Tản mạn với người Dao Ba Vì

Giới trẻ - Ngày đăng : 07:05, 06/04/2014

(HNM) - Ai có dịp qua dốc Sổ, con đường đi Đá Chông (huyện Ba Vì, Hà Nội) ắt phải dè chừng vì nó quanh co với những cú ngoặt bất ngờ. Nhưng rất có thể, đột nhiên ta sẽ gặp những bóng dáng sơn nữ người Dao thấp thoáng


1. Vào xã người Dao Ba Vì có đến mấy đường đi. Có thể tạt vào đường qua Khu du lịch Vườn quốc gia Ba Vì rồi rẽ vào thôn Yên Sơn, cách UBND xã chừng 12km. Còn vài ba đường rẽ ngang nữa để đến bản người Dao nhưng phải lên đây, qua con dốc Sổ mới đúng là con đường chính vào xã người Dao. Nói là xã người Dao Ba Vì, bởi lẽ xã Ba Vì chỉ có người Dao quần chẹt sinh sống ven chân núi. Họ chuyển từ trên núi cao xuống sinh sống làm ăn, trả lại rừng cho Nhà nước từ khi có quyết định rừng nơi đây trở thành Vườn quốc gia Ba Vì. Từ đó, xã hình thành từ ba bản người Dao, nay gồm ba thôn: Hợp Nhất, Yên Sơn và Hợp Sơn.

Đường vào thôn Hợp Sơn xã Ba Vì



Theo chỉ dẫn của chị Triệu Thị Hoa, một người dân bản địa, tôi rẽ vào con đường nhỏ đi qua thôn Hợp Nhất để vào thôn Hợp Sơn. Nhưng con đường đang làm dở, đám trẻ chơi trên đống đá giữa đường mà có vẻ vui lắm. Nghe nói họ đang làm một khu du lịch mới ở trên núi, nên những con đường dọc các thôn đang được tu bổ. Đường khó đi, xe máy bị trơn trượt nhiều khiến tôi phải tìm sang một con đường ngang khác để vào xã. Khi tôi rẽ vào con đường thứ hai, mây mù và sau đó là cơn mưa rừng lạnh buốt bắt đầu ập đến. Tôi dừng chân trú mưa. Nghe cô bé thợ may kể, tôi mới hay thiếu nữ Dao quần chẹt không giống các cô gái Dao khác ở cái quần ống nhỏ, bó sát cho tới đầu gối. Còn từ đầu gối xuống tới mắt cá chân, các cô thường quấn xà cạp trắng gọn gàng, theo tục bó chân của người Dao. Đây là cách làm đẹp độc đáo nhất trong các dân tộc thiểu số của nước ta. Chất tạo hình của trang phục Dao quần chẹt rất rõ nét. Không những làm đẹp bằng trang phục, con gái Dao ở đây còn làm đẹp nhờ thuốc tắm. Thứ thuốc ấy khiến họ có làn da trắng hồng và sự dẻo dai bền bỉ. Vì thế mà họ có thể leo núi, làm nương rẫy suốt ngày mà không mỏi mệt. Tò mò, tôi hỏi đường vào nhà những người có bài thuốc quý khiến con gái Dao đẹp hơn. Có lẽ không tin rằng tôi có thể tiếp tục lên đường, nhưng cô gái vẫn chỉ cho tôi con đường ngoằn ngoèo, hút tầm mắt lên đỉnh núi.

2. Tôi được nghe một người ở thôn Yên Sơn, xã Ba Vì kể lại rằng, người Dao quần chẹt ở đây có một kho báu, đó là khoảng 500 vị thuốc quý mà cha ông họ đã sưu tầm hàng vài thế kỷ qua trên đỉnh Tản Viên Sơn. Anh Hạnh, chồng của lương y Triệu Thị Thịnh cho biết, gần 50 năm qua, hơn 2.000 người Dao quần chẹt đã phải rời xuống định cư dưới chân núi và lập thành xã Ba Vì hiện nay. Chia tay đỉnh núi, nỗi buồn của người Dao cũng cao vời vợi. Nhưng cuộc hạ sơn ấy, bất ngờ lại được coi như một cuộc đổi đời, bởi đã dần dần hình thành một làng nghề thuốc được nhiều người biết đến.

Nói về quá trình hình thành làng thuốc Nam cũng như trở thành một lương y, bà Triệu Thị Thanh ở thôn Hợp Sơn cho biết: Để những người dưới xuôi tin những bài thuốc của người Dao Ba Vì không đơn giản chút nào. Những ngày đầu mang thuốc xuống xuôi bán, hai mẹ con bà đã phải đi lang thang khắp chốn, giới thiệu từng toa thuốc. Thậm chí về giá cả, đôi khi chỉ cần lấy chút lãi nhỏ, để làm lộ phí mà thôi. Hành trang lận đận đường dài, bữa đói bữa no. Hôm nào bán được hết thuốc là mừng lắm.

Bõ công cả nhà đi hái thuốc trên núi.

