Hàng rong ở Hà Nội xưa và nay
Giới trẻ - Ngày đăng : 05:42, 30/03/2014
Ở góc độ xã hội, hàng rong có những mặt tích cực song mặt khác đây cũng là vấn nạn trong quản lý đô thị. |
Hàng rong có từ bao giờ?
Từ thế kỷ XVII, các nhà buôn, nhà truyền giáo phương Tây đã đến Thăng Long. Họ gọi thành phố này là Kẻ Chợ vì dân cư đông đúc, chỗ nào cũng thấy kẻ mua, người bán. Chợ không chỉ có ở các phường nghề mà còn họp ở cửa thành, cửa sông, bến đò… Buôn bán nhộn nhịp vì Thăng Long không chỉ là Kinh đô mà còn là thị trường lớn nhất Đại Việt.
Tuy nhiên, chợ ở Thăng Long có từ trước khi người phương Tây đặt là Kẻ Chợ. Năm 1035, nhà Lý "mở chợ Tây Nhai với hành lang dài" (vào quãng chợ Ngọc Hà bây giờ). Cũng thời gian này, "vua Lý Thái Tông cho mở chợ về Cửa Đông (quãng phố Hàng Buồm ngày nay), hàng quán chen chúc sát đến bên đền Bạch Mã, rất huyên náo". Trong "Dư địa chí", Nguyễn Trãi cũng đã nói đến phố Việt Đông, nơi buôn bán của người Hoa. Từ thế kỷ XVII-XVIII, mạng lưới chợ phát triển mạnh mẽ vì Thăng Long là nơi đô hội, tập trung đông người, có nhiều phố trong phường nên mật độ chợ dày đặc hơn ở các nơi khác, nhất là khu vực "36 phố phường". "Hoàng Việt dư địa chí" của Phan Huy Chú viết: "Thăng Long có 8 chợ: Cửa Đông, Cửa Nam, Huyện, Đình Ngang, Bà Đá, Văn Cử, Bác Cử và chợ Ong Nước". Sang thế kỷ XIX, lại thêm nhiều chợ mới, sách "Đại Nam nhất thống chí" ghi rõ là chợ Mới (phố Hàng Chiếu), chợ Đông Thành (phố Hàng Vải, Hàng Gà), chợ Yên Thọ (Ô Cầu Dền) và chợ Yên Thái (Bưởi ngày nay).
Chợ nhiều nhưng họp theo phiên. Và kiểu họp này diễn ra từ lâu, sứ giả Trung Hoa là Trần Cương Trung sang Việt Nam vào đời Trần đã viết: "Cứ hai ngày chợ họp một lần". Song các sách chép khác nhau về thời gian. Trong du ký của Dampier, tác giả người Anh này viết: "Ở Kẻ Chợ, chợ họp trong tất cả mọi ngày". Còn Samuel Baron trong cuốn "Miêu tả vương quốc xứ Đàng Ngoài" (xuất bản năm 1683) lại cho rằng "chợ họp tháng hai phiên vào ngày sóc và ngày vọng" (ngày rằm và mùng một). Trong "Vũ trung tùy bút", Phạm Đình Hổ viết: "Ở kinh kỳ, phiên chợ là các ngày 1, 6, 11, 14, 15, 21, 26, 30". Chợ phiên không họp từ sáng đến chiều tối, chỉ họp đến quá trưa là vãn người, vãn hàng.
Chợ họp theo phiên đã gây khó khăn cho nhiều người có nhu cầu, vì thế nên hàng rong ra đời. Mặt khác, nền kinh tế tự sản tự tiêu buộc họ phải bán sản phẩm để có tiền mà không cần chờ đến phiên. Ca dao, tục ngữ Hà Nội có nhiều câu nói đến các cô bán hàng rong:
Em là con gái Kẻ Mơ
Em đi bán rượu tình cờ gặp anh.
Không chỉ dân ven Thăng Long, người tứ chiếng cũng mang sản phẩm tự làm về bán rong. Các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian nhận định: Tục bán muối sáng mùng một Tết bắt nguồn từ dân vùng biển gánh muối bán lẻ ở Thăng Long. Trong cuốn "Miêu tả vương quốc xứ Đàng Ngoài" có một đoạn viết về hàng rong như sau: "Thăng Long có nhiều chợ nhưng vẫn có người bán hàng rong, họ bán các mặt hàng do chính họ làm ra. Vì không phải dân Thăng Long nên họ không thể mở cửa hàng ở các phường nghề". Ngoài lý do như Baron đưa ra, còn có lý do khác, người bán hàng rong là người nghèo, họ không có tiền để trả phí ngồi trong chợ. Thật khó xác định hàng rong có từ bao giờ nhưng chắc chắn nó xuất hiện trước khi Baron mô tả trong cuốn sách của mình.
