Khôi phục trạm cấp nước xây dựng dở dang: Vướng như gà mắc tóc!

Xã hội - Ngày đăng : 06:24, 09/04/2014

(HNM) - Hành trình khôi phục các trạm cấp nước đầu tư xây dựng dở dang tại ngoại thành Hà Nội kéo dài nhiều năm qua nhưng chuyển biến rất chậm.



Điều đó đã dẫn tới nghịch lý, mặc dù có công trình cấp nước nhưng người dân vẫn sống trong cảnh "khát" nước do TCN "nằm ngủ" quá lâu, máy móc han gỉ, không phát huy tác dụng, gây lãng phí tiền của Nhà nước và nhân dân.

Trạm cấp nước sạch thị trấn Phú Minh, huyện Phú Xuyên mới được đưa vào sử dụng.


Nơi người dân "khát" nước sạch

Khó ai có thể hình dung nổi, TCN sạch Phùng Xá có dung tích lớn vào loại nhất nhì huyện Thạch Thất với số vốn đầu tư trên chục tỷ đồng lại hoạt động theo kiểu "ăn đong". Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng nước sạch và môi trường THT (Công ty THT) Nguyễn Phú Trung cho biết, chưa đầy hai năm kể từ khi khởi công, công trình này buộc phải tạm dừng do thiếu vốn. Trước bức xúc của dư luận, đầu năm 2007, UBND tỉnh Hà Tây cũ đã giao cho xã Phùng Xá tiếp tục đầu tư hoàn thiện TCN bằng nguồn ngân sách xã và vốn huy động của người dân nhưng cũng không thành. Gần 5 năm sau, UBND TP Hà Nội có Văn bản số 7569/UBND-NN, giao cho Công ty THT tiếp nhận đầu tư xây dựng công trình nhưng do vướng mắc về thủ tục chuyển giao, đến đầu tháng 6-2014, công trình TCN mới phê duyệt được giá trị tài sản. Trên diện tích 900m2 đất của dự án, Công ty THT đã ĐT xây dựng các hạng mục công trình đầu mối nhưng chưa lắp đặt đường ống nước cấp tới hộ gia đình trong xã do thiếu thủ tục pháp lý. Khắc phục tình trạng thiếu nước sạch, Công ty THT đang sử dụng công nông, xe cải tiến chở từng thùng phuy nước bán cho người dân sử dụng.

Tương tự, để khôi phục TCN "nằm ngủ" quá lâu, thiết bị đã mục nát, xuống cấp theo thời gian, tháng 9-2011, UBND thành phố đồng ý giao cho Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Toàn Linh tiếp nhận đầu tư TCN xã Tam Hiệp. Tuy nhiên, hơn 3 năm qua, công trình này vẫn giậm chân tại chỗ do chưa giải quyết được hàng loạt vướng mắc liên quan đến cấp giấy chứng nhận đầu tư, chứng nhận ưu đãi đầu tư cũng như tiếp cận vốn vay ưu đãi. Một khó khăn nữa, Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Toàn Linh chưa được bàn giao đất, tài sản trên đất và các hồ sơ có liên quan để doanh nghiệp có cơ sở đầu tư xây dựng. Nghịch lý có TCN mà không được sử dụng nước sạch khiến người dân nơi đây rất bức xúc.

Ông Lê Văn Dương, Giám đốc Trung tâm Nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn Hà Nội cho biết, nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này do các công trình được đầu tư bằng nhiều nguồn vốn (vốn trung ương, thành phố, huyện, xã và nhân dân đóng góp). Hầu hết các công trình khi thực hiện hết phần vốn của trung ương, thành phố hỗ trợ thì bị dừng lại do huyện, xã không bố trí được vốn đối ứng. Trách nhiệm này trước hết một phần thuộc về chủ đầu tư và chính quyền địa phương, tiếp đến là các cơ quan quản lý nhà nước thiếu kiểm tra đôn đốc và đề xuất biện pháp xử lý.

Loay hoay, chuyển biến chậm

Để đạt mục tiêu hết năm 2015, 60% dân số được sử dụng nước sạch theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế với số lượng 100 lít/người/ngày, đồng thời giải quyết những bức xúc của người dân, UBND thành phố chỉ đạo các sở, ngành liên quan và địa phương tập trung khôi phục các TCN xây dựng dở dang. Qua đó, giải quyết vấn đề nước sạch cho 60.000 người dân nông thôn. Tuy nhiên, hơn ba năm qua, việc làm "sống" lại các TCN chuyển biến rất chậm và còn phát sinh thêm một số trạm không hoạt động.

Ông Đào Duy Tâm, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, theo khảo sát ban đầu có 16 trạm xây dựng dở dang, sau đó khi rà soát lại, con số này nâng lên thành 24 trạm chưa hoạt động. Sở NN&PTNT đề nghị thành phố loại khỏi danh mục đầu tư 3 trạm không còn khả năng phục hồi. 7 TCN thuộc Thanh Trì, Từ Liêm (cũ), Hoài Đức thực hiện đấu nối với hệ thống cấp nước sạch đô thị của thành phố và nước sạch sông Đà. 10 TCN chưa hoạt động hoặc đang xây dựng dở dang giao cho doanh nghiệp tiếp tục đầu tư, quản lý, khai thác…

Theo ông Đào Duy Tâm, một trong các giải pháp cứu các TCN là khuyến khích các doanh nghiệp tham gia đầu tư theo phương thức xã hội hóa. Thế nhưng, quá trình triển khai thực hiện gặp nhiều vướng mắc về thủ tục pháp lý, khiến doanh nghiệp tiếp nhận TCN khó triển khai. Nếu muốn được hưởng cơ chế hỗ trợ của Nhà nước, dứt khoát doanh nghiệp phải làm lại thủ tục đầu tư, cấp phép đầu tư. Song, thời gian dài các sở, ngành liên quan của thành phố chưa hướng dẫn cụ thể khiến nhiều doanh nghiệp vướng như gà mắc tóc. Vì vậy, trong thời gian tới, nếu các cấp chính quyền và các sở, ngành liên quan không tích cực tạo điều kiện, hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn cho DN thì các TCN sẽ tiếp tục ì ạch như thời gian qua.

Hữu Hoài