Chuyển động từ "đầu tàu"
Góc nhìn - Ngày đăng : 06:34, 29/03/2014
Đó là những con số khá ấn tượng. Tuy nhiên, khi tốc độ đô thị hóa ngày càng mạnh mẽ, khu vực thành thị liên tục mở rộng, cộng với xu hướng di cư vào Thủ đô đang ngày càng gia tăng, cũng đòi hỏi nhiều chuyển đổi trong nếp sống người dân. Trong đó sự thích nghi về văn hóa, ứng xử cũng sẽ có những thay đổi. Nhưng sự thay đổi ấy có tích cực hay không còn là vấn đề thời gian và quan trọng hơn là phương pháp điều chỉnh, cùng với tư duy quản lý của chính quyền có ý nghĩa định hướng cho người dân. Việc Hà Nội triển khai "Năm trật tự và văn minh đô thị" cho thấy mục tiêu mà lãnh đạo thành phố đặt ra là khá rõ ràng, nhằm tạo sự chuyển biến thực chất trong ý thức, trách nhiệm của từng cấp, ngành và của từng người dân, tăng cường kỷ cương trật tự và xây dựng nếp sống văn minh đô thị.
Thực tế thời gian qua, sau khi có sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị thành phố thì diện mạo phố phường đã khá hơn. Nhưng nhìn về tổng thể thì ý thức của người dân trong việc thực hiện nếp sống văn minh đô thị chưa có sự đột phá cơ bản. Cách thức chấp hành pháp luật của không ít người dân còn mang nặng biểu hiện đối phó. Một bộ phận dân cư đô thị vẫn giữ lối sống, cách ứng xử tùy hứng, nặng về lợi ích cá nhân. Mặt khác, do hạ tầng đô thị còn chưa theo kịp, thậm chí là bất cập so với tốc độ đô thị hóa khiến cho người dân khi tham gia vào các hoạt động công cộng như giao thông, kinh doanh, văn hóa… thường phải tự "ứng xử linh hoạt" theo điều kiện thực tế. Và chính cái sự "linh hoạt" ấy (như đi xe trên vỉa hè khi bị tắc đường) lại dẫn đến những hậu quả xấu, vi phạm pháp luật, khiến cho việc xây dựng nếp sống văn minh, ý thức chấp hành pháp luật trong cư dân đô thị khó khăn hơn.
Theo ý kiến của Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị thì "chỉ cần 5 đến 10% người dân không chấp hành luật lệ giao thông, đổ rác không đúng nơi quy định, xây dựng không đúng phép thì mục tiêu đặt ra trong "Năm trật tự và văn minh đô thị" khó thực hiện được".
Quả sẽ thật khó nếu như người dân hình thành thói quen sống theo "lệ" hơn là theo "luật". Vì thế, muốn thay đổi ý thức người dân thì chính thái độ và giải pháp ứng xử của những "đầu tàu", tức là các cán bộ lãnh đạo, các nhà hoạch định và thực thi chính sách phải gương mẫu, công minh và nghiêm túc. Cán bộ công quyền cần phải tránh cách hành xử "cảm tính" dễ tạo cho người dân ý thức chấp hành theo kiểu "cảm tính".
Phải có chiến lược lâu dài và bền bỉ, tránh lối thực thi kiểu "đánh trống bỏ dùi". Thói quen, lối sống của người dân không phải là thứ bất biến, nhưng để thay đổi nó cũng cần phải có thời gian đủ dài, phù hợp với nhu cầu phát triển. Và đặc biệt muốn thay đổi thói quen ứng xử của người dân thì trước hết phải từ các nhà lãnh đạo quản lý.