Gốc của vấn đề
Góc nhìn - Ngày đăng : 05:53, 08/04/2014
Do đó, để hướng tới mục tiêu "dân giàu, nước mạnh", việc phát triển sản xuất nông nghiệp, hiện đại hóa khu vực nông thôn, cải thiện đời sống của người nông dân (chiếm hơn 70% dân số) đóng góp vai trò đặc biệt quan trọng cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Đây cũng chính là tinh thần chủ đạo của Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Thời điểm này, hàng loạt mặt hàng, sản phẩm nông nghiệp của chúng ta đã nằm trong tốp dẫn đầu của thế giới. Song có thể thấy, để xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững, sản xuất hàng hóa lớn, có năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh cao... thì vẫn còn không ít những việc cần làm để người nông dân có nguồn thu nhập phù hợp và có thể làm giàu chính đáng từ mồ hôi công sức của mình. Đặc biệt trong đó là việc gấp rút triển khai các giải pháp nhằm thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp và khu vực nông thôn. Nghị định 61-2010/NĐ-CP của Chính phủ ban hành là nhằm giải quyết những bất cập đang tồn tại dẫn đến việc các doanh nghiệp còn thờ ơ với những chính sách ưu đãi hiện có, hoặc chưa thể yên tâm đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn khi còn có quá nhiều những rủi ro có thể xảy ra. Tuy nhiên qua 2 năm thực hiện, nghị định trên chưa thực sự thể hiện được vai trò như kỳ vọng. Vì vậy, bên cạnh việc giữ lại những ưu điểm của Nghị định 61, Nghị định 210/2013/NĐ-CP đã bổ sung nhiều điểm mới như quy rõ trách nhiệm của các cơ quan thực hiện; quy trình nhận hỗ trợ, điều kiện nhận ưu đãi hỗ trợ; có văn bản cam kết hỗ trợ khi doanh nghiệp hoàn thành đầu tư; có hỗ trợ trực tiếp từ ngân sách cho các địa phương còn khó khăn để xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu…
Để triển khai hiệu quả việc khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, hiện Bộ KH-ĐT đang lấy ý kiến cho dự thảo Thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định 210/2013/NĐ-CP. Trong dự thảo đã có những hướng dẫn cụ thể về ưu đãi, hỗ trợ mà doanh nghiệp sẽ được nhận trong từng lĩnh vực như chăn nuôi gia súc, gia cầm; nuôi trồng hải sản; chế biến nông, lâm, thủy sản; đào tạo lao động; nghiên cứu, thử nghiệm khoa học công nghệ... Đây là những giải pháp được cho là cơ sở để thu hút doanh nghiệp đầu tư, góp phần tăng nguồn lực nhằm đổi mới hình thức tổ chức sản xuất và liên kết giữa các thành phần kinh tế ở nông thôn, thúc đẩy công nghệ sản xuất và chế biến, phát triển thị trường tiêu thụ…
Những sự bổ sung và đổi mới được đưa ra trong dự thảo Thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định 210/2013/NĐ-CP là cần thiết. Tuy nhiên, với hoạt động của các doanh nghiệp, yếu tố hàng đầu cho việc đưa ra các quyết định đầu tư là lợi nhuận chứ không phải là để nhận tiền hỗ trợ từ ngân sách. Để Nghị định 210/2013/NĐ-CP phát huy hiệu quả, vấn đề cốt lõi là phải dỡ bỏ được những "rào cản" hiện nay như sự manh mún về tổ chức sản xuất; những rủi ro về thiên tai, dịch bệnh chưa có biện pháp khắc phục; giá cả thị trường, hiệu lực quản lý chất lượng nông sản và an toàn vệ sinh thực phẩm thấp; vùng nguyên liệu không ổn định; mối liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân thiếu sự bảo đảm của cơ sở pháp lý…
Ấy mới chính là cái gốc của vấn đề để tạo một môi trường đầu tư cạnh tranh, lành mạnh và để các doanh nghiệp yên tâm làm ăn khi bỏ đồng vốn vào các hoạt động kinh doanh, sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.