cầu của cổ đông hoặc nhóm cổ đông quy định tại khoản 2 Điều 79 của luật này;
- Theo yêu cầu của ban kiểm soát;
- Các trường hợp khác theo quy định của pháp luật và điều lệ của công ty.

Nhóm Phóng viên PSĐT