Hai tiêu chí: Thiết thực, tiết kiệm
Góc nhìn - Ngày đăng : 05:52, 07/04/2014
Thứ nhất, đó là việc các công ty lữ hành và các hãng hàng không đem tới cho khách tham quan hàng nghìn "suất" du lịch giá rẻ, chào bán rất nhiều tour mà điểm đến có cả trong và ngoài nước thay vì "giới thiệu suông". Kết quả là ngay trong vài ngày ngắn ngủi tổ chức hội chợ, hàng trăm khách hàng đã đặt tour hay mua được vé máy bay nội địa giá rẻ, mức ưu đãi có khi xứng đáng gọi là "siêu rẻ". Thứ hai, cũng trong khuôn khổ hội chợ, vào ngày 5-4, Hiệp hội Du lịch TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và tỉnh Thừa Thiên Huế đã ký được biên bản thỏa thuận hợp tác nhằm tăng cường sự liên kết, đẩy mạnh quan hệ hỗ trợ phát triển, kích cầu du lịch ba miền Bắc - Trung - Nam. Các địa phương này cam kết cùng nhau đẩy mạnh việc hợp tác quảng bá, xúc tiến du lịch vùng miền, phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng và quan trọng nhất là thực hiện vai trò cầu nối nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp hợp tác kinh doanh, mở rộng thị trường ở cả trong và ngoài nước.
Hai điều nói trên, thoạt nhìn tưởng bình thường vì ở hội chợ quy mô lớn nào mà chả có giới thiệu sản phẩm, hội thảo, ký kết văn bản nọ kia. Nhưng, trong bối cảnh du lịch chịu ảnh hưởng nhất định từ sự sa sút về kinh tế, chính sách về kích cầu, xúc tiến, quảng bá du lịch tuy thể hiện rõ sự đúng đắn nhưng việc thực hiện trong thực tế lâu nay chưa đem lại hiệu quả cần thiết, những việc nói trên cho thấy tác dụng thiết thực. Thứ nhất, sản phẩm tốt - rẻ tới tay người tiêu dùng một cách trực tiếp, hiệu quả nhân đôi thay vì giảm đi một nửa như khi qua tay "cò", những kẻ trục lợi. Thứ hai, từ lâu, Nhà nước đã khuyến khích liên kết vùng để phát triển du lịch - giải pháp vừa giúp phát huy thế mạnh của từng địa phương trong hệ chương trình tổng thể, vừa có tác dụng "dìu dắt" những nơi có điều kiện hạn chế. Trong thực tế, dù có Tổng cục Du lịch đứng ra làm "trọng tài", giải pháp nói trên chưa được thực hiện một cách hiệu quả. Lý do có nhiều, thường thấy là tỉnh, thành phố giàu tài nguyên du lịch chưa thực sự chủ động dang tay với những nơi còn khó khăn, hoạt động kết nối hợp tác giữa các địa phương gần gũi về mặt địa lý chưa cho ra kết quả bền vững. Bởi vậy, văn bản thỏa thuận ở hội chợ nói trên là một tín hiệu tốt dù hiệu quả triển khai thực hiện thì còn phải chờ. Nói thế còn là bởi trong nhiều năm gần đây, dù các trung tâm xúc tiến du lịch ở các tỉnh, thành phố trong cả nước rất chăm chỉ thực hiện những chuyến "du lịch khảo sát", "bàn bạc lia lịa", nhưng kết quả là rất ít ỏi.
Hội chợ Du lịch Việt Nam - VITM Hanoi 2014 có tính thiết thực, mà được thế thì có bỏ tiền tổ chức cũng không sợ mang tiếng lãng phí. Hội chợ diễn ra vào thời điểm mùa du lịch hè 2014 đang đến, khơi gợi ý nghĩ về cách thức tổ chức hoạt động mở màn mùa du lịch ở các tỉnh, thành phố. Nhiều năm trở lại đây, cứ cuối tháng tư là các địa phương ở vùng duyên hải lại mở hội vào mùa du lịch hè, hội nào cũng có vẻ na ná, từ tên gọi "Đồ Sơn biển gọi", "Cửa Lò biển gọi", "Nha Trang biển hẹn"… đến những màn diễn "sân khấu hóa" tưng bừng. Những ngày ấy, tại những nơi ấy thường có cảnh "xem thì thích, chi thì sợ", nạn “chặt chém” xảy ra như cơm bữa. Khai mùa du lịch, "biển gọi", "biển hẹn" cách ấy làm nhiều người chết khiếp, đến nỗi xuất hiện tâm lý tương đối phổ biến là tránh đi du lịch mùa cao điểm, đợi khi vắng đi cho đỡ mệt mỏi. Mất khách là một chuyện, tâm lý sợ hãi đáng nói hơn nhiều.
Bởi thế mới cần nhấn mạnh hai tiêu chí trong việc tổ chức các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch, đó là tiết kiệm và thiết thực.