Hợp tác đào tạo giữa doanh nghiệp - nhà trường: Phải xem là chuyện “sống còn”
Giáo dục - Ngày đăng : 06:15, 07/04/2014
Nghịch lý cung - cầu nhân lực
Việc các nhà tuyển dụng vẫn khát nhân lực trong khi số cử nhân thất nghiệp được thống kê năm 2013 lên tới 72.000 người, hay thậm chí là 100.000 người vào năm trước đó như báo chí đã nêu, là nghịch lý tồn tại đã nhiều năm. Nguyên nhân trực tiếp được nhắc tới nhiều nhất vẫn là: Công tác dự báo nhu cầu nguồn nhân lực và định hướng tuyển sinh chưa đạt hiệu quả: Sinh viên ra trường không đáp ứng được đòi hỏi của doanh nghiệp.
Giờ học điều khiển điện, điện tử tại Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội. Ảnh: Phương An |
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận từng thừa nhận trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tình trạng nhiều sinh viên tốt nghiệp không tìm được việc làm hoặc phải chấp nhận làm những việc trái với chuyên ngành đào tạo. Theo Bộ trưởng, từ khi tiến hành đổi mới, Nhà nước không còn phân công công tác cho các sinh viên tốt nghiệp ra trường, dẫn đến quy mô, cơ cấu đào tạo của các trường ĐH, CĐ không ăn khớp với nhu cầu của thị trường lao động. Hệ thống quản lý lao động và việc làm ở cấp trung ương không cung cấp thông tin dự báo nguồn nhân lực theo trình độ và ngành đào tạo trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn, không đưa ra các cảnh báo kịp thời cho các nhà trường và xã hội.
Trong khi đó, trên thực tế, các kênh dự báo chính thức về nhu cầu nhân lực khó có thể nói là con số không. Sau khi có Ban chỉ đạo quốc gia về quy hoạch phát triển nhân lực và đào tạo theo nhu cầu xã hội, nhiều cơ quan và địa phương đã thành lập các đơn vị chuyên về công tác này. Bộ GD-ĐT có Trung tâm Hỗ trợ đào tạo và cung ứng nhân lực, Bộ Kế hoạch và Đầu tư thành lập Trung tâm Thông tin và dự báo kinh tế xã hội quốc gia, Bộ LĐ,TB&XH thì có Trung tâm quốc gia về dịch vụ việc làm. Viện Khoa học giáo dục thuộc Bộ GD&ĐT có Trung tâm Phân tích và dự báo nhu cầu đào tạo. TP Hồ Chí Minh cũng đã đưa vào hoạt động Trung tâm Thông tin và dự báo thị trường lao động...
Khi hiệu quả hoạt động của các kênh nói trên chưa được nhìn thấy rõ nét thì nhiều nguyên nhân khác đã được đưa ra để giải thích cho nghịch lý "thiếu, thừa" nguồn nhân lực. Vẫn theo Bộ trưởng Phạm Vũ Luận, các cơ sở giáo dục ĐH thì mới tập trung đào tạo những ngành trường có khả năng, chưa đào tạo những ngành xã hội cần. Bên cạnh đó, việc giao chỉ tiêu tuyển sinh chủ yếu căn cứ vào năng lực đào tạo của cơ sở giáo dục ĐH mà chưa tính đến nhu cầu sử dụng nhân lực của xã hội.
Liên quan tới mùa tuyển sinh sắp tới, trao đổi với báo chí, ông Phạm Văn Sơn, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ đào tạo và cung ứng nhân lực, Bộ GD&ĐT cho biết: Trong 5 năm tới, nhu cầu nhân lực các ngành kỹ thuật công nghệ sẽ tăng lên, nhất là nhân lực kỹ thuật cho các khu kinh tế trọng điểm và các khu công nghiệp, các vùng mà Nhà nước đang đẩy mạnh đầu tư phát triển kinh tế. Để hiểu biết sâu rộng nghề nghiệp tương lai, các thí sinh nên tìm hiểu thông tin từ các nhà tư vấn nghề nghiệp, các thầy cô giáo làm công tác hướng nghiệp, tham khảo ý kiến của cha mẹ, người thân, bạn bè và các anh chị đi trước thay vì chọn nghề theo cảm tính, theo "phong trào". |
Đào tạo theo nhu cầu xã hội
Sự lệch pha giữa bên cung và bên cầu cũng là điều đã được các bên nhìn nhận khi đánh giá về chất lượng đào tạo của giáo dục ĐH trong thời gian qua. Để khắc phục tình trạng này, Bộ GD&ĐT cho biết sẽ tiến hành nhiều giải pháp tích cực. Bộ sẽ triển khai mạnh mẽ đào tạo theo nhu cầu của xã hội và tích cực triển khai các hợp đồng, thỏa thuận đào tạo, sử dụng nhân lực đã ký kết. Đặc biệt là sẽ khuyến khích mở các cơ sở giáo dục ĐH trong các doanh nghiệp lớn nhằm thực hiện có hiệu quả việc cung cấp nhân lực trực tiếp cho các doanh nghiệp, huy động tối đa sự tham gia của các doanh nghiệp vào việc xác định nhu cầu đào tạo, xây dựng chương trình và tham gia vào quá trình đào tạo.
Trên thực tế, sau một thời gian chỉ biết đứng ngoài và phàn nàn về chất lượng đào tạo của các trường, nhiều doanh nghiệp đã tiếp cận vào quá trình đào tạo. Lãnh đạo một trường ĐH kỹ thuật lớn của miền Bắc cho biết: Một vài năm gần đây, cơ sở đào tạo và đơn vị sử dụng lao động đã có sự đổi mới tư duy và gắn kết tốt hơn. Nhà trường đã "xã hội hóa" quá trình đào tạo, hợp tác và lôi cuốn được các đối tác tiềm năng trong xã hội, đặc biệt là các doanh nghiệp và nhà sản xuất, cùng tham gia vào quá trình đào tạo. Tuy nhiên, sự phối hợp này còn phụ thuộc rất nhiều vào quan điểm của lãnh đạo, chưa thành nhu cầu sống còn của cả hai bên, hoạt động hợp tác chủ yếu dựa trên quan hệ cá nhân chứ chưa được tổ chức một cách bài bản. Nhà nước cũng chưa có cơ chế, chính sách cụ thể để phát triển mối quan hệ này.
Lãnh đạo Bộ GD-ĐT cũng cho biết, Bộ đang xem xét đánh giá lại mạng lưới các trường ĐH, CĐ trong cả nước để đề xuất, kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, điều chỉnh một số chỉ tiêu, mục tiêu của Quy hoạch mạng lưới đến năm 2020 cho phù hợp với Quy hoạch phát triển nhân lực Việt Nam, định hướng quy hoạch và phát triển kinh tế - xã hội và nhu cầu nhân lực của các địa phương. Trước mắt, Bộ sẽ vẫn tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng có liên quan nghiên cứu, thông báo về những ngành nghề mà xã hội đang có nhu cầu lớn cũng như các ngành đang dư thừa nhân lực.