Hòa bình nóng có dẫn tới chiến tranh lạnh?

Thế giới - Ngày đăng : 05:55, 05/04/2014

(HNM) - Chưa khi nào kể từ thời Chiến tranh lạnh, quan hệ giữa Nga và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) lại trở nên băng giá như trong những ngày qua.



Không chỉ dừng lại ở việc cắt đứt quan hệ hợp tác thực tế, triển khai các biện pháp trừng phạt, hai bên còn liên tục tăng cường điều động quân đội khiến khu vực Biển Đen nóng lên từng ngày.

NATO sẽ gia tăng hoạt động quân sự tại Biển Đen trong thời gian tới.


Theo tuyên bố của khối quân sự lớn nhất hành tinh cách đây ít ngày, NATO sẽ ngừng tất cả chương trình hợp tác quân sự và dân sự với Nga. Điều này đồng nghĩa với việc bãi bỏ các cuộc tập trận chung, các chuyến thăm giữa tàu hải quân và ngừng trao đổi thông tin với nhau. Đây không phải là lần đầu tiên, NATO đơn phương đình chỉ quan hệ với Nga. Năm 2009, sau cuộc chiến 5 ngày (8-12/8/2008) với việc Nga đưa quân đội vào Nam Ossetia nhằm bảo vệ những người mang quốc tịch Nga và người gốc Nga trước cuộc tấn công trực tiếp của quân đội Gruzia, NATO cũng đã đưa ra quyết định tương tự. Tuy nhiên, sau sự kiện ở Gruzia, các hoạt động quân sự của NATO không được tăng cường mạnh mẽ như sau sự kiện bán đảo Crimea của Ukraine sáp nhập vào Nga.

Mặc dù yêu cầu Mátxcơva rút quân khỏi các khu vực biên giới Nga - Ukraine, nhưng Mỹ - "nhạc trưởng" của NATO lại tăng cường số máy bay chiến đấu đến các chốt kiểm soát không phận các nước vùng biển Baltic. Một loạt cuộc tập trận cũng đã được lên kế hoạch tại một số nước thành viên NATO ở Đông Âu; trong đó có các cuộc tập trận ngay trên lãnh thổ Ukraine dù quốc gia vừa trải qua chính biến này không phải là thành viên NATO. Mỹ cũng đang xem xét điều một tàu chiến tới khu vực Biển Đen thuộc Ukraine. Mới đây nhất, Mỹ cũng đã đề nghị Romania tăng số binh sĩ đóng tại căn cứ không quân Mihail Kogalniceanu bên bờ Biển Đen từ 1.000 lên 1.500 người. Động thái này được xem là một phần nỗ lực hoạch định quân sự nhằm gia tăng biện pháp "phòng thủ" để trấn an các nước Đông Âu gồm các nước Baltic vốn thuộc Liên Xô cũ.

Có thể thấy rằng, từ trước tới nay, kể cả khi đối thủ của NATO là khối Vacsava đã tan rã, tổ chức quân sự này chưa lúc nào từ bỏ tham vọng toàn cầu và luôn hướng đến một tập hợp sức mạnh nhằm hình thành ưu thế vượt trội; cho phép thực hiện các hành động quân sự ngay tức khắc ở bên ngoài lãnh thổ không chỉ trong phạm vi Cựu lục địa. Sự trỗi dậy của Nga trong những năm gần đây dường như đã khiến NATO tự đặt mình trong tình trạng "cảnh giác"; song phản ứng của Nga xung quanh diễn biến tại Ukraine, nhất là việc Mátxcơva bất ngờ sáp nhập Crimea, vẽ lại bản đồ Châu Âu chỉ trong chưa đầy một tháng - kể từ khi Tổng thống Viktor Yanukovych bị lật đổ - vẫn khiến NATO không khỏi sững sờ. Nhiều ý kiến cho rằng, động thái này của Nga như một cú giáng mạnh vào thể diện của cỗ máy quân sự đáng ngại nhất hành tinh. Vì thế, việc "trả đũa" xứ sở Bạch Dương của NATO trong thời gian tới là không thể nghi ngờ. Ngược lại, Nga cũng không thiếu những con bài để tiếp cựu đối thủ thời kỳ Chiến tranh lạnh. Ngày 4-4, Nga đã triệu hồi đại diện tại NATO, Đại tá Valary Evnevich, từ Brussels về Mátxcơva để tham vấn. Theo Thứ trưởng Quốc phòng Nga Anatoly Antonov, những tuyên bố đối đầu từ NATO và Tổng thư ký của Liên minh này khiến Nga không thể bỏ qua. Ông còn nhấn mạnh: "Chính sách tạo ra căng thẳng không phải là lựa chọn của chúng tôi. Tuy nhiên, chúng tôi đã không còn thấy bất kỳ cơ hội nào để tiếp tục hợp tác quân sự với NATO". Bởi vậy, nghi ngại và đối đầu, căng thẳng và "ăn miếng trả miếng" lẫn nhau sẽ là tông điệu chính trong quan hệ Nga - NATO thời gian tới.

Theo các chuyên gia phân tích, vì mục tiêu Đông tiến, Mỹ và EU sẽ không dễ dàng từ bỏ tham vọng lôi kéo Ukraine khỏi quỹ đạo của Nga. Trong khi đó, vì lợi ích chiến lược, chắc chắn Nga cũng sẽ tìm mọi cách để ngăn cản tham vọng của phương Tây. Rõ ràng, vấn đề Ukraine đã đẩy căng thẳng giữa Nga và NATO lên đỉnh điểm, từ hòa bình nóng có thể dẫn tới nguy cơ một cuộc Chiến tranh lạnh mới đe dọa hòa bình và an ninh toàn cầu. 

Lâm Phương