Giáo sư gốc Việt đánh giá về sinh viên trong nước

Giáo dục - Ngày đăng : 08:58, 07/04/2014

Nhà phát minh nổi tiếng người Úc gốc Việt, GS Nguyễn Hùng - người từng được đề cử


GS Nguyễn Hùng được biết đến với rất nhiều phát minh hữu ích trong đời sống như máy thiết bị đo tiểu đường mà không cần lấy máu, thiết bị tim nhân tạo kéo dài thời gian sống thêm 7 năm cho người bệnh, thiết bị phát hiện bệnh ung thư vú sớm…

Đặc biệt, sáng chế Chiếc xe lăn thông minh có thể điều kiển bằng sự chuyển động của đầu và sóng não con người của ông được xem là một trong những phát minh hàng đầu ở Australia. Ông đã dành thời gian 20 năm để hoàn thiện phát minh giá trị này.

Giáo sư người Úc gốc Việt Nguyễn Hùng bên sáng chế Chiếc xe lăn thông minh điều khiển bằng não con người. (Ảnh nhân vật cung cấp)




Là Chủ nhiệm khoa Kỹ thuật và Công nghệ Thông tin, Đại học Công nghệ Sydney (UTS), GS Nguyễn Hùng cơ hội tiếp xúc với nhiều với học sinh, sinh viên (SV) Việt Nam sang du học ở Úc. Theo ông, các bạn trẻ Việt Nam có nhiều điểm mạnh như chịu khó, chăm chỉ và nổi bật nhất là các bạn rất giỏi về các môn khoa học cơ bản Toán, Lý, Hóa. Các bài kiểm tra kiến thức liên quan đến các môn khoa học này, SV Việt đều hoàn thành xuất sắc.

Tuy vậy, không khó để người thầy gốc Việt nhận thấy những hạn chế của SV Việt. Kiến thức khoa học vững nhưng lý thuyết nhưng nếu thiếu thực hành, người học khó trở thành những kỹ sư có tay nghề vững vàng để tạo nên nguồn nhân lực chất lượng.

Ngoài ra, các SV Việt Nam kém tiếng Anh nên mất nhiều thời gian để hòa nhập cuộc sống khi đi du học lẫn cơ hội học hỏi. Việc giao lưu, tìm hiểu văn hóa của các nước hay mở rộng các mối quan hệ của họ cũng vì thế mà trở nên khó khăn hơn.

Ở nước ngoài, việc SV “gõ cửa” phòng giáo sư để giao lưu, học tập, trao đổi là chuyện rất bình thường. Với SV Việt, GS Nguyễn Hùng thấy các bạn khá kín tiếng, ngại ngần và chưa thật sự chủ động.

“Các bạn chưa có thói quen giao tiếp, chủ động mà khi được khích lệ, họ rất mạnh dạn. Giáo dục Việt Nam rất mạnh về các môn khoa học Toán, Lý, Hóa và nên chú trọng thêm nhiều lĩnh vực gắn liền đời sống xã hội cũng như chú ý đến việc khích lệ, giao tiếp cho người học”, GS Nguyễn Hùng nêu ý kiến.

Trong quá trình tìm hiểu của mình, ông nhận thấy nhiều doanh nghiệp Việt Nam đang rất lo lắng về tình trạng thiếu hụt lao động có tay nghề cao, khả năng Anh ngữ thành thạo và kinh nghiệm quản lý là hoàn toàn có cơ sở.

Trước thực tế, Việt Nam có nhiều giáo sư, tiến sĩ nhưng lại rất ít phát minh, sáng chế, theo GS Nguyễn Hùng, người Việt Nam rất giỏi nhưng thiếu cơ hội, điều kiện về tài chính lẫn môi trường cho những nghiên cứu, phát minh. Hay có thể hiểu là chưa có văn hóa phát minh cũng như tiếp thu các sáng chế mới và thiếu đi những ràng buộc, yêu cầu chặt chẽ đối với việc nghiên cứu khoa học.

Ông cho biết thêm, ở Úc, tùy từng vị trí, công việc nhưng trung bình giáo sư, tiến sĩ phải dành đến 40% thời gian làm việc cho nghiên cứu, sáng chế, tương đương với thời gian giảng dạy trên lớp.

Theo Hoài Nam