“Đánh thức” vùng chiêm trũng

Giới trẻ - Ngày đăng : 06:01, 07/04/2014

(HNM) - Với sự cần cù, chăm chỉ, sáng tạo trong cách làm ăn mới, những người nông dân vùng đồng chiêm trũng Trung Tú (Ứng Hòa) đang làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.


Nuôi cá trên ruộng lúa

Trời mưa dầm dề suốt mấy ngày nay nhưng con đường ra khu chuyển đổi thôn Thanh Hội, xã Trung Tú vẫn tấp nập người. Anh Thuật, cán bộ văn phòng xã Trung Tú đưa chúng tôi đi thăm khu Đồng Sâu ở thôn Thanh Hội, chỉ tay xuống thửa ruộng, cây lúa đã bắt đầu bén rễ xanh mướt, nói: "Người dân bắt đầu "luồn cá" đó anh ạ! Đến khi lúa chín cũng là lúc cá nuôi trên ruộng có thể đánh bắt đem bán". Biết tôi tỏ ý ngạc nhiên về mô hình "luồn cá", anh Thuật thêm lời: "Thực chất đây là mô hình đa canh, gồm lúa - cá hoặc lúa - cá - vịt. Khi lúa cứng cây, người dân sẽ thả cá, nuôi vịt trên chính những ruộng lúa này".

Mô hình chuyển đổi tại khu vực Đồng Sâu, thôn Thanh Hội, xã Trung Tú.


Anh Nguyễn Trường Long không phải là người có mô hình đa canh điển hình nhất Thanh Hội nhưng khi vào thăm thửa ruộng đã dồn đổi có diện tích 9 sào mới thấy được sự sáng tạo của nông dân nơi đồng chiêm trũng. Bờ vùng, bờ thửa được đào đắp gọn gàng. Anh Long chia sẻ kinh nghiệm: "Thuận nhất của mô hình lúa - cá là thức ăn của cá chính là bèo tấm, cỏ, các loại cây, con phù du, nên cá đã giúp cây lúa phát triển, bản thân chúng tôi đỡ phải bỏ công diệt cỏ, trừ sâu bệnh". Hay hơn là khi vụ lúa được thu hoạch, song song với việc tiếp tục nuôi cá, nông dân sẽ giữ gốc rạ, nuôi lúa chét. Anh Long cho hay, thu nhập bình quân của mô hình lúa - cá cao gấp 3 đến 4 lần cấy lúa thông thường, một sào thu về khoảng 9-10 triệu đồng/năm, chưa trừ chi phí. Vụ xuân này, anh Long cấy toàn bộ 9 sào bằng giống lúa chất lượng cao và vừa xuống giống cá với 700 trôi, 700 chép, 300 trắm và 400 mè.

Mô hình kinh tế ở thôn Thanh Hội khá đa dạng từ lúa - cá, lúa - cá - vịt đến nuôi cá, vịt và trồng cây ăn quả. Chúng tôi tìm đến mô hình cá - vịt và trồng rau an toàn của ông Văn Đình Tiến, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Sản xuất đa canh thôn Thanh Hội. Ông Tiến là một Đại tá quân đội nghỉ hưu, nhưng mang dáng dấp của một nông dân giản dị, gần gũi. Ông cho biết, "về quê nghỉ công tác giữa lúc địa phương đang dồn ruộng. Hơn 8 sào ruộng của gia đình được dồn về một thửa, vậy là tôi quyết định làm đa canh để phát triển kinh tế gia đình. Là cán bộ quân đội, công tác trong lĩnh vực thông tin nên ông Tiến được người dân trong xóm quý mến và tin cẩn giao trọng trách là người "cầm cờ" xây dựng mô hình kinh tế đa canh. Từ năm 2011 đến nay, ngoài tập trung cải tạo, phát triển mô hình nuôi cá, vịt và trồng rau trên 8 sào ruộng của gia đình, ông Tiến dành nhiều thời gian tìm hiểu thông tin, rút ra những kinh nghiệm hay nhất phổ biến đến người dân trong thôn.

