Bất lực trước hàng nhái, hàng giả?
Kinh tế - Ngày đăng : 06:36, 08/04/2014
Số liệu trên cho thấy, hoạt động buôn lậu tiếp tục diễn biến phức tạp mặc dù lực lượng QLTT đã có nhiều nỗ lực trong đấu tranh ngăn chặn nạn hàng giả và các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Tuy nhiên, việc ngăn chặn hàng giả chủ yếu ở khâu lưu thông, trong khi công tác đấu tranh, xử lý tận gốc từ khâu sản xuất còn hạn chế.
Các cơ quan chức năng của thành phố kiểm tra, thu giữ hàng nhập lậu. Ảnh: Minh Quân |
Xuất hiện với quy mô ngày càng lớn
Theo đánh giá của Chi cục QLTT Hà Nội, vấn nạn hàng giả, hàng nhái đang xuất hiện với quy mô ngày càng lớn, trong đó có một số lượng đáng kể được sản xuất ở nước ngoài đưa vào Việt Nam. Phổ biến nhất là tình trạng làm giả các nhãn hiệu nổi tiếng thế giới như: Lacoste, Adidas, Nike; túi xách Gucci, Chanel; kính mắt Rayban; hóa mỹ phẩm Debon; thiết bị vệ sinh Toto, Inax… Phần lớn các mặt hàng này đều được sản xuất từ Trung Quốc và vận chuyển vào Việt Nam bằng đường bộ. Ngay trong tháng đầu của năm 2014, Đội QLTT số 30 phối hợp với Đội 8-Phòng PC46 (Công an TP Hà Nội) kiểm tra 2 xe ô tô mang BKS 12C-017.51 và 12C-005.60. Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện trên 2 xe có vận chuyển 76.083 sản phẩm các loại gồm: Quần áo, mỹ phẩm, giày dép, kính mắt, ví, tụ điện, đồ chơi, thảm nền, lưỡi cưa… Trị giá hàng hóa ước tính hơn 1 tỷ đồng. Đáng nói là, sau khi lực lượng chức năng tiến hành mở niêm phong và kiểm tra chi tiết hàng hóa, đã phát hiện trong bao hàng áo khoác trên xe ô tô BKS 12C-017.51 có giấu 20 gói nilon bên trong chứa các viên màu trắng nghi là ma túy tổng hợp với trọng lượng 9,8kg. Đội đã bàn giao toàn bộ hồ sơ, tang vật, phương tiện cho cơ quan công an xử lý. Tương tự, Đội QLTT số 1 kiểm tra số nhà 69 ngõ 1, Khâm Thiên, quận Đống Đa, đã phát hiện 25 thùng carton bên trong có chứa 411 chai rượu do nước ngoài sản xuất, chủ yếu là rượu Chivas Royal Salute 21, Banllantines 17, Chivas Regal 18, không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp. Trị giá hàng hóa ước tính hơn 600 triệu đồng. Đội đã đề xuất chi cục ra quyết định phạt hành chính số tiền 50 triệu đồng và tịch thu xử lý toàn bộ số rượu nói trên.
Để tránh sự kiểm soát gắt gao của lực lượng QLTT, các đối tượng thường xuyên thay đổi phương thức hoạt động. Việc sản xuất, vận chuyển hàng giả ngày càng tinh vi, các hoạt động vi phạm có sự phân công chặt chẽ, hình thành các đầu mối chuyên cung cấp nguyên vật liệu, linh phụ kiện, đầu mối chuyên sản xuất các loại bao bì, tem, nhãn giả. Hàng giả được sản xuất dưới dạng gia công sản phẩm chưa hoàn chỉnh, sau đó đặt gia công ở một nơi khác để lắp ráp, đóng gói. Đáng chú ý, các đối tượng ngày càng manh động, sẵn sàng chống trả quyết liệt khi bị lực lượng chức năng kiểm tra, bắt giữ hàng hóa. Trước thực trạng đó, chi cục đã chỉ đạo và phân trách nhiệm cụ thể cho các đội QLTT, duy trì ứng trực 24/24 giờ kể cả các ngày thứ bảy, chủ nhật phân công lực lượng kiểm tra, kiểm soát tại các trọng điểm chuyên vận chuyển, tập kết hàng lậu, các tuyến đường, cửa ngõ giao thông vào thành phố. Chi cục cũng yêu cầu các đội tăng cường kiểm tra, kiểm soát hàng giả, hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp. Lực lượng QLTT Hà Nội đã phối hợp với các lực lượng chức năng như công an, hải quan, y tế… khám phá được một số vụ buôn lậu có giá trị lớn, thu giữ nhiều hàng hóa có giá trị cao, đánh trúng đối tượng buôn lậu, kinh doanh hàng giả và hàng hóa vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm.
Khắc phục "lỗ hổng" quản lý
Tuy đạt những kết quả quan trọng, nhưng công tác đấu tranh chống hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ vẫn chưa được như mong muốn. Việc đấu tranh ngăn chặn hàng giả chủ yếu diễn ra ở khâu lưu thông, trong khi việc xử lý tận gốc từ khâu sản xuất còn hạn chế. Lý giải về nạn hàng giả, đại diện Chi cục QLTT Hà Nội cho biết, do siêu lợi nhuận nên một bộ phận nhà sản xuất, kinh doanh đã bất chấp các quy định của pháp luật để sản xuất, kinh doanh hàng giả với công nghệ ngày càng tinh vi, rất khó phân biệt. Thực tế, việc phát hiện không khó, nhưng để khẳng định đó là hàng giả trước khi xử lý lại không đơn giản. Theo quy định, chi phí giám định nhiều mặt hàng rất cao, khi đưa hàng đi giám định, lực lượng thực thi phải tạm ứng kinh phí giám định, nếu đúng là hàng giả thì sẽ tiêu hủy và đương sự vi phạm phải nộp phí giám định. Tuy nhiên đến nay hầu như không có đương sự nào chấp hành nộp phí giám định. Việc giám định hàng giả có sự tham gia của nhiều tổ chức, trong khi trình độ chuyên môn, máy móc, kỹ thuật còn hạn chế đã ảnh hưởng không nhỏ đến thời hiệu xử lý vụ việc. Một trong những khó khăn lớn nhất là lực lượng kiểm tra, kiểm soát quá mỏng. Ở nhiều nơi, đội QLTT chỉ có 2-4 biên chế nhưng phải phụ trách địa bàn cả một huyện, thậm chí 2-3 huyện. Bên cạnh đó, kinh phí hoạt động ít, nhất là kinh phí dành cho việc tiêu hủy hàng giả, hàng kém chất lượng. Năng lực và trình độ chuyên môn nghiệp vụ của lực lượng kiểm tra, kiểm soát ở một số đơn vị, địa phương còn hạn chế chưa đồng đều. Công tác dự báo còn bị động, khiến việc phát hiện xử lý các đường dây, ổ nhóm có quy mô lớn chưa triệt để. Ngoài ra, mức phạt hành chính, chế tài còn quá nhẹ, chưa đủ sức răn đe.
Để giảm thiểu tiến tới ngăn chặn triệt để nạn sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, các cơ quan chức năng cần có biện pháp khắc phục triệt để "lỗ hổng" trong khâu quản lý, giám sát, đặc biệt là cần xây dựng chế tài mạnh, xử lý tận gốc các hành vi sản xuất, buôn bán, vận chuyển hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng.