Góp phần giảm “sốc” cho doanh nghiệp

Tài chính - Ngày đăng : 06:34, 03/04/2014

(HNM) - Một trong những vấn đề thu hút được nhiều sự quan tâm của dư luận trong thời gian vừa qua là NHNN đã ban hành Thông tư số 09/TT-NHNN...



Thông tư 09 cũng lùi thời hạn yêu cầu tổ chức tín dụng (TCTD) phải điều chỉnh kết quả phân loại nợ theo kết quả phân loại nợ của Trung tâm Thông tin tín dụng quốc gia (CIC) từ ngày 1-6-2014 sang ngày 1-1-2015.

Phóng viên Báo Hànộimới đã trao đổi với Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) Nguyễn Tiến Đông về vấn đề này.

- NHNN đã sửa đổi, bổ sung Thông tư 02 cho phép các ngân hàng cơ cấu lại nợ và giữ nguyên nhóm nợ để hỗ trợ, tạo điều hiện cho doanh nghiệp (DN) tiếp tục được tiếp cận, vay vốn tín dụng, khắc phục khó khăn trong sản xuất, kinh doanh (SXKD). Vậy, việc này có ý nghĩa như thế nào với các ngân hàng thương mại?

- Thông tư 02 về mặt dài hạn nên được thực hiện nghiêm túc, bởi vì hoạt động ngân hàng sẽ tăng tính minh bạch trong việc bảo đảm tài sản có. Hơn nữa, quy định này đúng theo thông lệ quốc tế và phù hợp với điều kiện nước ta, nhằm đánh giá đúng thực trạng chất lượng tín dụng, nợ xấu của từng TCTD, cũng như của cả hệ thống. Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện nay, việc áp dụng ngay Thông tư 02 sẽ gây khó khăn cho DN, các ngân hàng, cũng như nền kinh tế nên việc sửa đổi là cần thiết. Bản thân các ngân hàng cũng cần có thời gian dốc sức vào giải quyết những khó khăn cho hoạt động tín dụng, đặc biệt là tín dụng với DN. Việc chỉnh sửa Thông tư 02 cho linh hoạt hơn, phù hợp với "sức khỏe" của nền kinh tế trong bối cảnh hiện nay là cần thiết.

Việc sửa đổi Thông tư 02 tạo cơ hội giúp các DN có thời gian khắc phục khó khăn để được tiếp tục vay vốn SXKD.


- Nhưng nếu "nới" Thông tư 02 có thể khiến nợ xấu lại thêm "cồng kềnh", ông có ý kiến thế nào về vấn đề này?

- Agribank cũng như các ngân hàng khác ý thức rất rõ vấn đề này. Cần phải có cái nhìn thấu đáo, lỗi không chỉ có duy nhất từ phía DN, mà do cả khách quan từ nền kinh tế thế giới, trong nước khó khăn. Khi có Thông tư 02, các ngân hàng đã rà soát, quản lý nợ, phân loại để có giải pháp thích hợp, đối với từng loại hình DN theo hướng nếu áp dụng ngay thì thế nào, chưa thì thế nào, phân hướng xử lý từng loại hình DN, nợ vay trên toàn hệ thống, cái gốc vấn đề là tạo điều kiện cho các DN. Tôi không cho rằng "nới" Thông tư 02 sẽ làm nợ xấu thêm gánh nặng, bởi tất cả các chính sách cần phải có thời gian để thích nghi với những điều kiện của cuộc sống.

- Việc sửa đổi, bổ sung theo lộ trình một số điểm của Thông tư 02, Agribank có các biện pháp gì để quản lý, giám sát chất lượng tín dụng?

- Việc phân loại, rà soát chất lượng tài sản có, chất lượng tín dụng của Agribank vẫn được thực hiện thường xuyên theo tháng, quý; thậm chí ngân hàng còn chỉ đạo các chi nhánh có nợ xấu cao, để từ đó phân tích và đưa ra các giải pháp khắc phục. Điều chỉnh lại Thông tư 02 rất cần thiết trong thời điểm này nhằm tạo điều kiện cho các DN có cơ hội để phục hồi SXKD và các ngân hàng có thể chủ động xử lý nợ phù hợp với nền kinh tế, tránh gây đổ vỡ, tạo cú sốc không cần thiết cho các DN. Tất nhiên thời gian vừa qua việc lùi thời gian thực hiện Thông tư 02 lại sau 1 năm cũng là điều kiện tốt, tuy nhiên chưa đủ vì nền kinh tế thế giới và Việt Nam mới thoát ra khỏi đáy của khủng hoảng, nên cần có một thời gian để phục hồi. Do đó, hệ thống ngân hàng thương mại nói chung và Agribank nói riêng có những nguyên tắc ứng phó riêng khi áp dụng Thông tư 02, hoặc những quy định mới "nới" để nâng cao chất lượng tài sản hiện có, bởi chất lượng tín dụng là vấn đề sống còn của các ngân hàng.

- Xin cảm ơn ông!

Đức Anh