Câu chuyện không có hồi kết?
Giới trẻ - Ngày đăng : 06:18, 28/03/2014
Trong ngày 27-3, nhóm PV Báo Hànộimới đã làm việc với các cơ quan chức năng nhằm làm rõ trách nhiệm trong việc để cơ sở Minh Ngọc gian dối, dùng thương hiệu "sạch" lừa đảo người tiêu dùng suốt một thời gian dài. Vụ việc này lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về những bất cập trong công tác quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm...
Nhiều thủ đoạn tinh vi
Đó là điều mà Trung tá Phạm Giang Sơn, Đội trưởng Đội 6, Phòng Cảnh sát Môi trường Công an TP Hà Nội cũng như ông Đỗ Phú Sơn, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y Hà Nội khẳng định trong buổi tiếp PV Báo Hànộimới.
Theo Trung tá Sơn, không chỉ có vụ việc hô "biến" gia cầm trôi nổi trên địa bàn thành gia cầm "sạch" của cơ sở Minh Ngọc (địa chỉ tại số 11A, ngõ 312, đường Bạch Đằng, phường Chương Dương, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) mà thời gian qua, các trinh sát của Đội 6 đã phát hiện, triệt phá nhiều vụ vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP), với nhiều thủ đoạn tinh vi. Đơn cử như vụ việc bắt lô cá tầm xuất xứ từ Trung Quốc tuồn vào Việt Nam. Trước đây, các đối tượng buôn lậu trực tiếp đánh xe tải 3,5 tấn đi chở cá lậu từ khu vực biên giới Lạng Sơn, Quảng Ninh…, di chuyển chủ yếu vào ban đêm, để đưa vào chợ đầu mối Yên Sở (Hà Nội) thì hiện nay, phương thức buôn lậu đã hoàn toàn khác. Các đối tượng chia nhỏ lẻ các sản phẩm này, chuyên chở bằng xe taxi, xe khách 45 chỗ và liên tục thay đổi lộ trình, không đi trực tiếp từ Quảng Ninh về Hà Nội mà từ Quảng Ninh qua Hải Phòng rồi mới về Hà Nội. Khó khăn nhất để triệt phá các đường dây tuồn thực phẩm "bẩn" vào thị trường Hà Nội chính là việc nắm được quy luật… không theo quy luật của tội phạm. Bởi vậy thời gian qua, Đội 6 là chủ công trong việc ngăn ngừa đưa các sản phẩm nhập lậu xuất xứ từ Trung Quốc như cá tầm, cá chình, đỗ xanh, đỗ đen, đỗ tương hạt… không bảo đảm VSATTP vào tiêu thụ tại địa bàn Hà Nội. Gần đây nhất, ngày 12-3-2014, sau quá trình trinh sát, Đội 6 và Đội Quản lý thị trường số 1 (Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội) đã kiểm tra ô tô khách BKS 15B - 001.51 đang dừng đón trả khách tại chợ cá Yên Sở, phát hiện 4 thùng xốp chứa toàn cá trình nhập lậu. Qua kiểm đếm số cá trên có trọng lượng khoảng 84kg trị giá hơn 37 triệu đồng được đối tượng Hoàng Anh Tuấn (SN 1975) ở Đan Phượng, Hà Nội thu gom từ Móng Cái về tiêu thụ ở thị trường Hà Nội. Cơ quan chức năng đã tiến hành xử phạt Hoàng Anh Tuấn về hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu và buộc tiêu hủy hoàn bộ lô cá trình trên.
Trong khi đó, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y Hà Nội Đỗ Phú Sơn khẳng định, vụ việc cơ sở Minh Ngọc sử dụng con dấu giả đóng lên gia cầm là vi phạm pháp luật. Về nguyên tắc, con dấu do cán bộ thú y quản lý và đóng tại nơi giết mổ gia súc, gia cầm và đây là một biến tướng và đây là một biến tướng rất đáng quan tâm. Chưa nói đến việc sử dụng con dấu giả, việc giết mổ gia cầm ngay tại địa chỉ kinh doanh của cơ sở Minh Ngọc đã là trái phép. Bởi theo quy định, việc giết mổ gia cầm của các cơ sở kinh doanh không được tồn tại trong nội thành Hà Nội, mà phải cách xa khu dân cư, quá trình giết mổ phải đủ điều kiện vệ sinh thú y và được cơ quan thú y cấp phép. Thế nhưng, vì lợi nhuận, cơ sở này đã bất chấp tất cả. Tại buổi làm việc chiều 26-3, cơ quan công an và Chi cục Thú y Hà Nội đã đi đến kết luận cuối cùng là con dấu mà cơ sở Minh Ngọc sử dụng không phải là con dấu của Chi cục Thú y Hà Nội.
