Nhiều thách thức về an ninh nguồn nước

Xã hội - Ngày đăng : 06:32, 28/03/2014

(HNM) - Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, Việt Nam có 108 lưu vực sông, với 3.450 sông, suối tương đối lớn và tổng lượng nước trung bình hằng năm khoảng 830 tỷ mét khối (chiếm khoảng 63%).



Tuy nhiên lượng nước này chủ yếu từ nước ngoài chảy vào và tập trung ở một số lưu vực sông lớn nên về cơ bản Việt Nam vẫn là quốc gia thiếu nước. Nếu không kịp thời có những giải pháp chiến lược, Việt Nam sẽ phải đối mặt với tình trạng khan hiếm nước, an ninh nguồn nước bị đe dọa nghiêm trọng.

Vận hành hệ thống xử lý nước tại Công ty TNHH một thành viên nước sạch Hà Đông. Ảnh: Linh Ngọc


Tại lễ mít tinh quốc gia hưởng ứng Ngày nước thế giới 2014 tổ chức mới đây, Bộ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Minh Quang cho biết, Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức về bảo đảm an ninh nguồn nước. Gần 2/3 lượng nước được hình thành từ ngoài lãnh thổ nhưng chúng ta chưa có cơ chế, biện pháp hiệu quả để hợp tác, chia sẻ giữa các quốc gia có chung nguồn nước, trong khi các quốc gia ở thượng nguồn đang tăng cường các hoạt động khai thác, sử dụng. Bên cạnh đó, việc triển khai cơ chế điều phối, giám sát các hoạt động phối hợp của các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, cộng đồng và người dân để giải quyết những vấn đề chung trên phạm vi lưu vực sông còn thiếu hiệu quả… Điều này đòi hỏi chúng ta phải đổi mới các chính sách, chiến lược quản lý tổng hợp, đa mục tiêu về tài nguyên nước nhằm bảo đảm khai thác, phân phối, sử dụng tài nguyên nước một cách bền vững.

Các chuyên gia khuyến cáo, để bảo đảm an ninh nguồn nước, các ngành chức năng cần sớm xây dựng những công cụ quản lý để bảo đảm rằng nước là hàng hóa kinh tế, người sử dụng và người gây ô nhiễm sẽ phải trả tiền, đồng thời phải ứng dụng công nghệ kỹ thuật hiện đại cũng như nâng cao trách nhiệm quản lý nhà nước về nguồn tài nguyên nước. Đại diện Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam nhấn mạnh, đối với một quốc gia đang phát triển như Việt Nam, lĩnh vực năng lượng và công nghiệp cần phải có lựa chọn thông minh các công nghệ làm mát nhà máy thủy điện, nhiệt điện nhằm giảm tiêu thụ nước và rút nước từ hồ chứa. Đồng thời, cũng phải lưu ý việc phân chia nguồn nước dựa trên các nhu cầu nước chất lượng như tái sử dụng nước thải qua xử lý để giảm áp lực về nhu cầu trong nước.

Thời gian tới, Bộ TN&MT sẽ phối hợp với ngành, địa phương tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm như: Tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về tài nguyên nước; tăng cường bảo vệ tài nguyên nước, đặc biệt là bảo vệ rừng đầu nguồn; đẩy mạnh thanh - kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm pháp luật về tài nguyên nước; tập trung xây dựng các quy trình vận hành liên hồ chứa trên các lưu vực sông; nghiên cứu, xây dựng hệ thống giám sát tài nguyên nước ở trong và ngoài nước nhằm cung cấp thông tin, số liệu chính xác, kịp thời về diễn biến số lượng, chất lượng nước, những vấn đề về ô nhiễm, cạn kiệt dòng sông và kiểm tra, giám sát việc vận hành các hồ chứa; triển khai cơ chế điều phối, giám sát các hoạt động khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước trên các lưu vực sông liên tỉnh, trước mắt là thành lập các tổ chức lưu vực sông, xây dựng cơ chế điều phối chung trên từng lưu vực để huy động sự tham gia của các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, cộng đồng và người dân để giải quyết có hiệu quả hơn những vấn đề chung trên phạm vi toàn lưu vực.

Sở TN&MT Hà Nội đã nhiều lần có văn bản yêu cầu các địa phương xử lý nghiêm các hộ dân khoan giếng và chủ đội khoan khai thác nước ngầm trái phép. Theo quy định, các hộ có nhu cầu khai thác nước dưới đất để phục vụ sinh hoạt phải đăng ký tại UBND các phường, xã, thị trấn và phải thuê đơn vị thi công có giấy phép hành nghề khoan nước dưới đất. Trường hợp nào để xảy ra sự cố sụt lún, hộ thuê khoan và đơn vị khoan giếng phải bồi thường thiệt hại do việc khoan khai thác nước ngầm gây ra.

Tuấn Khải