Chernobyl: Rừng cây chết kỳ lạ, 30 năm không phân hủy
Công nghệ - Ngày đăng : 16:29, 27/03/2014
“Chúng tôi từng giẫm lên tất cả các thân cây chết trên mặt đất sau vụ nổ đầu tiên ở Chernobyl năm 1986. Nhiều năm sau, những thân cây này vẫn giữ vóc dáng tương đối tốt. Trong khi đó, một cây bình thường ngã gục trong vườn nhà bạn sẽ biến thành mùn cưa chỉ trong khoảng 10 năm”, giáo sư sinh vật học Tim Mousseau thuộc Đại học South Carolina (Mỹ), nói.
Giáo sư Mousseau cùng chuyên gia Anders Møller thuộc Đại học Paris-Sud tiến hành nhiều cuộc nghiên cứu về sinh vật học của các khu vực phóng xạ như Chernobyl và Fukushima (Nhật). Hầu hết công việc của họ tập trung ở Rừng đỏ, khu rừng nổi tiếng bao quanh Chernobyl có các cây cối chuyển thành màu nâu đỏ trước khi chết.
Cả hai nhà nghiên cứu nhận thấy, các thân cây chết ở Rừng đỏ gần như không thay đổi, ngay cả sau một vài thập niên. Để hiểu rõ hơn điều gì đã xảy ra, họ thu thập hàng trăm mẫu lá rơi, nằm rải rác trên thềm rừng không nhiễm phóng xạ và cho chúng vào các túi dán kín. Các túi lá cây này sau đó được đặt quanh khu vực Chernobyl trong khoảng 9 tháng.
Kết quả thu được rất đáng kinh ngạc: Các mẫu lá được đặt ở những nơi nhiễm phóng xạ cao ít bị phân hủy hơn 40% so với những mẫu ở nơi không bị nhiễm xạ. Mức độ phân hủy của các mẫu lá cũng tương ứng với mức nhiễm phóng xạ ở mỗi khu vực, theo nghiên cứu đăng tải trên tạp chí Oecologia.
Từ lâu, giới khoa học đã biết, phóng xạ có nhiều ảnh hưởng gây hại tới các vi sinh vật, chẳng hạn như vi khuẩn và nấm. Một nghiên cứu gần đây cũng chỉ ra rằng, phương pháp xạ trị có thể dẫn tới những biến chứng nghiêm trọng ở bệnh nhân ung thư, do làm giảm số lượng vi khuẩn có ích trong đường ruột.
Nhóm nghiên cứu của ông Mousseau quan ngại, việc tích tụ lá rơi ít phân hủy ở thềm rừng quanh Chernobyl suốt 28 năm qua sẽ tạo ra một mối đe dọa thực sự: Chúng có thể trở thành nhiên liệu lý tưởng cho một vụ hỏa hoạn.