Trời nồm, cảnh giác với bệnh viêm tiểu phế quản

Sức khỏe - Ngày đăng : 06:36, 31/03/2014

Con tôi mới được 2 tháng tuổi, bị lây bệnh từ người thân trong gia đình. Khi đi khám, bác sĩ xác định cháu bị viêm tiểu phế quản, phải tiêm kháng sinh trong 5 ngày. Với thời tiết nồm ẩm như hiện nay, nguy cơ bệnh tái phát là rất lớn; xin hỏi bác sĩ, cần phải làm gì để phòng bệnh? Kim Dung (Phương Mai, Hà Nội)

Con tôi mới được 2 tháng tuổi, bị lây bệnh từ người thân trong gia đình. Khi đi khám, bác sĩ xác định cháu bị viêm tiểu phế quản, phải tiêm kháng sinh trong 5 ngày. Với thời tiết nồm ẩm như hiện nay, nguy cơ bệnh tái phát là rất lớn; xin hỏi bác sĩ, cần phải làm gì để phòng bệnh?
Kim Dung (Phương Mai, Hà Nội)



Bệnh viêm tiểu phế quản thường gặp ở trẻ dưới 1 tuổi và dễ bị tái phát. Bệnh do virus gây ra, khiến trẻ ho từng cơn dữ dội, cơ thể mệt mỏi. Những ngày nồm ẩm, buổi sáng thường lạnh, trưa nắng ấm và tối chuyển lạnh nên nếu phụ huynh cho trẻ mặc quá ấm sẽ khiến mồ hôi toát ra nhiều, dễ bị nhiễm lạnh. Do đó, cha mẹ cần chú ý đến việc mặc quần áo cho con, nên cởi bớt đồ khi trời nắng nóng. Trời nồm là điều kiện thuận lợi để nấm mốc, virus, vi khuẩn sinh sôi phát triển, do đó, đồ dùng mà trẻ thường sử dụng cần được làm vệ sinh thường xuyên, phơi phóng cho khô ráo. Ban đêm, độ ẩm tăng cao, trong phòng ngủ nên có máy hút ẩm để tạo sự thuận lợi cho quá trình hô hấp của trẻ. Quần áo của trẻ cần được là hoặc sấy để loại bỏ những tác nhân gây dị ứng.

Bệnh viêm tiểu phế quản lây truyền từ người sang người, vì vậy, nếu cha mẹ hoặc người trong gia đình bị cảm cúm thì cần cách ly với trẻ. Nếu buộc phải tiếp xúc thì rửa tay bằng xà phòng trước khi chạm vào trẻ. Để phòng bệnh, phụ huynh nên cung cấp cho trẻ đủ dinh dưỡng và cho trẻ bú sữa mẹ càng lâu càng tốt.

Bác sĩ Nguyễn Văn Lộc