Doanh nghiệp nước nhà “nhịn miệng đãi khách”?
Kinh tế - Ngày đăng : 06:36, 01/04/2014
Theo Hiệp hội DM Việt Nam, từ đầu năm đến nay, nhiều DN FDI đã tăng tốc đầu tư không chỉ vào lĩnh vực may mặc mà cả sợi, dệt, nhuộm tại các tỉnh, thành phố trên cả nước. Khi TPP trở thành hiện thực, Việt Nam có lợi thế trong việc xuất khẩu hàng hóa ra thế giới, nhưng quy định xuất xứ từ sợi của TPP buộc DN DM xuất khẩu Việt Nam phải sử dụng nguyên liệu sản xuất trong nước hoặc nhập khẩu từ các nước thành viên TPP khác, không có Trung Quốc. Vì vậy, trong thời gian qua nhiều DN DM của nước ngoài… đã tập trung đầu tư vào Việt Nam xây dựng nhà máy sản xuất sợi, dệt, nhuộm để đón đầu hiệp định này. Hiệp hội DM Thêu đan TP Hồ Chí Minh cho biết, các tập đoàn như Toray International và Mitsui (Nhật Bản), Lenzing (Áo), Sunrise (Trung Quốc)… cũng đến Việt Nam để tìm cơ hội đầu tư, nhằm tận dụng điều kiện xuất xứ khi TPP có hiệu lực.
Dây chuyền sản xuất tại Công ty May liên doanh Plummy. Ảnh: Đàm Duy |
Sớm nhận thấy những thuận lợi trong lĩnh vực DM tại Việt Nam, ngày 19-3, Tập đoàn Esquel (Hồng Kông - Trung Quốc) đã khánh thành và đưa vào hoạt động nhà máy sản xuất hàng may mặc xuất khẩu với tổng vốn đầu tư 25 triệu USD, tại Khu công nghiệp Lương Sơn (tỉnh Hòa Bình). Đáng chú ý, đây là một trong những nhà máy đầu tiên tại Việt Nam được xây dựng đạt tiêu chuẩn của Hoa Kỳ về thân thiện môi trường và tiết kiệm năng lượng, đồng thời áp dụng phương thức sản xuất tinh gọn trong ngành DM. Nhà máy mới được đưa vào vận hành sẽ nâng tổng doanh thu từ xuất khẩu của Tập đoàn lên mức 200 triệu USD/năm.
Trước đó, Tập đoàn đã đưa hai nhà máy tại tỉnh Bình Dương và Đồng Nai vào hoạt động. Công ty TNHH Tập đoàn DM Yulun Giang Tô (Trung Quốc) đã được tỉnh Nam Định cấp giấy chứng nhận đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất sợi, dệt, nhuộm với tổng vốn đầu tư 68 triệu USD tại Khu công nghiệp Bảo Minh (huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định), dự kiến năm 2016 sẽ đưa vào hoạt động. Nhà máy có công suất 9.816 tấn/năm, dệt 21,6 triệu mét vải/năm, nhuộm 24 triệu mét/năm. Công ty Gain Lucky Ltd. thuộc Tập đoàn Shenzhou International, chuyên sản xuất sản phẩm cho các thương hiệu nổi tiếng như Adidas, Puma, Nike… mới đây đã cam kết đầu tư 140 triệu USD vào TP Hồ Chí Minh. Trong khi đó, Tập đoàn Texhong cho biết, trong năm nay, dự kiến Tập đoàn sẽ nâng công suất nhà máy ở phía Bắc Việt Nam từ 170.000 thoi dệt lên 230.000 thoi dệt… Với thuế suất 0%, xuất khẩu hàng hóa sang Hoa Kỳ được xem là cơ hội lớn đối với các DN có quy mô xuất khẩu lớn. Được biết, sẽ có khoảng 1 tỷ USD của các nhà đầu tư DM nước ngoài sẵn sàng đầu tư vào Việt Nam để đón đầu TPP.
Theo đại diện Tập đoàn DM Việt Nam, nếu TPP góp phần thúc đẩy tốt vào đầu tư nguyên liệu thì các chỉ tiêu về xuất siêu, giá trị gia tăng, tỷ lệ nội địa hóa của ngành đều được nâng cao. Dự kiến, ngành sẽ sớm đạt mục tiêu đạt tỷ lệ nội địa hóa 60% vào năm 2015 và 70% vào năm 2020. Năm 2013, ngành DM đã xuất siêu nguyên liệu sản xuất khoảng 10 tỷ USD. Nếu quy mô này được cải thiện, năm 2015 Việt Nam có thể đạt kim ngạch xuất khẩu khoảng 30 tỷ USD. Lúc đó, giá trị doanh thu để lại tại thị trường Việt Nam sẽ đạt khoảng 17 tỷ USD.
Tuy nhiên, TPP cũng mang lại những thách thức lớn cho các DN Việt Nam. Trước hết, bảng chào thuế cần được cắt giảm nhanh và mạnh mới tạo được lợi nhuận đủ lớn, vì bản chất của cắt giảm thuế là tạo thuận lợi cho nhà đầu tư, nhà sản xuất cũng như nhà mua hàng. Việc cắt giảm thuế mạnh trong giai đoạn đầu là một yếu tố kích thích quan trọng để nguồn vốn đầu tư dồn về Việt Nam. Bên cạnh đó, thách thức về xu hướng đầu tư rất nhanh và mạnh của các nhà đầu tư nước ngoài với lợi thế cả về tài chính, công nghệ và thị trường đều vượt xa so với các DN Việt Nam. Đơn cử như ngành DM Việt Nam trong 5 năm đầu tư thêm được 1,2 triệu cọc sợi, thì chỉ một DN Trung Quốc cũng có thể đầu tư 1 triệu cọc sợi trong vòng 3 năm. Nếu không cẩn thận, việc thu lợi ngay từ những ngày đầu tiên của Hiệp định sẽ không thuộc về DN Việt Nam, mà là các DN FDI.