Vi phạm nhiều, xử lý nhỏ giọt

Đời sống - Ngày đăng : 06:52, 09/04/2014

(HNM) - Theo cơ quan chức năng, số vụ lấn chiếm hành lang bảo vệ tuyến đường thủy nội địa ở TP Hồ Chí Minh ngày càng tăng, trong khi các dự án chống sạt lở vẫn đang triển khai ì ạch. Tất cả đang gióng lên hồi chuông báo động về sự an nguy giao thông đường thủy cũng như tài sản, tính mạng người dân,

Tình trạng lấn chiếm hành lang bảo vệ tuyến đường thủy nội địa xảy ra tràn lan ở TP Hồ Chí Minh.



Khảo sát tại một số tuyến sông, kênh rạch, phóng viên không khỏi bất ngờ khi mức độ vi phạm ngày càng công khai và nghiêm trọng khi các trường hợp lấn chiếm không chỉ dừng lại vài chục mét mà lên đến hàng nghìn mét vuông. Có thể kể đến một số địa phương có số vụ vi phạm nổi bật như: Huyện Nhà Bè, Bình Chánh, Cần Giờ; quận 2, 8 và Bình Thạnh. Đơn cử tại Km 243+245 đường Ung Văn Khiêm (phường 25 quận Bình Thạnh), căn nhà 4 tầng diện tích gần 1.000m2 nằm trong hành lang bảo vệ đường sông vẫn tồn tại dù báo chí đã phản ánh nhiều lần trước đó. Tương tự tại quận 2, chỉ tính riêng tuyến rạch Giồng Ông Tố có ít nhất không dưới 10 trường hợp lấn chiếm hành lang. Đặc biệt, tại vị trí cầu Giồng Ông Tố, hằng ngày vẫn xuất hiện sà lan và tàu hút cát hoạt động ngay bên dưới hành lang bảo vệ cầu, còn cơ quan chức năng thì không thấy đâu. "Việc khai thác cát gần vị trí chân cầu không chỉ ảnh hưởng đến tuyến rạch mà còn giảm tuổi thọ của công trình, nguy hiểm hơn nếu cứ khai thác như vậy sẽ gây nên sạt lở, đặc biệt là mùa mưa đã cận kề", một lãnh đạo thuộc Khu quản lý giao thông đô thị số 2 cho biết.

Theo đề án Quy hoạch bố trí dân cư phòng tránh thiên tai trên địa bàn TP Hồ Chí Minh giai đoạn 2011 - 2015 và định hướng đến năm 2020 mà UBND thành phố vừa phê duyệt, trong giai đoạn 2014 - 2016, trên địa bàn thành phố có 6 quận, huyện, với 1.294 hộ cần thực hiện di dời bố trí dân cư phòng chống thiên tai. Trong đó, có 894 hộ cần di dời do gần khu vực sạt lở đất ven sông, kênh rạch trên địa bàn quận 2, Bình Thạnh và Thủ Đức; huyện Cần Giờ, Nhà Bè và Bình Chánh. Dự kiến tổng nhu cầu vốn đầu tư cho việc di dời bố trí dân cư phòng chống thiên tai giai đoạn 2014 - 2016 gần 146 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách thành phố.

Theo Khu quản lý đường thủy nội địa thành phố tính đến nay toàn thành phố có đến 305 trường hợp vi phạm trong việc lấn chiếm và xây dựng trên hành lang sông. Trong đó, tuyến địa phương quản lý là 166 và tuyến trung ương quản lý 139 trường hợp vi phạm. Tuy nhiên trong quý I năm 2014, Khu chỉ mới phát hiện và phối hợp cùng ngành chức năng xử lý được 6 vụ.

Theo ông Phan Hoàng Trí, Phó Giám đốc Khu quản lý đường thủy nội địa thành phố, hiện đơn vị quản lý khoảng 600km đường sông bắt đầu từ huyện Củ Chi đến Cần Giờ. Tuy nhiên, hiện toàn khu cũng chỉ có 4 trạm kiểm soát đường thủy nên việc kiểm tra và phát hiện các vụ việc vi phạm rất khó khăn khi đơn vị chỉ có chức năng kiểm tra, phát hiện và báo cáo, còn chức năng xử phạt thì thuộc về Sở GTVT cùng chính quyền địa phương. Điều này sẽ khiến việc xử lý trực tiếp đối với các trường hợp bị bắt quả tang khi vi phạm không kịp thời, dễ dẫn tới đối tượng phi tang bằng chứng. Chưa kể, việc giải quyết tình trạng lấn chiếm tuyến đường thủy nội địa ở các quận, huyện chưa triệt để, làm cho gia tăng số vụ vi phạm.

Cũng theo ông Phan Hoàng Trí, tình trạng lấn chiếm kênh rạch tràn lan làm ảnh hưởng đến tiến độ xây dựng các dự án xây dựng bờ kè, đê bao. Theo báo cáo mới nhất từ Khu quản lý đường thủy nội địa thành phố, trong 62 vị trí sạt lở trên toàn địa bàn, có 38 vị trí đã được chấp thuận chủ trương đầu tư xây dựng bờ kè chống sạt lở, tổng cộng chiều dài hơn 27km. "Tuy nhiên bởi tình trạng lấn chiếm nên công tác giải phóng mặt bằng chậm, không đạt tiến độ theo yêu cầu của các dự án chống sạt lở mang tính cấp bách, làm chậm tiến độ, tăng vốn và giảm hiệu quả đầu tư. Nguy hiểm hơn nữa, ở những khu vực nguy cơ sạt lở cao, khi mùa mưa đang đến gần, tính mạng, tài sản của các hộ dân lấn chiếm chẳng khác gì "treo miệng Hà Bá…" - Ông Trí nhấn mạnh.

Hà Phạm