Góp thêm nguồn lực xây dựng quê hương

Người Việt bốn phương - Ngày đăng : 06:23, 30/03/2014

(HNM) - Tiếp nối thành công của cuộc gặp mặt các nhà khoa học trẻ Việt Nam tại Hàn Quốc lần thứ nhất năm 2013, mới đây tại Văn phòng Khoa học và Công nghệ ĐSQ Việt Nam ở Hàn Quốc đã diễn ra cuộc gặp lần thứ hai.

Cuộc gặp mặt của các nhà khoa học trẻ Việt Nam tại Hàn Quốc.


Tham gia sự kiện, ngoài các cán bộ ĐSQ Việt Nam tại Hàn Quốc còn có gần 20 nhà khoa học Việt Nam đang làm việc, nghiên cứu tại Hàn Quốc. Trong số đó, có cả những giáo sư người Việt mang quốc tịch của các nước phát triển hàng đầu về khoa học như Mỹ, Canada, Pháp… đang làm việc ở đất nước Kim Chi. Mục đích của cuộc gặp, đúng như Đại sứ Việt Nam tại Hàn Quốc Phạm Hữu Chí cho biết, là nhằm khẳng định tầm quan trọng của phát triển khoa học nước nhà cũng như những ưu thế mà các nhà khoa học Việt Nam tại nước ngoài có thể đóng góp cho sự phát triển của Việt Nam. Trong đó, sự đóng góp ngày càng tích cực của cộng đồng các nhà khoa học Việt Nam tại Hàn Quốc luôn được đánh giá cao.

Theo ông Nguyễn Đình Tâm - Đại diện Văn phòng KH&CN, sau cuộc gặp lần thứ nhất được tổ chức năm ngoái, một số công nghệ đã và đang được tiến hành chuyển giao từ phía Hàn Quốc về Việt Nam. Đặc biệt, vấn đề định hướng nghiên cứu của V-KIST - một mô hình của Viện Khoa học kỹ thuật Hàn Quốc (KIST) đang được nước bạn hỗ trợ xây dựng tại Việt Nam. Vì vậy, trong cuộc gặp lần này, nhiều ý tưởng và trăn trở được đưa ra thảo luận sôi nổi và đầy nhiệt huyết. Tiến sĩ Đoàn Nam Thái đề xuất cần có một kênh để trao đổi thông tin như nhu cầu của các trường, viện, tổ chức nghiên cứu trong nước cũng như ở nước ngoài. Khi hai bên cung và cầu gặp nhau, việc chuyển giao công nghệ về nước sẽ thuận lợi hơn.

Cũng có một số ý kiến cho rằng, cần tận dụng nguồn lực từ các nhà khoa học đang nghiên cứu, học tập ở nước ngoài bằng cách chủ động đưa ra những thông tin nhu cầu để các nhà khoa học có định hướng nhất định trước khi lựa chọn trở về làm việc hoặc hợp tác với các cơ quan trong nước. Các đại biểu dự buổi gặp mặt đều nhất trí rằng, cần thiết phải xây dựng một trang web hoặc một diễn đàn dành riêng cho việc trao đổi thông tin khoa học giữa Việt Nam và Hàn Quốc. Văn phòng KH&CN và Ban liên lạc sẽ thực hiện nhiệm vụ này.

Giáo sư Nguyễn Văn Thịnh, quốc tịch Canada, đang làm việc tại Trường Đại học Quốc gia Seoul, chia sẻ nhiều những tâm tư, trăn trở của một nhà khoa học có kinh nghiệm cho thế hệ đi sau. Đặc biệt là việc hợp tác làm việc với phía Việt Nam còn nhiều khó khăn, nhất là vấn đề thủ tục hành chính, cách thức triển khai trong hợp tác nghiên cứu khoa học. Đây sẽ là một trở ngại lớn cho việc thu hút đầu tư chất xám vào Việt Nam, nếu không gặp người tâm huyết thì rất khó có thể hợp tác triển khai. Cùng chung suy nghĩ này, Giáo sư Nguyễn Hoa Hồng, nhà khoa học Pháp gốc Việt cũng đang làm việc tại Trường Đại học Quốc gia Seoul cho biết: "Cách triển khai công việc của nhiều cơ quan Việt Nam đôi khi còn bất cập. Đơn cử một ví dụ như việc giới thiệu sinh viên cho những học bổng uy tín hàng đầu Hàn Quốc, giáo sư có liên lạc về Việt Nam nhưng hầu như không nhận được câu trả lời đúng thời gian, một trong những tiêu chí quan trọng khi làm việc với các đối tác nước ngoài".

Một trong những thành công của buổi gặp mặt là dưới sự nhất trí của ĐSQ, Văn phòng KH&CN cùng các nhà khoa học đã thống nhất bầu ra Ban liên lạc, một tiền đề để thành lập Hội Các nhà khoa học Việt Nam tại Hàn Quốc trong tương lai. Hy vọng đây sẽ là tiền đề để tập hợp các thành tựu khoa học của những người con xa Tổ quốc đóng góp xây dựng quê hương. 

Nguyễn Ngọc Hoàn