Bất cập và thiếu sự phối hợp
Vụ việc hô "biến" gia cầm "bẩn" thành "sạch" của cơ sở Minh Ngọc đã và đang đặt ra bài toán về công tác quản lý hiện nay. Về vấn đề này, ông Nguyễn Hữu Thảo, Trưởng phòng Kiểm dịch động vật, Chi cục Thú y Hà Nội thừa nhận, nếu đơn độc ngành thú y nỗ lực thì chưa đủ. Thực tế, để làm tốt việc kiểm soát, ngăn ngừa các hành vi vi phạm về VSATTP cần có sự tham gia quản lý của nhiều cấp, nhiều ngành. Cụ thể như ở cơ sở Minh Ngọc, Trạm Thú y Hoàn Kiếm chỉ vẻn vẹn 12 người, phải bao quát việc giết mổ, vệ sinh thú y đối với tất cả các hộ kinh doanh trên địa bàn một phường (quận Hoàn Kiếm hiện có 18 phường), đồng thời kiêm luôn vệ sinh thú y ở các chợ, siêu thị trong phường, với hàng nghìn hộ kinh doanh gia súc, gia cầm nhỏ lẻ trên địa bàn. Rõ ràng, nếu có sự giám sát của chính quyền cơ sở, cảnh sát khu vực, tổ dân phố thì cơ sở Minh Ngọc không thể gian dối "phù phép" biến gia cầm "bẩn" thành "sạch" trong suốt thời gian dài như vậy. Tất nhiên, như ông Thảo bày tỏ, "Trách nhiệm này trước hết thuộc về cán bộ cơ sở đã chưa thực sự sâu sát" và "Chi cục sẽ chấn chỉnh và khắc phục ngay trong thời gian tới".
Song cũng theo ông Thảo, cái khó nằm ở chỗ, ngành thú y nếu phát hiện ra sai phạm cũng không có thẩm quyền kiểm tra, bắt giữ ngay mà phải đề nghị cơ quan công an, quản lý thị trường cùng phối hợp. Chính vì thế mà có trường hợp, cán bộ thú y phát hiện vụ việc nhưng chờ đủ thành phần liên ngành đến thì cơ sở vi phạm đã kịp tẩu tán, xóa dấu vết. Có thể thấy, nếu phối hợp ăn ý thì sự việc sẽ sớm được phát hiện và xử lý dứt điểm. Đáng tiếc, mối quan hệ giữa 3 đơn vị đôi khi chưa thực sự gắn kết, đồng bộ.
Trả lời câu hỏi của chúng tôi về việc trên các sản phẩm gia súc, gia cầm sạch hiện nay được bày bán trên thị trường, các dấu kiểm dịch đều rất mờ và không thể đọc được thông số được đóng dấu, ông Đỗ Phú Sơn thừa nhận, đó là lỗi của cán bộ thú y. Một quy tắc rất quan trọng trước khi đóng dấu kiểm dịch là phải làm khô phần đóng dấu trên gia súc, gia cầm. Mặc dù thời gian qua, Chi cục Thú y Hà Nội đã tổ chức rất nhiều đợt tập huấn cho cán bộ, tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, cán bộ thú y không làm kỹ khâu này khiến phần dấu in lên gia súc, gia cầm thành phẩm rất mờ không thể đọc được. Chính sơ suất này đã tạo kẽ hở để cơ sở Minh Ngọc trục lợi, làm liều, trà trộn các sản phẩm kém chất lượng để bán cho người tiêu dùng.
Cũng liên quan đến vấn đề này, ông Lê Đức Thọ, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội cho biết, việc quản lý chất lượng thực phẩm trên thị trường hiện nay được phân cấp rõ ràng. Đối với sản phẩm gia cầm, việc kiểm dịch phải được thực hiện theo quy định của Pháp lệnh Thú y. Việc tự ý đóng dấu kiểm dịch là vi phạm quy định về kiểm dịch. Cũng theo ông Thọ, gia cầm lưu thông trên thị trường chịu sự quản lý của hai cơ quan chức năng là Chi cục Thú y và Chi cục QLTT. Chi cục An toàn Vệ sinh thực phẩm Hà Nội, với trách nhiệm là cơ quan thường trực, sẽ phối hợp cùng các đơn vị chức năng tiếp tục kiểm tra, làm rõ sự việc này để có thông tin kịp thời tới người tiêu dùng.
Vụ việc cơ sở Minh Ngọc sử dụng con dấu giả của lực lượng thú y đóng lên sản phẩm gia cầm "sạch" để tuồn vào các siêu thị, khách sạn lớn của Hà Nội vẫn đang được cơ quan chức năng điều tra, làm rõ. Vấn đề dư luận quan tâm lúc này là xử lý thế nào đối với hành vi gian dối, của cơ sở Minh Ngọc? Nếu chỉ thu giữ, tiêu hủy tang vật ( hơn 130kg gia cầm) và xử phạt vi phạm hành chính như thông lệ, e rằng câu chuyện về công tác quản lý VSATTP sẽ không có hồi kết.