Tình trạng mất an ninh trật tự tại các khu đô thị mới: "Hổng" từ khâu quản lý

Giới trẻ - Ngày đăng : 05:50, 31/03/2014

(HNM) - Những vụ mất trộm liên tục xảy ra tại Khu đô thị mới Văn Khê thời gian gần đây đã gây hoang mang cho nhiều cư dân đang sinh sống tại các khu đô thị.



Riêng tại quận Hà Đông có nhiều KĐTM đang trong giai đoạn hoàn thiện như: Văn Khê, Văn Quán, Xa La, Văn Phú, Dương Nội, Mộ Lao... Hầu hết KĐTM này vẫn chưa được bàn giao cho chính quyền địa phương quản lý và đó chính là yếu tố bất cập làm nảy sinh nhiều vấn đề về an ninh trật tự (ANTT)…

Khu nhà hầu hết vẫn bỏ hoang, vắng bóng người qua lại tại Khu đô thị Văn Phú - quận Hà Đông.


Hiện đại, văn minh ở "đầu môi'

KĐTM Văn Phú (quận Hà Đông) rộng hàng chục héc ta, là một trong những KĐT được thiết kế theo mô hình đô thị phức hợp hiện đại, gồm các khu nhà liền kề, biệt thự thông tầng, các tòa cao tầng và công trình phúc lợi xã hội. Dù đã được đưa vào sử dụng từ hơn một năm nay nhưng hiện vẫn còn hàng trăm biệt thự, nhà liền kề trong tình trạng hoang lạnh, không có người ở. Ngày 27-3, khi khảo sát ở khu vực này, chúng tôi phải mỏi mắt mới gặp được cư dân sinh sống tại đây để hỏi thông tin. Ở dãy ngang của một khu nhà liền kề, nơi có 7 ô thì duy nhất một gia đình đã về đây ở. Hàng nước mà ông bà chủ nhà bày bán cũng ít khách qua lại vì khu dân cư còn thưa người. Dù ông bà từ chối khéo không cho biết tên nhưng vẫn trò chuyện vui vẻ, cởi mở với chúng tôi.

Gia đình ông bà vốn quê ở Ứng Hòa, về đây từ năm 2012 đến nay và thấy dãy này vẫn chưa có ai về ở, duy nhất ô đầu dãy có một công ty đã thuê để kinh doanh. Sang năm 2014 có nhiều người chuyển đến ở hơn, còn trong các năm 2012 và 2013 thì rất ít người đến ở. Lân la hỏi chuyện về ANTT ở khu, cả cụ ông và cụ bà đã kể ra hàng loạt vụ "đạo tặc" trộm đồ của nhà dân như "nhảy từ nhà nọ sang nhà kia, cạy cửa, cạy tôn ở tum, mất xe máy, mất gương ô tô... Một cụ ông cùng ngồi hàng nước tiếp lời: "Có trường hợp kẻ trộm còn nằm "canh" ở trên tum, đợi khi chủ nhà đi vắng hết mới nhảy xuống hành sự". Cụ ông này nói: "Ở KĐT nơi ông đang sinh sống, có CA khu vực của phường Phú La và bảo vệ của Ban Quản lý dự án (QLDA) đi tuần tra liên tục. Nhưng thực ra thì những người dân như các cụ vẫn phải tự bảo vệ lấy chính mình vì không ai có thể thường trực 24/24h được. Ông cụ phàn nàn: "Gia đình tôi và các cháu đi làm suốt ngày, hai ông bà phải túc trực ở nhà liên tục, không dám bỏ đi đâu".

Theo tiết lộ của ông cụ bán hàng nước về một vụ trộm cắp mới xảy ra ở khu biệt thự, cách khu liền kề nơi ông bà ở không xa, chúng tôi tìm đến căn biệt thự thuộc dãy BT5. Ngôi nhà còn khá mới, với lối kiến trúc hiện đại và rất "kín cổng cao tường". Một cháu bé ra mở cửa nhưng tỏ ý dò xét với vị khách lạ. Qua lời giới thiệu, cháu bé nói tên là H.H.M đang học lớp 8. Xác nhận về thông tin gia đình bị mất cắp, cháu cho biết: "Đúng là thứ sáu tuần trước nhà cháu đã bị kẻ gian dùng xà beng cạy thanh rào inox đột nhập từ tầng một vào lấy mất chiếc laptop, khi cả nhà đi vắng. Kể từ hôm đó đến nay ông ngoại phải sang trông coi nhà giúp". H.H.M cũng nói gia đình cháu đã có ý định lắp camera chống trộm.