Hàng rong thời Pháp thuộc
Thực dân Pháp đánh chiếm thành Hà Nội năm 1882 nhưng đến năm 1885, an ninh vẫn phức tạp, quân Cờ Đen nghênh ngang, trộm cướp lộng hành, các quy định do Tòa Đốc lý ban ra chưa nhiều nên hàng rong khá tự do. Trong cuốn "Một chiến dịch ở Bắc kỳ" (Une Campagne au Bắc kỳ, xuất bản 1892), bác sĩ Hocquard, người theo chân quân đội viễn chinh Pháp đã viết về hàng rong: "Một anh bán thịt lợn rong đang rao hàng trên phố, tôi không hiểu ý nghĩa của tiếng rao. Anh mang trên vai một thanh tre dài (đòn gánh), một đầu thanh tre là thịt lợn đã xẻ và đầu kia là chiếc bàn nhỏ, cân cán gỗ và dao…". Hà Nội đã đổi khác khi Chính phủ Pháp chính thức bảo hộ Bắc kỳ và Hà Nội thành nhượng địa năm 1888. Chính quyền thành phố quản lý xã hội theo luật của Pháp quốc, các quy định của triều Nguyễn không còn giá trị. Trong giai đoạn này, thu ngân sách nhiều nhất là thuế chợ gồm: Thuế hàng hóa, chỗ ngồi nên hội đồng thành phố đã quyết định cho tăng số phiên ở chợ Đồng Xuân và các chợ khác. Thành phố cũng ra quyết định đánh thuế người bán hàng rong bằng cách thu theo ngày và họ chỉ được phép dừng gánh ngay sát cửa nhà người mua, tuyệt đối cấm bán trên vỉa hè. Chủ nhà để người bán hàng rong ngồi bán trước cửa nhà sẽ bị phạt.
Để người mua biết mình bán gì, người bán hàng rong buộc phải rao. Cuốn "Quảng tập viêm văn" (Chrestomathie Anamite, xuất bản ở Paris năm 1898), Edmond Nordemann, tác giả cuốn sách đã liệt kê ra 31 mặt hàng bán rong thông qua tiếng rao gồm: Bán cá biển, các loại bánh, hàn nồi, vá võng, thu mua đồ đồng nát… Trong bộ tranh khắc "Kỹ thuật của người An Nam" (Tchnique du Peuple Annamite, xuất bản năm 1912), tác giả Henri Oger đã khắc khá nhiều bức liên quan tới hàng rong như: Bán đồ thủ công, thực phẩm. Khi các khu phố mới được xây dựng ở phía đông và nam Hồ Gươm (ngày nay là phố Ngô Quyền, Lê Phụng Hiểu, Tràng Tiền, Tràng Thi, Hai Bà Trưng, Trần Hưng Đạo…) và phía tây nam (nay là phố Lê Hồng Phong, Cao Bá Quát, Chu Văn An…) đông đúc dân cư là người Pháp và người Việt giàu có thì chính quyền ra lệnh cấm hàng rong không được bán tại những con phố này.
Theo thời gian, hàng hóa bán rong đa dạng hơn. Cuốn "Hàng rong và tiếng rao trên phố Hà Nội" của F.Fénis xuất bản năm 1929 in 28 ký họa do sinh viên Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương vẽ cho thấy có thêm rất nhiều mặt hàng như: Tào phớ, kem, quả dâu, mía đã tiện thành khẩu, báo… Từ năm 1930 đến 1945, cùng với con sen, thằng xe, cơm đầu ghế… hàng rong cũng là đối tượng phản ánh của các nhà văn hiện thực phê phán. Báo "Trung Bắc tân văn" đã đăng truyện ngắn "Hạt ngọc trên phố" của Vũ Sang kể về một bà đầm già ở khu phố nam Hồ Gươm mê món cốm Vòng. Cứ vào mùa, ngày nào bà ta cũng sai con sen gọi cô bán cốm rong đến nhà…
Nữ nhà văn Pháp Hilda Arnhold vô cùng mê tiếng rao của người bán hàng rong và bà đã viết cuốn sách "Bắc kỳ - Phong cảnh và ấn tượng" trong đó tả chi tiết về tiếng rao, thân phận của họ, những người mà theo bà là tầng lớp nghèo trong xã hội.
Hàng rong thời nay
Sau ngày tiếp quản Thủ đô (10-10-1954), hàng rong ít hơn vì chính quyền yêu cầu người nhập cư về quê làm nông nghiệp khi họ đã được chia ruộng đất. Trong giai đoạn Mỹ đánh phá miền Bắc, hàng rong cũng ít do chiến tranh và hàng hóa khan hiếm. Tuy nhiên, tại các bến tàu, bến xe, trên các tuyến tàu điện vẫn có một lượng người bán rong, họ bán đồ dùng sinh hoạt như: Rút dép, dây chun, bấc đèn, kim băng, lơ tẩy… cùng cao dán nhọt, dầu nóng…
Hơn hai chục năm nay, bán rong xuất hiện nhiều hơn, mặt hàng đa dạng hơn và phương tiện, ngoài quang gánh hay khoác vai như trước, họ dùng xe đạp, xe đẩy đi khắp phố phường, dùng loa để rao hàng. Tại sao Hà Nội có rất nhiều chợ truyền thống, lại thêm siêu thị và hầu như ngõ ngách nào cũng có nhà bán tạp hóa, hàng quà mà hàng rong vẫn không giảm? Có lẽ ngoài sự tiện lợi thì hàng rong giá rẻ hơn vì không phải đóng thuế, không mất tiền thuê cửa hàng. Đó là những lý do chính để hàng rong tồn tại. Và ở góc độ văn minh đô thị, hàng rong quả là vấn nạn song không dễ giải quyết…