Phòng, chống dịch sởi: Tiêm phòng vẫn là biện pháp hữu hiệu
Sức khỏe - Ngày đăng : 05:55, 09/04/2014
Tại cuộc họp, nhiều vấn đề đã được đưa ra bàn luận, đó là tại thời điểm này có nên công bố dịch sởi; thay đổi lịch tiêm chủng; so với những đợt dịch bệnh sởi diễn ra những năm trước, chủng virus sởi đã có sự biến đổi độc lực…
Điều trị cho bệnh nhân sởi tại Khoa Nhi - Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: Ngọc Châu |
Hàng chục trường hợp tử vong do sởi
Theo báo cáo của Bộ Y tế, từ cuối năm 2013 và đầu năm 2014, trên thế giới đã ghi nhận gần 182 nghìn trường hợp mắc sởi, tập trung tại các khu vực Châu Phi, Tây Thái Bình Dương, Châu Âu. Tại Việt Nam, từ đầu năm 2014 đến nay đã ghi nhận hơn 6.600 ca sốt phát ban, trong đó có gần 2.500 trường hợp được chẩn đoán xác định mắc bệnh sởi tại 59 tỉnh, thành phố. Đến cuối tháng 3-2014, nước ta đã ghi nhận 25 trường hợp tử vong do sởi và biến chứng của sởi.
Bệnh viện (BV) Nhi trung ương là nơi tiếp nhận lượng bệnh nhân sởi nhập viện đông thời gian qua, PGS.TS Lê Thanh Hải, Giám đốc BV cho biết. So với cùng kỳ năm 2013, BV đã khám chữa bệnh cho khoảng 7.000 bệnh nhi, thì đến thời điểm này trong năm 2014 đã là 10.000 trường hợp (tăng 30%). Trong số này, một nửa bệnh nhi mắc các bệnh về đường hô hấp. Điểm bất thường là tỷ lệ bệnh nhân mắc sởi nhập viện tăng cao. Từ đầu tháng 12-2013 đến nay đã có khoảng 1.000 ca mắc sởi, biến chứng nặng phải nhập viện. Ngay thời điểm này, BV thường xuyên điều trị 200-250 bệnh nhân/ngày. "BV phải dành toàn bộ Khoa Truyền nhiễm để thu dung và điều trị bệnh sởi. Đáng lo ngại, trong 6 ca tử vong, BV tiến hành xét nghiệm đã phát hiện trẻ đồng nhiễm nhiều loại virus. Bản thân trẻ đã suy giảm miễn dịch vì mắc sởi lại nhiễm thêm nhiều virus khác khiến tình trạng bệnh càng thêm nặng, dẫn đến viêm phổi, suy hô hấp, suy tim, khó có thể cứu chữa" - PGS.TS Lê Thanh Hải nói.
Đánh giá về diễn biến của dịch bệnh sởi năm nay, PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho rằng, đa số bệnh nhân mắc sởi không được tiêm chủng hoặc không rõ về tình trạng tiêm chủng (chiếm 87,6%). Thậm chí, hơn 10% trẻ mắc sởi chỉ mới tiêm mũi 1, chỉ có 4,2% trẻ đã tiêm đủ 2 mũi mà vẫn mắc bệnh. Mặt khác, trong số các trường hợp tử vong do sởi chỉ có duy nhất 1 trường hợp đã được tiêm chủng đầy đủ. Ông Trần Đắc Phu cũng khẳng định, các trường hợp tử vong phần lớn là do đồng nhiễm các virus khác hoặc có bệnh lý khác nhưng mắc thêm sởi, trong đó nguyên nhân chủ yếu là do viêm phổi song hiện chưa phát hiện có sự biến đổi về gen, và các type virus sởi lưu hành tại Việt Nam cũng chưa có sự gia tăng độc lực.
Đồng quan điểm trên, GS.TS Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương cũng khẳng định, chủng virus sởi trong năm 2014 tương đồng với chủng virus cổ điển, không có sự biến đổi về độc lực và lâm sàng. Trong tháng 4 và 5, khi thời tiết nóng lên và số trẻ được tiêm chủng gia tăng thì dịch sởi sẽ giảm mạnh. Nếu công tác tiêm chủng được đẩy mạnh như hiện nay thì Việt Nam có thể đạt được mục tiêu loại trừ bệnh sởi vào năm 2017.
