Đề án tái cơ cấu VNPT: Rõ thế chân kiềng
Kinh tế - Ngày đăng : 06:31, 04/04/2014
Thủ tướng Chính phủ cũng đã chỉ đạo Bộ TT-TT phải nhanh chóng cổ phần hóa (CPH) MobiFone theo đúng lộ trình. VNPT vẫn sở hữu mạng Vinaphone và phải tổ chức lại để phát triển mạnh hơn… Trước đó, trong tờ trình và bản đề án mà Bộ TT-TT trình Chính phủ vào cuối năm 2013, Bộ đề xuất phương án tách MobiFone khỏi VNPT và kèm theo khoảng 60 DN (gồm cả phần quản lý kinh doanh vệ tinh VINASAT 1-2 cùng một số đơn vị của VNPT kinh doanh không hiệu quả, thua lỗ) cùng chuyển sở hữu sang MobiFone. VNPT giữ lại các DN có ngành nghề liên quan trực tiếp tới viễn thông và công nghệ thông tin.
Một điểm giao dịch của MobiFone. Ảnh: Thanh Hải |
Tại buổi tọa đàm liên quan đến tái cơ cấu thị trường viễn thông Việt Nam do Câu lạc bộ Nhà báo công nghệ thông tin tổ chức vào ngày 14-2, nguyên Thứ trưởng Bộ Bưu chính viễn thông (nay là Bộ TT-TT) Mai Liêm Trực đã có những phân tích rất sâu sắc về vấn đề CPH mạng di động này. Từng giữ cương vị Tổng Giám đốc VNPT, ông Mai Liêm Trực cho rằng việc tách MobiFone khỏi VNPT là thiệt thòi lớn cho tập đoàn này. Mặc dù là DN của Nhà nước, nhưng sự phát triển của MobiFone hiện nay có sự đóng góp công sức rất lớn của nhiều thế hệ cán bộ VNPT. Ông Mai Liêm Trực nhấn mạnh, chủ trương CPH MobiFone đã có từ năm 2005 nhưng chưa thực hiện vì có một số vướng mắc, nhưng lỗi chính là của VNPT. Nếu thực hiện CPH ngay theo chỉ đạo của Chính phủ thì VNPT vẫn sở hữu 80%, chỉ tiến hành cổ phần 20% (theo Nghị định 25 năm 2011) và vẫn giữ được lợi nhuận lớn từ nhà mạng này (MobiFone hiện chiếm khoảng 60% tổng lợi nhuận của tập đoàn). Hơn nữa, nếu như CPH MobiFone từ thời điểm đó, VNPT sẽ tập trung nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh của Vinaphone để mạng này phát triển hơn thì VNPT cũng sẽ mạnh hơn.
Trong nhiều lần trao đổi với báo giới, ông Mai Liêm Trực cũng chia sẻ quan điểm phải CPH DN viễn thông để tạo sự cạnh tranh lành mạnh cho thị trường, thay vì để các DN đều của Nhà nước cạnh tranh với nhau và sự cạnh tranh này là chưa hoàn chỉnh. Mặt khác, trong giai đoạn phát triển mới, việc CPH DN di động sẽ thu hút nhà đầu tư nước ngoài với thế mạnh về vốn, kinh nghiệm, công nghệ bổ khuyết yếu tố mà DN trong nước còn thiếu. Tổng Giám đốc Tập đoàn Viettel Nguyễn Mạnh Hùng cũng đánh giá, việc tách MobiFone trong thời gian đầu sẽ khiến VNPT gặp khó khăn, song VNPT sẽ buộc phải tập trung đầu tư cho Vinaphone phát triển. Đối với MobiFone, sau khi thực hiện CPH, kêu gọi đối tác nước ngoài cũng sẽ mạnh lên. Từ đó, buộc Viettel phải cạnh tranh, không ngừng nâng cao hiệu quả hoạt động.
Như vậy, với việc Đề án tái cơ cấu VNPT được phê duyệt và tách MobiFone khỏi tập đoàn này, thị trường viễn thông sẽ hình thành 3 DN cung cấp dịch vụ di động. Điều này cũng phù hợp với quy hoạch phát triển viễn thông Việt Nam đến năm 2020 mà Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt với việc hình thành 3-4 tập đoàn viễn thông mạnh của quốc gia. Còn với người dân, có lẽ điều họ mong muốn là tiếp tục được sử dụng dịch vụ chất lượng bảo đảm với giá thành hợp lý.