Cốt lõi vẫn là chất lượng

Doanh nghiệp - Ngày đăng : 07:54, 02/04/2014

Sau hơn 4 năm triển khai, hiệu quả của cuộc vận động


Theo báo cáo xếp hạng mức độ phổ biến thương hiệu do Kantar Worldpanel - một trong những công ty hàng đầu Việt Nam về nghiên cứu thị trường dựa trên chương trình nghiên cứu hành vi tiêu dùng, ở những lĩnh vực thiết yếu, thương hiệu sản phẩm của các nhà sản xuất trong nước đã đủ sức cạnh tranh với các thương hiệu quốc tế.

Sản xuất hàng may mặc xuất khẩu tại Công ty May Việt Tiến.Ảnh: Hải Anh



Nhằm tạo sức cạnh tranh đồng thời để thuyết phục người Việt dùng hàng Việt, các DN nội địa đang ngày càng chú trọng về chất lượng, mẫu mã bao bì và sản phẩm. Năm 2014, cả nước có 476 DN đạt chứng nhận nhãn hàng Việt Nam chất lượng cao, trong đó có thể kể đến nhiều thương hiệu được người tiêu dùng lựa chọn và ưa chuộng như Khóa Việt - Tiệp, Bóng đèn Rạng Đông, Nhựa Tiền Phong; May Việt Tiến, May 10, Nhà Bè; Văn phòng phẩm Hồng Hà, Vĩnh Tiến; Bia Hà Nội, Sài Gòn; Sữa Vinamilk, Mộc Châu, TH True Milk… Để phục vụ đến mọi đối tượng khách hàng, DN đã chủ động thực hiện mở rộng hệ thống phân phối về các khu vực vùng sâu, vùng xa hoặc thực hiện đưa hàng Việt về nông thôn. Sau 4 năm triển khai cuộc vận động, đã có 11.500 lượt DN tham gia đưa hàng Việt về nông thôn, với hơn 23.000 gian hàng, thu hút gần 2,3 triệu lượt người dân địa phương tới tham quan mua sắm, đạt doanh thu hơn 1,7 nghìn tỷ đồng. Nhiều đơn vị sản xuất, kinh doanh hàng Việt đã tích cực tham gia tổ chức các chuyến đưa hàng về các khu công nghiệp, vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa như Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro), Tập đoàn Dệt may Việt Nam, Công ty cổ phần Khóa Việt - Tiệp, Hệ thống siêu thị Big C…

Công ty cổ phần Khóa Việt - Tiệp đã không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ, liên tục đầu tư, đổi mới thiết bị hiện đại và công nghệ tiên tiến để sản xuất các loại khóa có chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu ngày càng khắt khe của khách hàng trong, ngoài nước. Đến nay, Khóa Việt - Tiệp đã trở thành DN sản xuất khóa lớn nhất tại Việt Nam. Với năng lực sản xuất hàng trăm chủng loại khóa, sản lượng 16 triệu sản phẩm/năm, hiện Khóa Việt - Tiệp đang là đối tác tin cậy, bảo đảm cung cấp sản phẩm chất lượng cao theo yêu cầu của các đối tác nước ngoài đang đầu tư tại Việt Nam như Yamaha, Suzuki, Asahi Denso… Sản phẩm khóa Việt - Tiệp cũng có mặt tại nhiều quốc gia như Nam Phi, Cuba, Nigeria, Kuwait… và đang trở thành đối tác sản xuất khóa lớn của các tập đoàn hàng đầu thế giới như Stanley của Mỹ, Soprano của Brazil, LF của Pháp. Trong lĩnh vực may mặc, May Việt Tiến là DN nhà nước thành công nhờ đầu tư chuyên sâu cho sản phẩm áo sơmi, quần âu. Để có chỗ đứng trên thị trường nội địa trước sự xuất hiện của hàng loạt các thương hiệu thời trang quốc tế, Việt Tiến đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng cho khâu thiết kế mẫu mã, tiếp thị sản phẩm. Hiện nay, nhiều người không chỉ mua sản phẩm của Việt Tiến để sử dụng, mà còn mua làm quà tặng hoặc gửi cho người thân… đang học tập, công tác ở nước ngoài, vì kích cỡ phù hợp, mẫu mã đẹp, giá hợp lý. Tuy nhiên, bên cạnh những DN lớn đang phát triển ngày càng mạnh, thì việc chinh phục thị trường nội địa đang là vấn đề không dễ đối với các DN trong nước, mà chủ yếu là DN vừa và nhỏ. Bởi, việc tạo ra sản phẩm hàng hóa, dịch vụ mới có chất lượng cao, xây dựng thương hiệu để bán hàng trực tiếp đến người tiêu dùng, giá hợp lý và tổ chức được hệ thống phân phối tốt không phải là việc có thể thực hiện chỉ trong một vài năm.

Dù biết rõ tầm quan trọng của việc đầu tư vào bao bì, mẫu mã sản phẩm, nhưng phần lớn các nhà sản xuất nội đều bất lực vì không đủ kinh tế để thực hiện những khâu trên. Vì vậy, dù nhiều mặt hàng của nước ta như hoa quả, hạt điều, hồ tiêu, thủy - hải sản, các sản phẩm công nghiệp như hàng may mặc, đồ gỗ, thủ công mỹ nghệ… đều không thua kém hàng nhập khẩu, nhưng giá trị thương mại thu về lại thấp. Hơn nữa, sức mua trên thị trường hiện rất yếu, sản phẩm của DN lại phải cạnh tranh với hàng lậu, hàng nhái, trong khi hàng hóa của các DN nhỏ và vừa lại không có sức hút từ kiểu dáng đến mẫu mã, nên khả năng phát triển của hàng Việt hiện khá thấp… do đó cần sớm cải thiện sức cạnh tranh của hàng hóa Việt.

Thanh Hiền