Mẹ bà Thanh là cụ Dương Thị Cao cũng là một lương y, giờ đã hơn trăm tuổi, nhưng vẫn nhớ từng bài thuốc. Cụ nói, hàng chục năm nay nguồn thuốc cạn kiệt lắm rồi, nhiều nhà đã phải đi tận Tuyên Quang, Yên Bái để tìm cây thuốc. Cũng vì thế, để giữ nghề, bà Thanh phải nhân giống những cây thuốc quý và đến nay đã có một vườn thuốc tự trồng, nhưng cũng chỉ áng chừng được hơn trăm loại. Nhiều người đã đặt hàng. Có đơn vị đã nghiên cứu, vận dụng vào thực tiễn để sản xuất những bài thuốc độc đáo của người Dao nơi đây. Đặc biệt, Viện Dược liệu Việt Nam đã lập dự án thực hiện đề tài "Cây thuốc người Dao Ba Vì". Sau hai mươi năm nghiên cứu thành công, Tiến sĩ Trần Văn Ơn đã chủ biên và cho xuất bản được cuốn sách thuốc này. Không những thế, vừa qua thôn Yên Sơn là một trong ba thôn của xã Ba Vì được TP Hà Nội chứng nhận là làng nghề thuốc Nam của người Dao.

Người Dao ở Ba Vì múa truyền thống trong Tết Nhảy.



Cũng trong chuyến đi này, đến thôn Hợp Sơn tôi còn được gặp lương y Triệu Phú Quý, một người rất giỏi bắt bệnh bốc thuốc. Cả nhà ông từ vợ, đến con trai, con dâu đều làm nghề chữa bệnh cứu người. Đúng lúc đó, con trai út của ông vừa đi lấy một giấy xác nhận của xã về để xin vào học trường thuốc trên thành phố. Ông chỉ về phía đỉnh núi rồi kể, những năm tháng tuổi thơ phải đi theo mẹ đi hái thuốc vất vả thế nào, đã nhiều lần gặp thú dữ nhưng đều thoát khỏi. Vậy mà giờ đây xã đã có Công ty cổ phần thuốc Nam, bà con tha hồ phát huy làm ăn, không phải đi lang thang kiếm dạo lần hồi. Ông vừa nói, vừa cười, nhưng ánh mắt hơi đỏ vì khóe lệ; có lẽ ông chợt nhớ lại những hình ảnh một thời lận đận, cam go trên mọi nẻo đường mưu sinh.

3. Có một bất ngờ, trên con đường men theo chân núi, chạy dọc xã Ba Vì, tôi nghe thấy tiếng kèn Pi lá du dương, ngân nga từ một ngôi nhà sàn. Một giọng hát trong veo như tiếng chim hót vậy. Lắng nghe thì đây là những giai điệu tình yêu của người Dao. Người ta gọi nó là Páo dung. Lời ca cho một cuộc tình sao lại chan chứa nỗi lòng đến vậy. Tôi nghe như thấm ngọt đến từng câu: "Anh ơi! Hình như em đã yêu anh? Em sẽ rất buồn vì nhớ anh/Anh ơi, khi làm nương, làm rẫy/Khi đi săn, đi núi/Anh hãy cõng theo hồn em…". Âm sắc thì thầm da diết và đầy quyến rũ.

Thực ra các làn điệu Páo dung, tựa suối nguồn tinh thần của một dân tộc, và cũng là một kho báu của người Dao. Páo dung cho giao duyên. Páo dung cho hát ru… Còn nữa Páo dung cho nghi lễ, tín ngưỡng và phong tục. Kể cả Páo dung hát về lao động và sinh hoạt vui chơi. Nghĩa là người Dao sinh sống luôn luôn gắn liền với hát ca. Páo dung được coi là hơi thở của tâm linh người Dao. Họ có thể hát và múa suốt ngày đêm trong các lễ hội. Riêng Tết Nhảy làm lễ cúng tổ tiên và trời đất, thì mọi người thay nhau múa hát liên tục ba ngày đêm liền không nghỉ. Người xem không thể phân biệt có sự chuyển đổi giữa các điệu múa vì sự gắn kết khéo léo của những người múa hát kế tiếp nhau. Chỉ biết rằng, người Dao say mê với âm nhạc, với những vũ điệu như hàng ngàn năm xưa, và chẳng bao giờ dứt.

Tôi đi trên con đường mới của thôn Hợp Sơn với những nỗi niềm khó tả. Những lời ca về tình yêu thêm xao xuyến hồn người. Con đường còn lổn nhổn gạch đá. Con suối róc rách chảy từ trên cao xuống, đi qua thôn bản như ngọn nguồn của Tản Viên Sơn ngàn đời đem lại sự ấm no cho người Dao quần chẹt nơi đây. Chợt những ánh mắt trẻ thơ nhìn tôi với nụ cười vui sướng. Chúng nhìn lên ngôi trường mới về con đường mới, rồi nói một câu như khoe với tôi rằng, sáng mai chúng sẽ lên lớp. Cô giáo sẽ đón chúng như một người mẹ trong bản người Dao. Trước mặt tôi, dưới màn sương mờ, con đường mới vào thôn hừng lên, như một nguồn sáng hắt lên cao. Tôi sững người, dừng lại bên lưng dốc, nơi con suối đang rì rào cuộn chảy. Đâu đó réo rắt nghe rõ từng lời Páo dung thiết tha của một anh chàng, hát rằng: "Em ơi, anh về đây gặp được em / Ta cùng nhau cất lên lời ca nhé..".

Chung Tử