Triển lãm “Gốm và Người” - từ mạch nguồn truyền thống tới tư duy gốm hiện đại
Văn hóa - Ngày đăng : 16:55, 10/04/2014
Triển lãm trưng bày các tác phẩm của 4 hoạ sỹ và 2 nghệ nhân gốm được tuyển chọn kỹ lưỡng bởi Giám tuyển - Họa sỹ Lê Thiết Cương. Một lần nữa, công chúng thủ đô lại được chiêm ngưỡng các tác phẩm nghệ thuật trong một không gian mở, nơi không còn ranh giới giữa tác phẩm và cuộc sống đời thường. Đó cũng chính là nhiệm vụ mà Davines và tạp chí Đẹp chung tay thực hiện: mang nghệ thuật đến gần hơn với công chúng.
Nghệ thuật là người. Nghệ thuật cũng chính là nghệ thuật sống. Nghệ thuật gốm của người Việt chính là chân dung tính cách của dân tộc Việt. Tinh thần gốm Việt là tinh thần người Việt. Đó là tinh thần phóng khoáng, mạnh mẽ, cởi mở, thô nhám, mộc mạc, giản dị, tự nhiên, không cầu kỳ, tinh xảo, chải chuốt, tỉ mẩn kỹ lưỡng như gốm của các dân tộc khác.
Giám tuyển Lê Thiết Cương chia sẻ: “Nghệ thuật gốm Việt đẹp ở chỗ thật thà, đôn hậu không quá gò vào niêm luật, khuôn mẫu. Kỹ lưỡng quá, chính xác quá, phẳng nhẵn nuột nà gọn ghẽ quá thì không phải là bản tính của người Việt, không phải là nghệ thuật Việt, không phải là gốm của người Việt. Từ cách tạo dáng cho đền mầu men, cách vẽ, cách khắc hoa văn lên sản phầm đều là làm như không làm, như tình cờ, tự nhiên như không, có có không không. Người Việt duy cảm hơn duy lý, chú trọng trực giác hơn lý trí”.
Trên nền truyền thống ấy, các nghệ sĩ hôm nay đã tiếp nối bằng một tinh thần mới. Họ là những người đã làm mới truyền thống và cố gắng xây dựng một truyền thống mới. Hiểu theo một nghĩa rộng hơn thì chỉ có làm mới, chỉ có sáng tạo là cách hay nhất để giữ gìn, bảo tồn và phát huy truyền thống.
Các nghệ sỹ tham gia Chuỗi hoạt động nghệ thuật Davines - Davines Art Series 2014 lần này là những người tiêu biểu. Họ đều đã tìm được con đường riêng để đi đến gốm.
Nguyễn Khắc Quân làm gốm điêu khắc với tư duy tạo hình hiện đại, “cắt cảnh”, bố cục bạo, bất ngờ tạo ra hiệu quả thẩm mỹ khác lạ. Anh kết hợp hài hòa các thủ pháp kỹ thuật tạo dáng, đắp vuốt, phủ men của nhiều làng nghề gốm.
Họa sĩ Lê Thiết Cương |
Nguyễn Quang Thu gắn mình với làng gốm Hương Canh, Vĩnh Phú. Điêu khắc của Thu là vẻ đẹp của uốn, nặn, chuốt. Thu không chú trọng hình, anh tập trung vào dáng, khi co thắt, lúc nở to, khi căng mọng lúc lại buông lỏng tạo ra một giai điệu – gốm với những nhịp tương phản.
Lê Quốc Việt không làm gốm, anh chỉ mượn cách nói của gốm để nói một câu chuyện khác. Việt đã khoác một cái áo đương đại lên gốm truyền thống. Người xem có thể nghe thấy cuộc đối thoại giữa truyền thống và hiện đại qua tác phẩm sắp đặt với gốm này.
Phạm Anh Đạo sinh ra ở làng gốm Bát Tràng, không khí ấy, đất và nước ấy đã làm nên Đạo. Anh là một trong vài người còn có thể tạo hình sản phẩm bằng kỹ thuật vuốt tay, một kỹ thuật cổ truyền của làng Bát Tràng. Và đấy là lời cảm ơn hay nhất của Đạo với ngôi làng đã sinh ra mình.
Tác phẩm của nghệ sỹ điêu khắc Nguyễn Tuấn. |
Nguyễn Tuấn đã hóa thân vào gốm Phù Lãng.Tinh thần nghệ thuật hiện đại đã hóa thân vào hồn cốt của gốm cổ truyền Phù Lãng.Tư tưởng triết học của Phật giáo đã hóa thân vào nghệ thuật gốm – điêu khắc hiện đại của Nguyễn Tuấn đẹp và duyên.
Giám tuyển của triển lãm, họa sỹ Lê Thiết Cương cũng tham gia trưng bày ba bức mosaic (tranh ghép) từ gốm với tư cách khách mời.
Mỗi nghệ sỹ đều đã tìm được cách khơi nguồn mạch truyền thống để hòa hợp với tư duy gốm hiện đại cho mình. Họ đã góp phần cùng nhiều nghệ sỹ khác làm cho cái nghĩa của gốm thêm rộng dài hơn. Gốm có thể chuyển tải ngôn ngữ của điêu khắc, của hội họa, thậm chí của sắp đặt chứ không chỉ là gốm của mỹ nghệ và đồ gia dụng. Gốm là một chất liệu quen thuộc, thân thuộc nhưng các tác giả gốm hôm nay đã làm cho gốm khác hơn, lạ hơn, khác lạ hơn. Cũng vẫn là lửa ấy, nước ấy, đất ấy nhưng cá tính sáng tạo của họ đã làm cho gốm người hơn và ngược lại gốm đã làm cho họ bộc lộ được mình đẹp hơn.
Đặc biệt, sự giao thoa của âm nhạc đương đại với nghệ thuật biểu diễn trong trình diễn trực tiếp của ca sĩ Giang Trang trong bài hát Trở về làng gốm (do nhạc sỹ Phạm Quang Trần Minh sáng tác từ 10 năm trước và phối mới lại cho 2 guitar và 1 kèn) đã góp phần mang lại nhiều điều bất ngờ cho khán giả tham dự trong lễ khai mạc.
Ông Nguyễn Tú, tổng giám đốc Davines Việt Nam chia sẻ: “Từ năm 2009, cùng với Tạp chí Đẹp, chúng tôi đã tổ chức chuỗi hoạt động nghệ thuật Davines Art Series. Tình yêu nghệ thuật vốn luôn hiện hữu trong mọi việc chúng tôi làm hàng ngày và thấm nhuần trong tinh thần của những con người trong ekip làm việc. Chính điều này cùng với những triển lãm nghệ thuật chúng tôi đã thực hiện qua các năm 2010, 2011, 2012 và 2013 là động lực giúp chúng tôi cam kết đưa nghệ thuật thực sự đến gần hơn với công chúng. Chúng tôi muốn bắt đầu từ những việc làm nhỏ, thiết thực để mang những tác phẩm nghệ thuật của cuộc sống đương đại sôi động ngày nay đến với đông đảo công chúng hơn nữa.” Chuỗi Hoạt Động Nghệ Thuật Davines - Davines Art Series đã, đang và sẽ kết hợp với các giám tuyển uy tín nhất tại Việt Nam trong việc cố vấn, đánh giá và lựa chọn các tác phẩm xuất sắc tham gia Chuỗi hoạt động nghệ thuật Davines thường niên.