Mùa mưa 2014: Lại “sống chung” với úng ngập
Đời sống - Ngày đăng : 06:18, 08/04/2014
Dự báo về kế hoạch thoát nước mùa mưa 2014, Công ty TNHH một thành viên Thoát nước Hà Nội (TNHN) cho biết, với cường độ mưa lớn 50mm trở lên diễn ra dồn dập trong thời gian ngắn, Hà Nội có thể có hơn 20 điểm úng ngập cục bộ.
Úng ngập vẫn là vấn nạn đô thị ở Hà Nội. Ảnh: Đàm Duy |
Giảm khu vực này phát sinh khu vực khác
Theo ông Lê Vũ Quang Xương - Trưởng phòng Kế hoạch (Công ty TNHN), với việc hoàn thành đầu tư một số hạng mục cống thoát nước, năm 2014 Hà Nội có thể giảm 10 điểm úng ngập cục bộ mỗi khi có mưa lớn như khu vực đường Nguyễn Xiển, Lê Trọng Tấn, Trương Định, Lĩnh Nam, Nguyễn Lương Bằng, nút Hàng Chuối - Phạm Đình Hổ, Tông Đản - Lê Lai hay trọng điểm như Nguyễn Tri Phương - Điện Biên Phủ… Tuy nhiên, trên địa bàn thành phố lại có nguy cơ phát sinh nhiều điểm úng ngập khác do quá trình đô thị hóa, hoặc do nhiều công trình hạ tầng kỹ thuật đang trong giai đoạn xây dựng dang dở như khu vực đường Phạm Văn Đồng, đường 70, lưu vực sông Nhuệ, khu vực Tây Hồ Tây, chân cầu Vĩnh Tuy, phố Vĩnh Hưng… "Tình trạng tiêu thoát nước mưa khu vực đô thị phụ thuộc vào mặt kỹ thuật, tức là phải có hệ thống thoát nước, hồ điều hòa, kênh, mương dẫn nước… Với những dự án đã đầu tư, năng lực thoát nước hiện nay bảo đảm thoát nước nhanh với trận mưa cường độ 310mm/2 ngày tại khu vực đã được cải tạo theo Dự án thoát nước Hà Nội giai đoạn 2 và giảm thiểu úng ngập ở những khu vực khác" - ông Lê Vũ Quang Xương nói.
Hiểu theo cách giải thích của Công ty TNHN, nếu có mưa cường độ lớn, dồn dập, Hà Nội không thể tránh khỏi ngập úng, thậm chí ngập diện rộng, vấn đề là thời gian tiêu nước nhanh hay chậm. Mùa mưa năm ngoài, ngay cả khu vực ít ngập nhất như quanh Hồ Gươm, phố cổ, khi xảy ra mưa lớn dồn dập, nước Hồ Gươm tràn bờ vào các phố Đinh Tiên Hoàng, Lê Thái Tổ. Gần như các tuyến phố ở Hà Nội đều ngập, còn những "trọng điểm" như Nguyễn Khuyến, Lý Thường Kiệt - Phan Bội Châu, Điện Biên Phủ - Nguyễn Tri Phương… thì ngập sâu. Mưa dứt, hầu hết các tuyến phố nước rút nhanh nhưng lưu vực sông Nhuệ bị "nhấn chìm" do là nơi nhận nước của cả thành phố. Có lẽ, "kịch bản" tương tự cũng xảy ra vào mùa mưa năm nay?
Câu hỏi đặt ra là làm thế nào để hạn chế điểm úng ngập cục bộ và tiêu thoát nước nhanh sau mưa? Ông Lê Vũ Quang Xương cho biết, từ ngày 15-4, công ty bắt đầu vận hành theo quy trình trực mùa mưa tại các nguồn tiêu như đập Thanh Liệt (ra sông Nhuệ), cụm công trình đầu mối Yên Sở và các trạm bơm cục bộ, cũng như các hồ điều hòa nội thành. Trước mưa, mực nước hồ điều hòa, kênh mương tiêu sẽ được rút xuống thấp nhất để tiếp nhận nước về khi có mưa lớn. Năm nay, công ty lắp đặt trạm bơm chìm tự động tại ngã tư Phan Bội Châu - Lý Thường Kiệt, Tông Đản - Lê Lai (giải pháp này đã phát huy hiệu quả trong mùa mưa 2013 tại trọng điểm Nguyễn Khuyến, với thời gian ngập rút từ 2,5 giờ xuống 30-45 phút). Ngoài ra, công ty sẽ triển khai xe bơm di động, trạm bơm di động công suất 1.800m3/giờ tại các điểm ngập cục bộ.