Những người dân không chịu khuất phục

Vào thăm gia đình ông Chu Văn Báo vừa lúc ông Báo ở ngoài đồng về, quần vẫn xắn quá đầu gối. Vui vẻ mời khách vào căn nhà hai tầng vừa mới xây khang trang, sạch đẹp, ông Báo "khoe": "Bức hoành phi, câu đối, sập gụ, tủ chè, tivi... tất cả đều từ nuôi cá, chăn vịt đấy nhà báo ạ!". Một gia đình nông dân, quanh năm gắn bó với con cá, con vịt, cây lúa nhưng nhìn vào cơ ngơi thì ai cũng phải thầm cảm phục bản lĩnh con người rất đỗi giản dị này. Ông Báo cho biết, cách đây 10 năm, kinh tế gia đình rất khó khăn, 6 con người trong gia đình chỉ trông chờ vào mấy sào ruộng mỗi năm trồng hai vụ lúa bấp bênh. Giữa lúc bế tắc đến đỉnh điểm, xã tiến hành dồn ruộng, ông Báo đã mạnh dạn nhận vùng đất trũng ở xa, xấu nhất với hệ số 1 sào "đổi" 1,1 sào. Có trong tay 1,4 mẫu đất trũng phèn chua, ông Báo đã phải vay mượn đầu tư cải tạo đất và nuôi cá, chăn vịt. "Năm đầu, năm thứ hai thua lỗ, năm thứ ba hòa vốn, từ năm thứ tư bắt đầu sinh lãi. Niềm tin thành hiện thực, tôi tin chắc sẽ thành công" - ông Báo nói.

Giờ đây, mô hình kinh tế đa canh của ông Chu Văn Báo là một trong những điển hình kinh tế ở xã Trung Tú và huyện Ứng Hòa trong việc cải tạo đất trũng phèn chua mang lại thu nhập khá. Ông Báo cho biết, hằng năm tiền lời dao động khoảng trên dưới 300 triệu đồng. Từ lợi nhuận có được con trai trưởng của ông Báo, anh Chu Văn Vụ (29 tuổi) đã mua xe ô tô tải để phụ giúp bố chuyên chở nông sản đi bán ở thị trường Hà Nội.

Chủ nhiệm Câu lạc bộ Sản xuất đa canh Văn Đình Tiến, cho biết, với gần 100 thành viên, diện tích làm đa canh khoảng 42ha nhưng an ninh trật tự ở khu vực chuyển đổi thôn Thanh Hội luôn được bảo đảm, dù mỗi ngày đêm họ chỉ phân công từ 2 đến 4 gia đình "ngủ đêm canh gác". Công tác vệ sinh môi trường ngoài cánh đồng cũng được các gia đình đề cao và rất chú trọng. Dù có hàng chục nghìn con gia cầm đang được nuôi, nhưng theo quan sát của chúng tôi khi đi tham quan ở khu Đồng Sâu, thôn Thanh Hội hoàn toàn không thấy hiện tượng vứt rác bừa bãi, mọi người dân đều ý thức rất cao vấn đề bảo vệ môi trường. Chủ tịch UBND xã Trung Tú Vương Đăng Vượng cho biết, xã Trung Tú có 642ha đất nông nghiệp, qua 3 đợt dồn ruộng (năm 1997, 2004 và 2012), giờ mỗi hộ chỉ còn 1-2 thửa. Mô hình đa canh lúa - cá, lúa - cá - vịt, cá - vịt có diện tích khoảng hơn 200ha, phát triển ở các thôn Cao Xá, Tự Chung và Thanh Hội. Tới đây, xã Trung Tú tiếp tục mở rộng thêm 80ha, đưa tổng diện tích phát triển đa canh chiếm gần 50% diện tích đất nông nghiệp. Chia vui với chúng tôi, Chủ tịch Vượng phấn khởi: Thu nhập bình quân một hécta đất nông nghiệp sản xuất đa canh ở thời điểm hiện nay ước đạt 200-230 triệu đồng/ năm. Hiện nay, xã Trung Tú cũng được thành phố đầu tư dự án xây dựng cơ sở hạ tầng khu nuôi trồng thủy sản, gói thầu đầu tiên có tổng trị giá 70 tỷ đồng, được xây dựng từ tháng 6-2013 và đang đẩy nhanh tiến độ. Niềm vui nối tiếp niềm vui, tin rằng trong một thời gian không xa nữa xã vùng trũng Trung Tú sẽ cán đích xây dựng nông thôn mới. Đánh giá những mô hình mới, cách làm hiệu quả của Trung Tú, Bí thư Huyện ủy Ứng Hòa Nguyễn Văn Xuyên khẳng định: Đây là hướng đi đúng trở thành phương thức canh tác rộng rãi để áp dụng cho các xã vùng trũng Ứng Hòa. Kết quả này mở ra triển vọng mới cho vùng trũng giải quyết được hai tiêu chí khó nhất trong xây dựng nông thôn mới đó là chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi đa canh và tăng thu nhập cho người dân.

Tú Thanh - Chí Kiên