Không để nông dân ”tự bơi”
Góc nhìn - Ngày đăng : 05:53, 30/03/2014
Mặc dù các cơ quan chức năng ở cửa khẩu và UBND tỉnh Lạng Sơn đã cố gắng hết sức; các đơn vị quản lý cửa khẩu phía bạn cũng đã đồng ý tăng giờ thông quan so với quy định. Song do số lượng dưa quá lớn nên không thể xuất hết trong ngày một ngày hai và hậu quả là giá cả giảm sút vì cứ chậm một ngày chất lượng hàng hóa cũng đã khác.
Thực ra đây không phải là lần đầu việc xuất khẩu dưa hấu sang Trung Quốc diễn ra tình trạng này, nó lặp đi lặp lại trong nhiều năm mà hầu như không có bộ, ngành, địa phương nào chịu trách nhiệm và vì thế cũng không ai chịu rút ra bài học. Cuối cùng chỉ có nông dân là chịu thiệt. Vì sao tình trạng ấy cứ diễn ra?
Nguyên nhân đầu tiên là ngành nông nghiệp vẫn chưa có thống kê cụ thể về diện tích cũng như sản lượng dưa hấu ở các địa phương được cho là "thủ phủ" như: Quảng Ngãi, Phú Yên, Bình Định… Trong khi đó họ lại không có trách nhiệm lo đầu ra cho sản phẩm rau quả nói chung và dưa hấu nói riêng, công việc này do ngành công thương đảm nhiệm. Vì hai ngành không có sự kết hợp nên không thể biết số lượng tiêu thụ trong nước, nhu cầu xuất khẩu là bao nhiêu, do vậy không thể đưa ra khuyến cáo đến bà con nông dân: tăng hay giảm diện tích trồng dưa hấu hoặc thay bằng rau quả khác để tránh thua thiệt. Thế là nông dân chỉ trồng loại quả mà họ có, không tính đến nhu cầu thị trường và hậu quả đang xảy ra ở cửa khẩu Tân Thanh.
Nguyên nhân thứ hai là sự thờ ơ của chính quyền địa phương ngay cả khi họ được cảnh báo bằng văn bản của UBND tỉnh Lạng Sơn. Từng chứng kiến dưa hấu và vải tươi phải đổ bỏ, tỉnh này nhiều lần ra thông báo tới các địa phương sản xuất và xuất khẩu rau quả qua cửa khẩu Tân Thanh với nội dung rất cụ thể: Điều chỉnh thời gian thu hoạch, san sẻ lượng hàng hóa vận chuyển để bảo đảm không bị dồn dẫn đến bị ép giá nhưng UBND tỉnh Lạng Sơn chưa bao giờ nhận được sự hợp tác. Ngoài ra còn nguyên nhân khác là rau quả trong nước xuất khẩu sang Trung Quốc thường không phân loại, nên thương lái nước bạn phải tổ chức làm việc này dẫn đến giao thương diễn ra chậm.
Xuất khẩu dưa hấu chỉ là một trong rất nhiều câu chuyện về người nông dân luôn ở trong tình trạng bấp bênh khi sản xuất và tiêu thụ rau quả. Nông dân chiếm tới 80% dân số cả nước và chính họ là trụ đỡ khi kinh tế Việt Nam bị ảnh hưởng từ khủng hoảng kinh tế thế giới. Bài học từ quả dưa hấu cho thấy không thể để nông dân "tự bơi", mà các cơ quan chức năng phải giúp họ.