Thống đốc có quyền quyết định mức trần chi phí vay nước ngoài của DN
Kinh tế - Ngày đăng : 17:59, 02/04/2014
Ảnh minh họa |
Ngày 2/4, Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư số 12 quy định điều kiện vay nước ngoài của doanh nghiệp không được Chính phủ bảo lãnh. Thông tư có hiệu lực từ ngày 15/5/2014 và bãi bỏ quy định tại chương II thông tư 09/2004 của Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn việc vay, trả nợ nước ngoài của doanh nghiệp.
Theo đó, thông tư quy định về điều kiện vay nước ngoài không được Chính phủ bảo lãnh của người cư trú là doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hợp tác xã, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (không bao gồm ngân hàng thương mại là doanh nghiệp nhà nước) được thành lập, hoạt động kinh doanh tại Việt Nam.
Về nhóm điều kiện chung, thông tư quy định một số điều kiện chung áp dụng đối với mọi đối tượng đi vay nước ngoài gồm điều kiện về mục địch vay, đồng tiền vay, thỏa thuận vay nước ngoài, giao dịch bảo đảm, chi phí vay nước ngoài.
Với nhóm điều kiện bổ sung, thông tư quy định các điều kiện bổ sung áp dụng đối với hai nhóm đối tượng: bên đi vay là tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và bên đi vay không phải là tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Đáng chú ý, riêng điều kiện về chi phí vay nước ngoài, thông tư quy định quyền tự thỏa thuận chi phí vay nước ngoài của bên đi vay và các bên liên quan trong điều kiện bình thường. Trong trường hợp cần thiết, khi mức rút vốn ròng của các khoản vay nước ngoài có xu hướng vượt hạn mức vay thương mại nước ngoài tự vay tự trả được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, để đảm bảo an toàn nợ nước ngoài của quốc gia, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước có quyền quyết định áp dụng và công bố mức trần chi phí vay nước ngoài nhằm kiểm soát chặt chẽ hơn hoạt động vay nước ngoài của doanh nghiệp.
Thông tư này là một công cụ quản lý nhà nước quan trọng nhằm thực hiện các mục tiêu và định hướng quản lý nợ nước ngoài bên vững, góp phần hoàn thiện khung pháp lý về quản lý hoạt động vay trả nợ nước ngoài của doanh nghiệp.