Nhiều hạng mục "giậm chân tại chỗ"
Năng lực thoát nước mưa phụ thuộc hạ tầng kỹ thuật. Sau dự án nâng cao năng lực thoát nước, cải thiện môi trường giai đoạn 1, Hà Nội tiếp tục được phía Nhật Bản hỗ trợ vốn triển khai giai đoạn 2. Tuy nhiên, quá trình triển khai dự án gặp rất nhiều trở ngại, đặc biệt là giải phóng mặt bằng. Nhiều hạng mục, nhà thầu thi công theo kiểu "xôi đỗ", nhận mặt bằng ở đâu thực hiện ở đó. Theo báo cáo mới nhất, đối với những hạng mục do các quận làm chủ đầu tư, địa bàn Tây Hồ còn 104 phương án chưa phê duyệt liên quan đến cải tạo tuyến mương Thụy Khuê (đoạn từ cửa xả Hồ Tây đến chợ Bưởi). Địa bàn quận Cầu Giấy, còn 30 hộ phường Nghĩa Đô liên quan đến đoạn mương Thụy Khuê (đoạn từ Hoàng Quốc Việt đến Lạc Long Quân). Địa bàn quận Đống Đa, hạng mục đường công vụ hai bên sông Lừ đoạn từ Hồ Đắc Di đến cầu Trường Chinh, năm 2013 đã phê duyệt 332/377 phương án nhưng hầu hết hộ dân chưa nhận tiền, bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công. Cũng hạng mục này, địa bàn quận Thanh Xuân còn 73/450 phương án. Với các địa phương khác, mặc dù còn vài hộ nhưng lại là "nút thắt", nếu không gỡ sẽ ảnh hưởng đến toàn dự án. Điển hình như quận Hoàng Mai, hạng mục đường công vụ sông Tô Lịch, Lừ, Sét và hạ lưu sông Kim Ngưu còn 9 hộ; Hai Bà Trưng 7 hộ; huyện Thanh Trì còn vướng 200m bờ trái sông Tô Lịch chưa thi công được do 8 hộ có đơn khiếu nại và 4/8 hộ chưa nhận tiền đền bù.
Các hạng mục dự án do Ban Quản lý dự án thoát nước (Sở Xây dựng) triển khai cũng gặp tình trạng tương tự, cụ thể: Hạng mục cải tạo 12 hồ (Linh Đàm, Định Công, Hào Nam, Hố Mẻ, Đống Đa, Bảy Mẫu, Tân Mai, Phương Liệt…), 31,7km kênh mương, trạm xử lý nước thải, bãi đổ bùn đến nay vẫn tồn tại 2.571/5.585 phương án giải phóng mặt bằng. Tập trung tại quận Đống Đa 395 hộ, Thanh Xuân 232 hộ, Hoàng Mai hơn 1.600 hộ (bao gồm cả đất nông nghiệp và nhà ở)… Đây là những hạng mục không còn đường lùi bởi không chỉ nâng cao năng lực tiêu thoát nước cho Hà Nội, mà thời gian hoàn tất hiệp định giữa Việt Nam và Nhật Bản, đối tác cho vay vốn, cũng đang đến gần. Nếu tiếp tục chậm sẽ ảnh hưởng đến uy tín, hình ảnh của một thành phố, một quốc gia, quyết định đến việc có tiếp tục được đối tác tin cậy ở những dự án tiếp theo.
Như vậy, trong khi việc đầu tư dự án nâng cao năng lực thoát nước chưa hoàn thành, Hà Nội vẫn phải "sống chung" với úng ngập mỗi khi mưa lớn. Tuy nhiên, ngay cả khi dự án hoàn thành, có lẽ các điểm ngập mới sẽ lại xuất hiện ở những khu vực mà quá trình đô thị hóa diễn ra.
Liên quan việc thực hiện Dự án thoát nước Hà Nội giai đoạn 2, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Công Soái đã ký Văn bản số 764-CV/TU gửi các quận ủy, huyện ủy, sở, ban, ngành yêu cầu nêu rõ tồn tại, giải pháp, lộ trình thực hiện giải phóng mặt bằng. Trong đó, Sở Xây dựng chủ trì, giao ban giải quyết vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành dự án theo cam kết vào cuối năm 2015. Thường trực Thành ủy, Ban Chỉ đạo Chương trình 07 của Thành ủy sẽ kiểm tra thực tế triển khai Dự án thoát nước Hà Nội giai đoạn 2… |