Mới chỉ là "phần ngọn"
Góc nhìn - Ngày đăng : 05:59, 11/04/2014
Quả thực, nếu khẳng định xe quá tải trọng chính là "tử thần" gây ra tai họa, không chỉ cướp đi nhiều sinh mạng mà còn "tiêu diệt" kết cấu hạ tầng đường bộ cũng chẳng ngoa. Thực tế nhiều năm qua đã minh chứng rõ điều này. Hàng loạt vụ tai nạn thảm khốc xảy ra có nguyên nhân chính từ phương tiện quá tải. Thậm chí, có nhiều vụ do chính lái xe tự gây họa cho mình và phương tiện vì không làm chủ được tay lái do… quá tải! Còn theo các chuyên gia trong lĩnh vực kết cấu đường bộ, hầu như các tuyến đường đều được thiết kế và quy định cụ thể về tải trọng từng loại xe được phép lưu thông. Vì vậy, "thủ phạm tàn sát" kết cấu cầu đường không phải là xe tải trọng lớn như mọi người thường nghĩ, mà chính là xe chở quá tải trọng! Song, điều đáng nói, như các chuyên gia trong lĩnh vực giao thông đã nhận định, đó là không dễ phát hiện xe chở quá tải trọng bằng mắt thường, mà phải có trang thiết bị "đặc chủng".
Để chấn chỉnh vấn nạn này, ngay từ đầu năm 2014, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã trang bị 63 bộ cân lưu động cho 63 tỉnh, thành phố để kiểm soát phương tiện quá tải. Và từ ngày 1-4 vừa qua, cả nước đã đồng loạt ra quân kiểm soát tải trọng xe trên toàn bộ các tuyến quốc lộ trọng điểm với mục tiêu trước mắt là giảm dần, tiến tới chấm dứt tình trạng xe chở quá tải trọng, quá khổ; đồng thời Bộ Giao thông - Vận tải cũng đã cử 8 đoàn công tác kiểm tra tại các địa phương. Những tưởng, với quyết tâm cao như vậy, mọi sự sẽ đi vào khuôn khổ, thế nhưng, sau gần chục ngày triển khai mới có 36 tỉnh, thành phố thực hiện kiểm tra tải trọng phương tiện bằng bộ cân lưu động, còn lại 27 địa phương chưa thực hiện vì nhiều lý do khác nhau. Đáng nói là theo phản ánh của báo chí, đã xuất hiện tình trạng hàng loạt phương tiện tìm mọi cách lẩn trốn, thậm chí dừng lưu thông để tránh trạm kiểm soát tải trọng, dừng hoạt động để… nghe ngóng!
Trước thực trạng trên, dư luận có nhiều ý kiến cho rằng, nếu không thực hiện đồng bộ, không có sự vào cuộc quyết liệt của tất cả các địa phương thì việc xử phạt, hạ tải… sẽ chỉ như "bắt cóc bỏ đĩa". Việc có xử lý được tình trạng xe chở quá tải hay không, không phụ thuộc vào ý chí của một cơ quan, đơn vị nào mà cần có quyết tâm thực sự của tất cả cơ quan chức năng các cấp ở phạm vi toàn quốc. Hay nói cách khác, công tác kiểm tra, xử phạt sẽ chỉ thực sự phát huy hiệu quả với những con người thực thi công vụ thực sự có trách nhiệm. Tuy nhiên, làm như vậy cũng mới chỉ xử lý được "phần ngọn", tức là khi vi phạm đã xảy ra. Còn để xử lý được triệt để, xử lý tận gốc tình trạng xe quá khổ, quá tải gây mất ATGT và hư hỏng cầu đường thì điều quan trọng nhất là phải đưa giá cước vận tải về đúng với giá trị thực của nó.