Kiểm dịch sản phẩm động vật: Vẫn khó truy xuất nguồn gốc
Đời sống - Ngày đăng : 06:14, 07/04/2014
Tuy nhiên, công tác này đang gặp nhiều khó khăn do ý thức của người kinh doanh chưa cao, vì lợi nhuận họ vẫn buôn bán sản phẩm động vật không bảo đảm chất lượng. Công tác quản lý vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm ở các chợ, siêu thị, nhà hàng cũng chưa đồng đều…
Tỷ lệ gia súc, gia cầm vận chuyển vào thành phố có giấy chứng nhận kiểm dịch còn thấp. Ảnh: Việt Hương |
Theo Chi cục Thú y Hà Nội, trung bình mỗi ngày Hà Nội tiêu thụ 800-900 tấn thịt gia súc, gia cầm, trong đó sản xuất tại chỗ chỉ đáp ứng 70-75% nhu cầu, phần còn lại do các địa phương khác cung cấp. Hằng ngày, lượng gia súc, gia cầm vận chuyển vào thành phố rất lớn. Vì vậy, công tác kiểm tra, kiểm dịch sản phẩm động vật hết sức quan trọng. Ông Đỗ Phú Sơn - Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Thú y Hà Nội, cho biết, công tác kiểm dịch sản phẩm động vật vẫn còn nhiều khó khăn như: Việc cấp giấy chứng nhận kiểm dịch động vật của một số trạm còn sai sót, chưa đúng quy định; công tác quản lý kiểm tra, phúc kiểm giết mổ tại lò mổ, điểm giết mổ còn hạn chế. Việc thực hiện kiểm tra, phúc kiểm tại các trạm kiểm dịch đầu mối giao thông chưa đạt yêu cầu. Trong công tác quản lý, cấp giấy chứng nhận kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật vận chuyển về Hà Nội, giữa Hà Nội với các tỉnh đôi khi còn một số sơ suất như viết không đầy đủ nội dung, các thông tin chưa đầy đủ gây khó khăn trong việc quản lý, truy nguyên nguồn gốc và xử lý vi phạm. Nhiều tỉnh, thành phố chưa xây dựng được các vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh động vật, cơ sở giết mổ tập trung bảo đảm an toàn thực phẩm, chủ yếu là giết mổ nhỏ lẻ nên cũng còn khó khăn trong việc thực hiện kiểm dịch, kiểm soát giết mổ. Vì vậy, tỷ lệ sản phẩm động vật vận chuyển vào Hà Nội có giấy chứng nhận kiểm dịch còn thấp...
Để từng bước tháo gỡ khó khăn, trong thời gian tới, Chi cục Thú y Hà Nội sẽ tiếp tục tăng cường công tác thanh, kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các vi phạm theo đúng quy định của pháp luật; chủ động phát hiện và xác minh, điều tra nguyên nhân, truy nguyên nguồn gốc thực phẩm không bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm tiêu thụ trên thị trường. Chi cục còn phối hợp với các ngành, UBND các quận, huyện, thị xã triển khai tốt việc kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y tại cơ sở giết mổ, tập trung bảo đảm vệ sinh thú y để mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm an toàn; kiểm tra tại các chợ kinh doanh buôn bán gia cầm tại chợ đầu mối Hà Vỹ, Bắc Thăng Long, các chốt kiểm dịch liên ngành để phát hiện những tồn tại và ngăn chặn gia cầm không có nguồn gốc xuất xứ vào đây tiêu thụ. Ngoài ra, Chi cục sẽ tập trung kiểm tra các chợ cóc, chợ tạm tại các quận nội thành để xử lý việc buôn bán giết mổ gia cầm và các sản phẩm động vật khác không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Bên cạnh đó, công tác thông tin tuyên truyền, quảng bá và giới thiệu các sản phẩm an toàn cung ứng cho Hà Nội sẽ được đẩy mạnh; phối hợp, hỗ trợ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phát triển mạng lưới tiêu thụ sản phẩm trên thị trường thành phố; xúc tiến, hợp tác các dự án đầu tư phát triển trong các lĩnh vực chăn nuôi, giết mổ, chế biến, tiêu thụ sản phẩm, phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị từ sản xuất đến sơ chế, chế biến, tiêu thụ sản phẩm để cung cấp thực phẩm cho Hà Nội và ngược lại để có thể truy xuất được nguồn gốc sản phẩm và từng bước hạn chế thực phẩm "bẩn" tràn lan trên thị trường hiện nay.