Phải thực hiện tiêm chủng đầy đủ
Theo nhận định của Bộ Y tế, tại nhiều tỉnh, thành phố thuộc khu vực đồng bằng nơi có tỷ lệ tiêm chủng cao dịch xảy ra rải rác. Điều này cho thấy, việc tiêm vắc xin phòng bệnh sởi đã đạt được hiệu quả tốt tạo được nền miễn dịch cao trong cộng đồng. So với vụ dịch năm 2009-2010, dịch bệnh sởi hiện nay có số ca mắc thấp hơn và đang có dấu hiệu giảm dần so với đầu năm 2014. Do đó, ngành y tế chưa công bố dịch sởi trên toàn quốc.
Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội Nguyễn Nhật Cảm cho biết, từ tháng 12-2013 đến nay, toàn thành phố ghi nhận hơn 900 trường hợp mắc sởi, phân bố rải rác tại 300 xã, phường của 30 quận, huyện. Những tuần gần đây, số mắc đã có xu hướng giảm 10-20% mỗi tuần. Trong số trường hợp mắc bệnh, có đến 88% trẻ chưa tiêm chủng. Qua phiếu thăm dò ý kiến của hơn 200 bà mẹ đều tỏ ra e ngại khi đưa con đi tiêm chủng vì lo sợ tai biến sau tiêm. Từ ngày 3 đến 10-4, Hà Nội đã tổ chức tiêm vét sởi đợt 2 cho trẻ dưới 2 tuổi. Thành phố phấn đấu đạt tỷ lệ tiêm phòng hơn 95%. Tuy nhiên, tính đến ngày 8-4, tỷ lệ tiêm mới đạt 76,2% (tương đương với khoảng 52.100 trẻ). Do vậy, Hà Nội sẽ tiếp tục kéo dài đợt tiêm vét này đến hết tháng 4 để bảo đảm mục tiêu đề ra. "Với địa bàn đông dân cư nên việc quản lý đối tượng tiêm phòng khó khăn, có 5-10% trẻ không được gia đình đưa đi tiêm phòng đầy đủ. Mặt khác, lực lượng cán bộ tiêm phòng còn mỏng trong khi phải quản lý lượng lớn đối tượng tiêm phòng nên gặp nhiều áp lực", ông Nguyễn Nhật Cảm nói.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh, sởi là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở trẻ dưới 5 tuổi. Giai đoạn 2000-2012, nhờ được triển khai tiêm phòng đã giúp giảm được 13,8 triệu trẻ tử vong trên toàn cầu. Do vậy, biện pháp hữu hiệu để đẩy lùi dịch sởi vẫn là phải quyết liệt trong việc tiêm phòng. Để việc tiêm phòng đạt hiệu quả cần tăng cường tuyên truyền để các bậc phụ huynh đưa con em mình đi tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch; tiêm đầy đủ 2 mũi vắc xin sởi, mũi 1 khi 9 tháng tuổi và mũi 2 khi 18 tháng tuổi theo đúng quy định của Tổ chức Y tế thế giới.
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, Việt Nam đã cam kết với cộng đồng thế giới sẽ xóa sổ bệnh sởi vào năm 2017. Do đó, ngành y tế đang lên kế hoạch, tăng cường nguồn vắc xin và kiểm dịch chất lượng vắc xin để triển khai chiến dịch tiêm sởi và rubella cho 23 triệu trẻ em từ 1 đến 14 tuổi. Dự kiến, chiến dịch này sẽ được triển khai trong 2 năm và bắt đầu từ tháng 8 và 9 tới. Nếu chiến dịch này diễn biến đúng theo kế hoạch thì khả năng miễn dịch trong cộng đồng sẽ được nâng lên, từ đó chúng ta yên tâm hơn về việc khống chế và tiến tới xóa sổ dịch sởi. |