Người tiêu dùng vẫn loay hoay tự bảo vệ
Xã hội - Ngày đăng : 08:03, 02/04/2014
Đẩy trách nhiệm cho người tiêu dùng!
Tại buổi tọa đàm "Quyền được an toàn của NTD" do Cục Quản lý cạnh tranh, Hội Bảo vệ quyền lợi NTD TP Hồ Chí Minh phối hợp với Công ty Vina CHG tổ chức, chị Nguyễn Mỹ Loan (NTD ở quận 9) cho rằng các cơ quan quản lý nhà nước phải kiểm tra và có biện pháp chế tài nghiêm khắc đối với các đơn vị vi phạm chứ đừng hô hào "Hãy là NTD thông minh" vì NTD không đủ điều kiện, phương tiện để xác minh. Dẫn lại câu chuyện dù không còn mới của mình nhưng chị Loan vẫn rất bức xúc: Chị mua một hộp phấn trang điểm của một thương hiệu lớn trong một trung tâm thương mại (TTTM) lớn nhưng vẫn bị hàng giả. Chị đã khiếu nại và đến mấy tháng sau mới được đền lại bằng một hộp phấn khác. Em gái của chị, sau đó kiểm tra cũng phát hiện ra cây son môi mua tại TTTM này cũng bị làm giả. Tuy nhiên, nhờ đã có "tiền lệ" trước, nên "hành trình" khiếu nại của em gái chị nhanh hơn và cũng được đền bù nhanh hơn. "Chúng tôi mua hàng thương hiệu nổi tiếng trong một TTTM lớn là hai yếu tố tin cậy để tin rằng đó là hàng thật, vậy mà vẫn bị hàng giả thì chúng tôi phải làm NTD thông minh kiểu gì. Đừng đẩy trách nhiệm cho chúng tôi" - Chị Loan gay gắt.
Khách hàng đang so sánh mũ bảo hiểm thật - giả. |
Bà Trần Thị Nhung, một NTD khác thì cho biết, bà cảm nhận cụm từ "bảo đảm quyền lợi NTD" là bài toán không giải được! Theo bà Nhung, một trong các giải pháp mà những người có trách nhiệm hay khuyên NTD là mua hàng ở nơi có nguồn gốc, mua hàng ở những nơi được "bảo đảm" như siêu thị, TTTM. Tuy nhiên, đâu phải NTD nào cũng đủ thời gian, điều kiện để vào siêu thị, TTTM mua hàng, đó là chưa kể mua hàng ở siêu thị, TTTM cũng chưa thể an tâm như trường hợp chị Loan kể trên. "Vấn đề là cơ quan quản lý phải kiểm soát được chất lượng hàng hóa chứ không phải hạn chế sự lựa chọn của NTD" - bà nói.
"Bây giờ nhìn đâu cũng thấy mất an toàn vệ sinh thực phẩm, rồi người nội trợ cũng không biết mua sản phẩm an toàn ở đâu khi mà sản phẩm kém chất lượng đã xâm nhập vào cả siêu thị với những dãy hàng trưng bày sáng loáng" - Ông Ngô Bách Phong, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi NTD TP Hồ Chí Minh phát biểu.
Khi chính người tiêu dùng "thỏa hiệp"
Theo ông Ngô Bách Phong, Luật Bảo vệ quyền lợi NTD có hiệu lực từ ngày 1-7-2011 tuy đã có những tác dụng nhất định, song chưa làm được điều mà toàn thể NTD mong muốn. Còn theo ông Phan Khánh An, đại diện Cục Quản lý cạnh tranh, đã có nhiều nghị định hướng dẫn bảo vệ NTD đề cập quyền của NTD, nhưng đến nay quyền của NTD vẫn bị vi phạm. Thực tế, hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng không bảo đảm an toàn cho NTD vẫn bày bán tràn lan.
Theo ông Nguyễn Thành Danh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Bình Dương, việc kiểm tra xử lý hàng gian, hàng giả rất gian nan. Hiện vẫn chưa có một cơ quan chuyên trách công tác chống hàng gian, hàng giả mà đó chỉ là một nghiệp vụ rất nhỏ của cảnh sát kinh tế hay QLTT, trong khi hai đơn vị này lại có quá nhiều việc để làm. Mặt khác, nhiều doanh nghiệp có hàng bị làm giả cũng không mặn mà hợp tác, hỗ trợ tích cực vì lo rằng khi cung cấp thông tin hàng bị làm giả thì NTD sẽ quay lưng vì sợ mua nhầm hàng giả; hoặc sợ nếu công bố các đặc điểm của hàng thật - giả thì những người làm hàng giả nắm được đặc điểm hàng hóa để làm giả tiếp! Bên cạnh đó, NTD cũng "thỏa hiệp" cho hàng giả, hàng nhái có đất sống. Chẳng hạn, gần như ai cũng biết sản phẩm túi xách Louis Vuttion giá phải cả nghìn USD trở lên nhưng nhiều người vẫn chọn sản phẩm giá chỉ từ vài trăm nghìn đến vài triệu đồng dù biết rõ đó là hàng giả hàng nhái!
Chính vì vậy, theo ông Nguyễn Thành Danh, việc thực thi Luật Bảo vệ quyền lợi NTD là phải có đủ "ba nhà" gồm Nhà nước - nhà sản xuất - người tiêu dùng cùng góp sức thì mới đủ sức đẩy lùi được hàng gian, hàng giả.
Đi nước ngoài 6 ngày, cước điện thoại 1,3 tỷ đồng! Với tư cách là một NTD, ông Nguyễn Thành Danh cho biết ông đang hỗ trợ một vụ khiếu nại về cước viễn thông. Theo đó, một khách hàng ngụ ở tỉnh Bình Dương đi nước ngoài 6 ngày, điện thoại sử dụng dịch vụ roaming và khi về Việt Nam nhận được giấy báo cước phí là… 1,3 tỷ đồng. Sau khi khiếu nại và làm việc với đơn vị cung cấp dịch vụ là Mobifone, cước phí được tính toán lại là 800 triệu đồng. Mobifone cho biết giá cước tăng cao là do tính theo nước thứ 3 (nước mà khách hàng đến và sử dụng). Theo ông Danh, Mobifone đã vi phạm quyền được thông tin của NTD trong Luật Bảo vệ quyền lợi NTD là không cung cấp đủ thông tin cho khách hàng, cụ thể là không thông báo giao dịch với bên thứ 3, không cung cấp giá cho khách hàng. |