Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - EU: Tìm kiếm sự đoàn kết
Thế giới - Ngày đăng : 06:57, 29/03/2014
Với kỳ vọng tạo một "mặt trận thống nhất" nhằm ứng phó với Nga sau sự kiện sáp nhập bán đảo Crimea, các cuộc trao đổi giữa người đứng đầu Nhà Trắng với các nhà lãnh đạo EU đã kết thúc với những cái "bắt tay" thật chặt.
Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - EU tại Brussels (Bỉ). |
Không vướng phải tranh cãi, Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - EU tại Brussels kéo dài chỉ 90 phút. Thế nhưng, chừng ấy cũng đủ để Tổng thống B.Obama, Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Herman Van Rompuy và Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Jose Manuel Barroso đề cập đến nhiều vấn đề của hiệp định TTIP, trong đó nổi lên vấn đề bãi bỏ hàng rào thuế quan, thống nhất tiêu chuẩn chung cho hàng hóa và dịch vụ. Ý thức được ảnh hưởng do mối quan hệ căng thẳng với Nga liên quan đến vấn đề khí đốt, lãnh đạo hai bờ Đại Tây Dương cùng khẳng định EU cần đa dạng hóa các nguồn cung cấp năng lượng và hai bên đang xem xét hợp tác để đạt mục tiêu đó. Người đứng đầu Nhà Trắng cho rằng hiệp định đang trong quá trình đàm phán này sẽ giúp việc cung cấp khí đốt từ Mỹ tới Châu Âu dễ dàng hơn. EU kỳ vọng vào khả năng nhập khẩu khí hóa lỏng của Mỹ trong tương lai. Điều này làm giảm sự phụ thuộc năng lượng vào Nga cũng như đem lại lợi ích cho Châu Âu và các đối tác chiến lược khác.
Mặc dù vậy, nội dung được dư luận quan tâm nhất là sự hợp tác đồng minh Âu - Mỹ trong cuộc chiến ngoại giao với Nga. Điều Washington mong muốn là bạn hữu tại Cựu lục địa cần thể hiện sự thống nhất trong biện pháp gây sức ép với Nga. Thực tế là dù cả hai đều có những tuyên bố mạnh mẽ nhưng người đứng đầu Nhà Trắng vẫn nghi ngại sự thiếu nhất quán của EU trong các biện pháp trừng phạt kinh tế nhằm vào Nga, một trong những đối tác thương mại lớn nhất của khối này. Ông B.Obama đã cảnh báo, căng thẳng tại Ukraine nếu tiếp tục leo thang có thể dẫn tới một hình phạt sâu rộng hơn nhằm vào nền kinh tế Nga, trong đó có lĩnh vực năng lượng. Nhưng chính Washington từng thừa nhận rằng, biện pháp trừng phạt của Mỹ có thể "lệch pha" với Châu Âu do sự ràng buộc chặt chẽ về kinh tế, thương mại và đầu tư giữa EU với Nga. Hiện thương mại của Châu Âu và Nga chiếm khoảng 1% GDP của EU và 15% GDP của Nga. Nền kinh tế "ốm yếu" chưa kịp phục hồi của EU chưa thật sự sẵn sàng cho các lệnh trừng phạt mạnh mẽ hơn đối với "người bạn làm ăn" ở phía Đông. Tâm lý e ngại Nga có thể cắt nguồn cung khí đốt, khiến giá năng lượng tại EU sẽ "phi nước đại", ảnh hưởng mạnh tới kinh tế EU trong trường hợp "cuộc chiến kinh tế" leo thang là một thực tế. Sự phụ thuộc vào năng lượng Nga cũng như quan hệ thương mại tiềm năng giữa hai bên là lý do khiến nội bộ EU dễ "lục đục" về quyết định trừng phạt Mátxcơva. Ðó là lý do vì sao người đứng đầu nước Mỹ đã dành phần lớn thời gian chuyến thăm để thuyết phục các nước còn do dự, cũng là những đồng minh mạnh nhất ở Châu Âu, gồm Ðức, Pháp và Anh. Với sản lượng dự kiến 2.000 tỷ feet khối khí tự nhiên trong năm 2014, Mỹ được xem là nhà cung cấp năng lượng hào phóng cho EU. Giám đốc điều hành của Công ty Nghiên cứu BTIG William Frohnhoefer cho biết: "Nếu Ukraine và các quốc gia khác phụ thuộc vào Nga về khí đốt có thể giảm sự phụ thuộc này bằng cách dũng cảm tìm kiếm các nguồn cung cấp khác, thì đó sẽ là Mỹ".
Dù trước đó vẫn còn những khúc mắc trong mối quan hệ giữa hai đồng minh chủ chốt Âu - Mỹ, nhưng vấn đề Crimea dường như đã làm lu mờ bớt khác biệt giữa hai bờ Đại Tây Dương. Việc phải tìm kiếm một sự đoàn kết đã đưa các lãnh đạo Châu Âu và Mỹ hợp tác khăng khít hơn trong đối phó với các biến cố địa chính trị và khẳng định vị thế quốc tế.