Đi vào sâu vào bên trong KĐT Văn Phú, chúng tôi đếm ở khu liền kề TT12, từ ô 49 đến 90 thì chỉ có 19 ô đã có người ở. Dãy nhà này được coi là một trong những khu có đông người đến ở. Bà Phạm Thị Lộc, chủ nhà số 58, dãy TT12, cho biết: "Bảo vệ của Ban QLDA đều "cắm chốt" ở đường ra vào để kiểm tra, kiểm soát việc vận chuyển trong KĐT nhưng tình trạng mất cắp vẫn xảy ra. Mới cách đây khoảng một tháng một gia đình trong dãy TT12 cũng mất một chiếc xe máy". Để tự bảo đảm an toàn cho chính mình, hầu hết gia đình trong dãy đã lắp camera và quây nhà với phương án "kín cổng cao tường" để chống trộm cắp. Một cư dân ở dãy TT12 cho biết trong tâm trạng lo lắng: "Mỗi sáng thức giấc, nhìn ra phía những dãy nhà liền kề, biệt thự hàng chục tỷ đồng bị bỏ hoang chưa có người ở, mặt tiền càng ngày càng nhem nhuốc, mốc meo, nhiều bãi đất trống phía trước phủ đầy cỏ dại, chúng tôi thấy rất ái ngại và bất an".

Một dãy nhà biệt thự tại Khu Thiên đường Bảo Sơn trong tình trạng bỏ trống, đường đi lại chưa hoàn thiện.


Người dân đang bị bỏ rơi

Quay lại KĐTM Văn Khê (phường La Khê, quận Hà Đông), nơi đã xảy ra một số vụ đục tường vào nhà dân lấy đồ, hạ tầng của KĐT vẫn đang trong quá trình hoàn thiện, nhiều nơi rất nhếch nhác dù đã có người dân về ở. Thậm chí, cổng ra vào KĐT vẫn chưa được xây dựng, người ra người vào tự do. Chỉ chừng ấy cũng đủ cho thấy cuộc sống của người dân ở KĐTM Văn Khê đang ở trong tình trạng bị bỏ rơi..

Về những vấn đề đặt ra tại KĐT này, Chủ tịch UBND phường La Khê Nguyễn Duy Hiến cho biết, thống kê đến thời điểm giữa tháng 3-2014, toàn bộ khu chung cư, biệt thự và liền kề ở KĐT Văn Khê có khoảng hơn 5.500 cư dân đã về sinh sống. Tuy nhiên, theo ông Hiến, trong 9 tòa chung cư thì mới chỉ có tòa CT1, CT2, CT3 và CT4 có Ban Quản trị, còn lại chưa thành lập. "Phường đã có đề xuất với quận Hà Đông thành lập 2 tổ dân phố là Văn Khê 1 và Văn Khê 2 nhưng vẫn chưa thấy có phản hồi", ông Hiến nói. Trong khi đó, UBND phường lại rất khó tiếp cận những thông tin thuộc Ban QLDA. "Chỉ khi phường yêu cầu thì họ mới cử người vào làm việc, rất ít khi họ chủ động", ông Hiến nói. Mới đây lãnh đạo quận Hà Đông đã chỉ đạo khi nào hạ tầng KĐT hoàn thiện thì chính quyền địa phương mới tiếp nhận các KĐTM. Hẳn là vì vậy mà ông Hiến khẳng định, "hiện nay, hạ tầng ở khu Văn Khê chưa hoàn thiện nên chưa được bàn giao".

Con số thống kê ở các khu nhà chung cư mới xen lẫn trong khu dân cư ở phường La Khê cũng cho thấy sự thật đáng buồn khi Ban quản trị tòa nhà chưa được thành lập. Điều đó đồng nghĩa với quyền lợi của người dân không được bảo đảm khi xảy ra các sự cố kỹ thuật hoặc những vụ việc gây mất trật tự trị an. Điển hình là khu nhà cao tầng của Công ty Tư vấn xây dựng thủy lợi trên đường Lê Trọng Tấn (Hà Đông) có khoảng 60 hộ đang ở hay Tiểu KĐT Nam La Khê, trong đó có nhà chung cư An Lạc có khoảng 120 hộ về ở nhưng vẫn chưa có Ban Quản trị khu chung cư. Chỉ có mỗi khu chung cư của Công ty Coma 18, gồm 2 tòa nhà chung cư NC1, NC2 và 59 nhà liền kề đang tiến hành thành lập Ban quản trị và dự kiến sẽ xong trong tháng 3 này.

Rõ ràng, việc quản lý thiếu trách nhiệm của các Ban QLDA cùng những khó khăn, bất cập trong quản lý nhà nước của chính quyền địa phương đối với những KĐTM đang khiến cư dân phải chịu nhiều thiệt thòi dù đã bỏ ra cả đống tiền để mua nhà với những "lời hứa trên trời". Không giấu được bức xúc, nhiều người dân ở KĐTM Văn Khê đã kể ra hàng loạt bất cập như ANTT không bảo đảm, người dân phải dùng điện với giá điện kinh doanh thay giá điện sinh hoạt... Anh Thịnh, đã về sinh sống ở khu nhà liền kề Văn Khê được 2 năm nay đã thể hiện rõ sự không hài lòng, anh cho biết: "Nhà tôi bỏ ra hàng tỷ đồng để mua nhà, mang danh sống ở phố nhưng như chẳng bằng ở quê: ANTT kém, điện dùng giá cắt cổ, đường sá thì nhếch nhác, nham nhở, đi lại rất khổ. Đáng buồn nhất là tổ dân phố không có, bức xúc chả biết kêu ai?".

(Còn nữa)

Chí Kiên - Nguyễn Tùng