Bệnh viện tuyến trên quá tải, y tế cơ sở xuống cấp
Xã hội - Ngày đăng : 06:51, 08/04/2014
Chưa bao giờ BV Nhi trung ương lại lâm vào tình trạng quá tải trầm trọng như hai tháng vừa qua. Mỗi ngày, BV điều trị cho 1.700 bệnh nhân nội trú, trong khi bình thường là 1.400 trẻ. Ngoài những bệnh thường gặp do thời tiết giao mùa như: Viêm phế quản, viêm phổi, viêm tiểu phế quản, tiêu chảy, sốt cao co giật, năm nay do dịch sởi bùng phát mạnh với diễn biến bất thường cũng là nguyên nhân khiến BV thêm quá tải.
Tình cảnh quá tải trầm trọng ở Bệnh viện Nhi trung ương. Ảnh: Thái An |
Giám đốc BV Nhi trung ương Lê Thanh Hải cho rằng, chính vì thiếu tin tưởng tuyến cơ sở nên người dân sẵn sàng vượt tuyến lên viện trung ương để chữa bệnh. Tình trạng quá tải không chỉ xảy ra đối với những trường hợp bệnh nặng mà ngay cả với những bệnh thông thường, tuyến cơ sở hoàn toàn có thể chữa được nhưng người bệnh vẫn chủ động vượt tuyến. Theo thống kê sơ bộ, có đến 40-80% bệnh nhân điều trị ở BV Nhi trung ương thuộc diện trái tuyến, trong đó 50% là gia đình tự ý đưa trẻ đến, 50% do BV tuyến dưới chuyển đến. "Thậm chí, chỗ nằm chật chội, chen lấn, có lúc lên tới 4-5 bệnh nhi/giường nên bệnh nhi mắc ngay cả những bệnh lý thông thường được đưa lên tuyến trung ương thì hiệu quả chữa trị không cao hơn mà lại có nguy cơ lây nhiễm chéo" - ông Lê Thanh Hải lo lắng.
Thời gian qua, BV Nhi trung ương đã gặp phải tình huống: gia đình một cháu bé 13 tháng tuổi (ở Vĩnh Phúc) đòi bồi thường với lý do khi điều trị viêm phổi tại BV, bệnh nhi mắc sởi và tử vong. BV Nhi trung ương đã có văn bản trả lời và giải thích với gia đình bệnh nhân về nguyên nhân tử vong của cháu bé là bệnh nặng, không thể cứu chữa. Với trường hợp của cháu 13 tháng, rất khó khẳng định lây từ BV hay cộng đồng vì nhiều trẻ tại gia đình cũng mắc sởi. Tuy nhiên, các bác sĩ đưa ra khuyến cáo, với những trẻ mắc sởi trong BV có thể do quá trình đi khám bệnh, chữa bệnh bị lây nhiễm chéo thường có biểu hiện bệnh nặng hơn so với trẻ nhiễm sởi ngoài cộng đồng. Do vậy, trong trường hợp trẻ mắc các bệnh thông thường, cha mẹ nên đưa trẻ đến các cơ sở y tế ở địa phương để khám và điều trị.
Có thể trông chờ vào y tế cơ sở?
Trước sự quá tải trầm trọng, ảnh hưởng đến hiệu quả khám chữa bệnh, BV Nhi trung ương đã "cầu cứu" sự trợ giúp của các BV tuyến tỉnh. Thế nhưng, ngay tại Hà Nội, các BV cũng lâm vào tình trạng quá tải. Cụ thể, khoa Nhi (BV Đa khoa Xanh Pôn) có 120 giường nhưng luôn có khoảng 400 bệnh nhi, còn BV Thanh Nhàn chỉ có 50 giường mà có tới 163 bệnh nhân… Bên cạnh đó, tại tuyến y tế cơ sở, nhất là trạm y tế (TYT) nhiều nơi xuống cấp nghiêm trọng, nguồn nhân lực, vật lực đều thiếu và yếu. Vậy người bệnh có thể trông chờ gì vào nơi là địa chỉ khám, chữa bệnh ban đầu này?
Mặc dù huyện Quốc Oai (Hà Nội) hiện có 1 BV đa khoa, 1 trung tâm y tế (TTYT), 21 TYT, 23 phòng khám đa khoa, chuyên khoa nhưng vẫn chưa đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân địa phương. Nguyên nhân là tại huyện có khoảng 10 TYT xã đang rơi vào cảnh xuống cấp nghiêm trọng, không bảo đảm hoạt động cũng như chất lượng khám, chữa bệnh tại địa phương. Thậm chí, có TYT chưa có bác sĩ, có trạm lại thiếu nhân lực y học cổ truyền. Đơn cử, tại TYT xã Cấn Hữu (huyện Quốc Oai), tường nhà rạn nứt, những ngày mưa to, bệnh nhân phải khốn khổ di chuyển từ phòng nọ sang phòng kia để tránh nước tràn vào. Còn TYT xã Tân Phú có 3 khu nhà thì nay chỉ còn 2 khu sử dụng được nhưng trần nhà đã bị dột. Tại TYT này, các trang thiết bị cần thiết như: Máy điện tim, máy khám chuyên khoa tai mũi họng… đều không có. BV Đa khoa Quốc Oai, nơi đón tiếp hơn 120.000 lượt bệnh nhân/năm lại khốn khổ khi vẫn phải sử dụng nguồn nước giếng khoan mà chưa biết đến bao giờ được cấp nước sạch. Còn đối với TTYT huyện, thiếu nhân lực vẫn là câu chuyện muôn thuở. "Hai lần chúng tôi tuyển được bác sĩ nhưng cả hai bác sĩ đều "khăn gói ra đi". Năm nay, tuyển được một dược sĩ trình độ đại học nhưng chưa biết lúc nào họ sẽ ra đi…" - lãnh đạo TTYT huyện cho biết.
Tình trạng y tế cơ sở tại huyện Phúc Thọ cũng xảy ra tương tự. Theo ông Trần Mạnh Hải - Phó Chủ tịch UBND huyện Phúc Thọ, mặc dù huyện đã có cơ chế chính sách thu hút cán bộ có trình độ đại học về huyện công tác nhưng đến nay chất lượng, năng lực cán bộ còn nhiều hạn chế, thiếu đội ngũ thầy thuốc có trình độ chuyên môn sâu, nhất là bác sĩ, dược sĩ đại học và sau đại học. Mặt khác, cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế cũng chưa được như ý, một số TYT xuống cấp nghiêm trọng nên khó khăn trong việc phấn đấu đạt tiêu chí quốc gia về y tế xã.
Dù nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân rất lớn nhưng đa phần họ không lựa chọn tuyến y tế cơ sở để điều trị. Thậm chí, ngay cả cán bộ địa phương cũng nhìn nhận, với những TYT chỉ hữu ích, thiết thực để tổ chức những buổi tuyên truyền về công tác DS-KHHGĐ. Có thể khẳng định, tình trạng quá tải BV sẽ ngày càng trầm trọng và căn nguyên quan trọng là "lỗ hổng" trình độ chuyên môn, điều kiện cơ sở vật chất ở hệ thống y tế tuyến dưới vẫn chưa thể lấp đầy.