"Nông trại giáo dục" ở xã Hồng Vân (Thường Tín): Lợi ích thiết thực
Xã hội - Ngày đăng : 06:31, 01/04/2014
Trẻ em đến thăm “Nông trại giáo dục” ở xã Hồng Vân. |
Chị Bùi Phương Lan, quản lý Trường Mầm non Sao Mai cho biết: Trường đã đưa 60 cháu 3-5 tuổi đến nông trại để giới thiệu trực quan cho các con thấy dụng cụ lao động của người nông dân. Các con rất thích thú được cầm cuốc, xẻng để trồng cây, xem và phân biệt nhiều loại cây khác nhau. Hình thức học trực quan này khiến các con rất hào hứng và nhớ lâu hơn là chỉ minh họa qua tranh ảnh. Còn theo chị Đào Minh Hường (ở Hồ Đắc Di, quận Đống Đa) thì đây là không gian khá hấp dẫn cho trẻ, nhất là khi nhiều nơi đang thiếu chỗ vui chơi. Chị Hường cho biết, vào cuối tuần thường đưa hai con đến đây để hưởng bầu không khí trong lành của đồng quê và cho các cháu được thử cấy lúa, cho thỏ ăn, bắt cá…
Trên đây là cảm nhận chung của những người đến với "Nông trại giáo dục VietVillage" của anh Phạm Văn Quỳnh. Vốn là ông chủ 3 vườn cây cảnh (vườn rộng nhất lên tới hơn 2ha) với hơn 1.000 cây các loại nhưng trước tình hình thị trường cây cảnh ảm đạm, anh Quỳnh đã mạnh dạn đề xuất với chính quyền xã cho thử nghiệm mô hình "Nông trại giáo dục" phát triển từ mô hình sinh vật cảnh của mình. Đúng thời điểm địa phương đang thực hiện dồn điền, đổi thửa, UBND xã Hồng Vân đã đồng ý và coi đây là một mô hình thí điểm của Đề án xây dựng nông thôn mới của xã giai đoạn 2011-2015. Giờ đây, diện tích nông trại của anh Quỳnh đã lên tới 7ha, gồm đất trồng cây cảnh, ao cá, vườn rau, chuồng gia súc, gia cầm... Cùng với mục tiêu phát triển kinh tế, anh Quỳnh mong muốn thông qua mô hình nông trại phối hợp với nhà trường và phụ huynh giới thiệu cho các cháu mầm non và học sinh các cấp có thêm kiến thức về thế giới tự nhiên, nghề nông, các trò chơi dân gian, phong tục truyền thống...
Để mỗi chuyến dã ngoại của các cháu là một ngày vui chơi bổ ích và lý thú, nông trại có chương trình chi tiết cho từng lứa tuổi. Nhiều cô giáo cho rằng, các hoạt động tại nông trại thực sự là bài học sinh động, hấp dẫn đối với các em học sinh. Mới đi vào hoạt động từ đầu năm 2012 đến nay nhưng trung bình một năm, nông trại đã đón từ 5 đến 7 vạn khách.
Điều đáng mừng là dù cả xã Hồng Vân chỉ có một nông trại này nhưng khách đến đây dường như được "cả làng" chào đón. Có thể thấy trong những ngày đông khách, xe ô tô xếp hàng dài trên cả đoạn đường thôn Xâm Xuyên nhưng người dân nơi đây vẫn vui vẻ "nhường" cả một nửa làn đường thôn để làm điểm đỗ. Quan trọng hơn, mô hình đã mang lại lợi ích thiết thực cho nông dân thông qua việc bán nông sản cho du khách. Hiện nông trại tạo việc làm thường xuyên cho 20 người, thu nhập 5-7 triệu đồng/tháng và 30 người làm việc theo mùa vụ. Theo Chủ tịch UBND xã Hồng Vân Nguyễn Hải Đăng, UBND huyện Thường Tín đã có quyết định thành lập Hợp tác xã Sản xuất kinh doanh hoa cây cảnh và dịch vụ do anh Phạm Văn Quỳnh làm Giám đốc, nhằm tạo điều kiện để những người nông dân hợp sức với nhau sản xuất lớn giúp đời sống người dân ổn định hơn.