Hiệu quả quản trị và hành chính công năm 2013: Chưa có nhiều chuyển biến
Đời sống - Ngày đăng : 06:17, 03/04/2014
Mức độ hài lòng của người dân tăng nhẹ
Đây đã là lần thứ năm chỉ số PAPI được thực hiện tại Việt Nam. Kết quả chỉ số PAPI từ năm 2011 đến 2013 đã ổn định và nhất quán ở cả 6 lĩnh vực nội dung cho thấy sự khoa học và độ tin cậy cao của phương pháp thu thập dữ liệu này. Điều đáng ghi nhận là người dân ngày càng đánh giá cao hơn hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh, thể hiện qua mức độ hài lòng tăng nhẹ qua các năm từ 2011 đến 2013. So với năm 2012, điểm số của trục nội dung "Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công có mức gia tăng nhiều nhất (cao hơn 4,24%). Trục nội dung "Công khai, minh bạch" gia tăng trên 3,4%. "Trách nhiệm giải trình với người dân" tăng 1,19%, "Cung ứng dịch vụ công" tăng 0,68%. "Thủ tục hành chính công" chỉ tăng 0,32%. Riêng trục nội dung "Tham gia của người dân ở cấp cơ sở" giảm 0,33% so với năm 2012. Như vậy, dường như người dân có những đánh giá tích cực hơn về phòng, chống tham nhũng và tăng cường công khai, minh bạch của chính quyền địa phương, nhưng những lĩnh vực khác vẫn chưa có nhiều biến chuyển. Đáng chú ý, dù người dân có cảm nhận nỗ lực phòng, chống tham nhũng có chiều hướng chuyển biến tốt hơn những năm trước thì họ vẫn cho rằng vấn đề tham nhũng và hối lộ còn tồn tại ở nhiều ngành, lĩnh vực. Các ý kiến cho rằng phải đưa hối lộ khi xin cấp phép xây dựng chiếm 24%; xin cấp mới, cấp đổi, chuyển nhượng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là 30%; xin được việc làm trong cơ quan nhà nước là 44%, trong bệnh viện công là 42%... Thậm chí con số này còn có chiều hướng gia tăng qua các năm.
Báo cáo PAPI năm 2013 cũng cho thấy người dân khá lạc quan với điều kiện kinh tế hộ gia đình và của đất nước. Trung bình có khoảng 50% số người được hỏi cho biết tình hình kinh tế hộ gia đình trong năm 2013 tốt hơn 5 năm trước. Dự cảm về tình hình kinh tế 5 năm tới cũng có tới 50% số người được hỏi tỏ ra lạc quan. Tuy nhiên, phần lớn người dân tỏ ra quan ngại với 5 vấn đề kinh tế - xã hội: Ô nhiễm môi trường, tai nạn giao thông, tệ nạn ma túy, an toàn vệ sinh thực phẩm và tham nhũng. Còn đồng bào dân tộc lại lo lắng nhiều hơn về vấn đề giá cả sinh hoạt, việc làm và thu nhập.
Phải có giải pháp cụ thể để cải thiện
Chỉ số PAPI năm 2013 cho thấy nhiều tỉnh, thành phố đạt điểm tổng hợp cao hơn so với những năm trước. Nếu như năm 2011 chỉ có 4 địa phương đạt trên 40 điểm thì năm 2013 đã có 10 địa phương đạt trên 40 điểm. Ngay trong nhóm địa phương đứng cuối bảng cũng có chuyển biến. Năm 2011 có 11 địa phương có số điểm thấp dưới 35 điểm thì năm 2012 chỉ còn 6 địa phương và năm 2013 chỉ còn tỉnh Bắc Giang. Kết quả so sánh PAPI 2013 và PAPI 2011 cho thấy 10 địa phương duy trì điểm số cao trong suốt ba năm là: Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Định, Bình Dương, Đà Nẵng, Lạng Sơn, Long An, Nam Định, Quảng Bình, Thanh Hóa và TP Hồ Chí Minh; một số địa phương chưa vượt lên được mức điểm thấp nhất là: Cao Bằng, Lai Châu, Quảng Ninh và Tây Ninh. Đối với Hà Nội, năm 2013, thành phố tiếp tục nằm trong nhóm có chỉ số tổng hợp PAPI ở mức trung bình cao như năm 2012, xếp sau nhóm cao nhất. Thủ đô thuộc nhóm đạt điểm cao nhất về trục nội dung "Công khai, minh bạch" và nhóm đạt điểm trung bình cao về các trục nội dung: "Tham gia của người dân ở cấp cơ sở"; "Trách nhiệm giải trình với người dân" và "Cung ứng dịch vụ công", nhưng nằm trong nhóm có điểm thấp nhất về nội dung "Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công".
Trên cơ sở chỉ số PAPI giai đoạn từ năm 2011 đến 2013 theo lĩnh vực nội dung có thể thấy, TP Hà Nội đã tăng ở một số nội dung. Cụ thể, trục nội dung "Tham gia của người dân ở cấp cơ sở" đã tăng thứ tự là 5,46 điểm năm 2011, 5,51 điểm năm 2012 và lên 5,76 điểm năm 2013. Tương tự "Cung ứng dịch vụ công" tăng từ 6,95 điểm lên 7,02 rồi 7,06 điểm. Tuy nhiên, ở nội dung "Công khai, minh bạch" lại giảm từ 6,33 điểm năm 2011 xuống 6,26 điểm năm 2012 và xuống còn 5,99 điểm năm 2013; hay "Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công" giảm từ 5,64 xuống 5,18 rồi 5,00 điểm.
Chỉ số PAPI có ý nghĩa thiết thực bởi nhìn vào đó, lãnh đạo chính quyền các cấp thấy được bức tranh chung về sự khác biệt trong hiệu quả quản trị và hành chính công giữa các tỉnh, thành phố để học hỏi và rút kinh nghiệm.
Đánh giá về kết quả khảo sát qua 3 năm (2011-2013), PGS.TS Đặng Ngọc Dinh, Giám đốc CECODES cho rằng: "Điều đáng mừng là bộ chỉ số có tính ổn định, nhất quán trong 3 năm gần đây, người dân dường như hài lòng hơn với hiệu quả quản trị và hành chính công ở địa phương. Song, mức độ gia tăng này còn rất nhỏ, chưa đáng kể về mặt thống kê (chưa vượt mức 5%). Do đó, để có mức gia tăng đáng kể hơn trong những năm tới, đòi hỏi các địa phương có những giải pháp cụ thể nhằm cải thiện mức độ hài lòng của người dân".
Chỉ số PAPI gồm 6 chỉ số nội dung chính: Tham gia của người dân ở cấp cơ sở; công khai, minh bạch; trách nhiệm giải trình với người dân; kiểm soát tham nhũng trong khu vực công; thủ tục hành chính công; cung ứng dịch vụ công. Năm 2013, PAPI được tổng hợp từ phỏng vấn trực tiếp 13.892 người dân trên phạm vi toàn quốc về trải nghiệm của họ khi tương tác với các cấp chính quyền địa phương và sử dụng dịch vụ công. Quảng Bình là địa phương duy nhất nằm trong nhóm tỉnh/thành phố đạt điểm cao nhất ở cả 6 chỉ số nội dung. Bắc Giang là địa phương đạt điểm thấp nhất ở cả 6 chỉ số nội dung. |