Bán đảo Triều Tiên: Không ngừng tăng nhiệt

Thế giới - Ngày đăng : 05:49, 30/03/2014

(HNM) - Sau gần một giờ thảo luận kín, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) đã ra thông báo lên án các vụ thử tên lửa mới đây của Triều Tiên.

Khẳng định hành động trên vi phạm nghị quyết của LHQ, các thành viên của HĐBA đã nhất trí sẽ tiến hành tham vấn nhằm nhanh chóng đưa ra một phản ứng phù hợp trước các động thái này của Triều Tiên. Một trong những biện pháp trừng phạt Bình Nhưỡng mà cơ quan quyền lực nhất hành tinh này vẫn còn để ngỏ là khả năng mở rộng danh sách cấm vận đối với những cá nhân liên quan đến chương trình tên lửa của Bình Nhưỡng.

Bán đảo Triều Tiên nóng lên sau các vụ thử tên lửa của Bình Nhưỡng.


Đó là những phản ứng mạnh mẽ nhất vừa được HĐBA LHQ đưa ra sau sự kiện Triều Tiên bắn 2 quả tên lửa đạn đạo tầm trung từ phía bắc thủ đô Bình Nhưỡng ra ngoài khơi bờ biển phía đông nước này. Theo quan sát của quân đội Hàn Quốc, hai tên lửa được Triều Tiên phóng đi thuộc loại Rodong có tầm bắn 1.000 - 1.500km và đã bay khoảng 650km trước khi rơi xuống biển. Đây là lần đầu tiên Bình Nhưỡng phóng loại tên lửa này trong gần 5 năm qua, sau hai lần phóng trước đó vào tháng 7-2009 và tháng 7-2006. Vụ việc chỉ diễn ra chưa đầy 10 ngày sau khi Bình Nhưỡng cho phóng thử hàng chục tên lửa tầm ngắn.

Sau những tuyên bố lên án của Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản liên quan đến các hoạt động phóng tên lửa của Triều Tiên, quyết định của HĐBA LHQ được nhìn nhận là động thái mới nhất nhằm tăng sức ép đối với Bình Nhưỡng. Mặc dù chính quyền của Chủ tịch Kim Jong-un khẳng định đây chỉ là hoạt động diễn tập thông thường, nhưng bối cảnh hiện nay tại bán đảo Triều Tiên lại mang đến nhiều suy nghĩ khác nhau. Sự kiện đang làm tăng nhiệt tại khu vực bán đảo Đông Bắc Á khi Hàn Quốc và Mỹ bắt đầu cuộc tập trận chung có quy mô nhất trong những năm gần đây nhằm mục đích tăng cường năng lực quốc phòng giữa hai nước mang tên "Rồng đôi" - một trong những hoạt động của các cuộc diễn tập chung thường niên Mỹ - Hàn bắt đầu từ ngày 24-2 đến 18-4. Có quy mô hơn hẳn bất kỳ một cuộc tập trận nào trong quá khứ, "Rồng đôi" được xem như một động thái thể hiện sự dịch chuyển chính sách về Châu Á của chính quyền Tổng thống B.Obama. Tuy nhiên, cuộc diễn tập đã vấp phải sự phản ứng gay gắt từ phía Triều Tiên khi cho rằng đây là hành động đe dọa chủ quyền nước này và gây căng thẳng tại khu vực.

Ngoài ra, vụ phóng thử tên lửa tầm trung của Bình Nhưỡng diễn ra gần như cùng với thời điểm Tổng thống Mỹ B.Obama chủ trì một cuộc họp thượng đỉnh với Nhật Bản và Hàn Quốc bên lề Hội nghị Thượng đỉnh An ninh hạt nhân lần thứ ba tại La Haye (Hà Lan). Một trong những nội dung nhận được sự đồng thuận cao nhất của cả ba nhà lãnh đạo Mỹ - Nhật Bản - Hàn Quốc là tìm giải pháp cho vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên. Điều này được xem là yếu tố căn bản để mang đến sự ổn định lâu dài cho khu vực Đông Bắc Á và hòa bình thế giới.

Dẫu vậy, cùng với các tuyên bố đáp trả mạnh mẽ và đưa ra những biện pháp trừng phạt sau khi Bình Nhưỡng tiến hành các vụ thử tên lửa trước đây, Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye vừa đề xuất một gói viện trợ kinh tế quy mô lớn dành cho Triều Tiên nếu Bình Nhưỡng chấp thuận từ bỏ chương trình hạt nhân của nước này. Phát biểu khi đang ở thăm thành phố Dresden của Đức, bà Park Geun-hye một lần nữa nhấn mạnh: Hai miền Triều Tiên cần gạt bỏ tình trạng đối đầu và chuẩn bị cho nỗ lực thống nhất. Theo đó Hàn Quốc đề xuất hỗ trợ Triều Tiên phát triển kinh tế, nông nghiệp và cơ sở hạ tầng, tham gia hệ thống tài chính quốc tế cũng như tăng cường trao đổi thông qua việc thành lập các văn phòng liên lạc ở hai miền. Với cách tiếp cận ngoại giao mềm dẻo này, nữ chủ nhân Nhà Xanh muốn phát đi thông điệp xây dựng lòng tin để đặt nền tảng cho việc tái thống nhất hai miền cũng như phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.

Mặc dù chưa đưa ra quan điểm sau đề xuất trên của Hàn Quốc, nhưng Bình Nhưỡng đã nhiều lần bác bỏ ý tưởng từ bỏ chương trình hạt nhân với lý do nó cần thiết để đối phó với chính sách thù địch từ bên ngoài. Và ngay sau khi thực hiện vụ phóng thử tên lửa tầm trung, Triều Tiên đã tiến hành tập trận quân sự với mục tiêu giả định là các boongke ở vị trí tiền tiêu của Hàn Quốc. Như thế để thấy rằng bán đảo Triều Tiên vẫn luôn tiềm ẩn những yếu tố gây bất ổn khi giữa các bên vẫn thiếu tin tưởng vào nhau. Để hạ nhiệt căng thẳng cũng như đẩy nhanh tiến trình phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, sự thiện chí của các bên liên quan không thôi vẫn chưa đủ mà đòi hỏi mỗi bên phải có những bước đi cụ thể để hiện thực hóa những cam kết của mình.

Đình Hiệp